Thúc đẩy du lịch TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên kết, xúc tiến du lịch với Bến Tre là bước khởi động đầu tiên trong chuỗi hoạt động kết nối của TP HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL trên lộ trình khôi phục ngành du lịch sau giai đoạn giãn cách
Ngày 30-10, tại tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre và UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị "Liên kết du lịch giữa TP HCM và Bến Tre trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19". Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu nỗ lực vượt khó của 2 địa phương trước những ảnh hưởng và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cũng như kế hoạch khôi phục du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Hấp dẫn du khách nhưng còn hạn chế
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho rằng Bến Tre là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng nên phù hợp với thị trường khách du lịch của TP HCM. Bến Tre còn là địa phương có điểm đến trong chương trình "Du lịch non nước hữu tình", cùng với Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu... nên được du khách ưa thích. Tỉnh đã và đang nỗ lực phối hợp triển khai các hoạt động để thu hút đầu tư, tìm hiểu về tiềm năng đầu tư, phát triển du lịch của địa phương.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp (DN) lữ hành đánh giá Bến Tre là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm hấp dẫn, đa dạng như: du lịch sông nước miệt vườn; du lịch về nguồn gắn với văn hóa - lịch sử; du lịch gắn với làng nghề truyền thống nổi tiếng, làng hoa kiểng, trái cây Chợ Lách; du lịch biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú; du lịch chợ nổi, xứ dừa, sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực xứ dừa... Trong khi đó, TP HCM cũng xác định Bến Tre là điểm đến trong các chương trình du lịch về các tỉnh, thành ĐBSCL.

Đoàn đại biểu TP HCM và đại diện lãnh đạo tỉnh Bến Tre dâng hương nữ tướng Nguyễn Thị Định Ảnh: Minh Sơn
Đoàn đại biểu TP HCM và đại diện lãnh đạo tỉnh Bến Tre dâng hương nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Minh Sơn
Đại diện nhiều DN lữ hành ở TP HCM cũng cho biết rất quan tâm khai thác chương trình du lịch nội địa và quốc tế đưa khách đến Bến Tre và các tỉnh, thành trong khu vực. Bà Trần Thị Minh Thảo, Giám đốc Ban Sản phẩm và Dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel, khẳng định không chỉ khách miền Nam mà du khách từ miền Bắc, miền Trung hay Việt kiều đều rất yêu thích điểm đến này. Giai đoạn trước dịch, Vietravel xây dựng đa dạng sản phẩm tour miền Tây, lịch trình từ 1 - 4 ngày, phục vụ khoảng 35.000 khách mỗi năm. Trở lại sau giai đoạn dịch bùng phát lần thứ 4, Vietravel đã chuẩn bị loạt sản phẩm hướng tới thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng TP HCM cùng ĐBSCL.
Dù vậy, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Bến Tre nhìn nhận việc kết nối du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được sản phẩm tour, tuyến mới thật sự hấp dẫn. Việc kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch đến Bến Tre vẫn chưa như kỳ vọng. "Tỉnh Bến Tre có lợi thế về ẩm thực gắn với dừa và hoạt động văn hóa gắn với Festival Dừa nên công tác khai thác những lợi thế này cần được chú trọng hơn để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng theo chủ đề này" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa gợi mở.
Liên kết để tạo sức mạnh
Thực tế, việc liên kết du lịch giữa TP HCM với Bến Tre và các tỉnh, thành ĐBSCL đã có từ rất sớm nhưng việc nâng liên kết lên cấp độ vùng được thực hiện bởi chính quyền của 14 địa phương chỉ mới chính thức hình thành từ tháng 9-2019, tại Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Sau giai đoạn bị ảnh hưởng và gián đoạn liên kết du lịch vùng do dịch Covid-19, ngành du lịch TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đang kết nối, kích hoạt trở lại với kỳ vọng sớm khôi phục du lịch để đón khách. Do đó, việc cần thiết lúc này là phải mở lại liên kết du lịch, với phương châm "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó", "mở cửa thì phải an toàn".
Để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh trong thời gian tới, Sở Du lịch tỉnh Bến Tre đề xuất 2 địa phương cần chú trọng công tác phối hợp triển khai các hoạt động tại chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 hiệu quả, chất lượng, có chiều sâu và mang lại giá trị cho cộng đồng. Trước mắt sẽ phát triển tuyến Cần Giờ - Bến Tre; phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông việc tái khởi động ngành du lịch.
Còn theo Sở Du lịch TP HCM, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giao thương và khảo sát cho DN lữ hành từ thành phố và các tỉnh Đông Nam Bộ để xây dựng và khai thác sản phẩm đặc trưng, khác biệt từ thế mạnh của Bến Tre như: sông nước, nhà vườn, homestay, ẩm thực, làng hoa kiểng...
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các DN du lịch đề xuất để đẩy mạnh liên kết du lịch giữa 2 địa phương và cả vùng, cần sớm có quy định, tiêu chí cụ thể, rõ ràng về công tác phòng chống dịch nhằm bảo đảm việc đưa đón khách an toàn. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, nhấn mạnh nếu thống nhất các tiêu chí này, DN lữ hành yên tâm đưa đón khách giữa TP HCM và Bến Tre, đồng thời định vị lại thị trường khách nội địa sẽ là cơ hội phục hồi tốt cho ngành du lịch. 
Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành
Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố đang tạo mọi điều kiện để các DN du lịch lữ hành mở lại các tour, tuyến và đẩy mạnh liên kết hợp tác với tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành trong khu vực. Để mở cửa an toàn và bảo đảm, ngành chức năng 2 địa phương cần phát triển du lịch trên nền tảng đi theo tour, tuyến, trong đó các tuyến kết nối phải thống nhất về giao thông.
Ngay trong sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cùng các đại biểu đi thực tế, khảo sát những điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng ở Bến Tre nhằm tổ chức lại các hoạt động trong khuôn khổ liên kết du lịch giữa thành phố và địa phương này theo kế hoạch phục hồi du lịch.
MINH SƠN - THÁI PHƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.