Thư viện '0 đồng' của cô Thảo mini

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huỳnh Thanh Thảo (38 tuổi, sống tại ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) cao chưa đến 70 cm do ảnh hưởng bởi chất độc da cam và mắc chứng xương thủy tinh.

Cuộc sống của cô gắn với chiếc xe lăn. Nhưng nhờ đôi chân của cha, tình yêu của mẹ và nghị lực phi thường, Thảo đi khắp nơi, làm bao điều ý nghĩa. Trong đó, Thư viện mini cô Ba và Quỹ khuyến học cô Ba ấp Ràng là hai mô hình được nhiều người nhắc đến.

Trẻ con ấp Ràng rất thích đến đọc sách tại Thư viện mini cô Ba.

Trẻ con ấp Ràng rất thích đến đọc sách tại Thư viện mini cô Ba.

Từ chiếc tủ cũ mở ra chân trời mới

Hôm Thảo mời đến tham dự lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Thư viện mini cô Ba ở Củ Chi, đường xa, nắng gắt, thế nhưng ai cũng háo hức. Khách ghé thăm chủ yếu là người quen, tình nguyện viên trong các dự án cộng đồng của Thảo. Người đem hoa, góp sách, người tặng quà cùng những lời chúc tốt đẹp đến cô thủ thư đặc biệt. Thư viện là căn phòng lớn, nằm phía trước khuôn viên đất của gia đình Thảo, tuy không hiện đại, khang trang nhưng rộng rãi, bố trí khoa học. Trên từng chiếc kệ ghi rõ thể loại sách, mọi thứ sắp xếp ngăn nắp và có tình nguyện viên túc trực hướng dẫn. Đối diện các kệ sách là chiếc giường gỗ, nơi ngày ngày Thảo nằm đón khách, trò chuyện và hướng dẫn bạn đọc chọn các đầu sách phù hợp. Hôm nay, chiếc giường quen thuộc được lấp đầy bởi các túi đựng sách do bạn bè và cả người lạ gửi tặng.

Khách ghé thư viện đâu ai xa lạ, chủ yếu là trẻ con quanh ấp, học trò các trường ở khu vực lân cận. Hễ có thời gian rảnh, tụi nhỏ liền xin ba mẹ “Qua cô Thảo đọc sách”. Sách, truyện cho thiếu nhi, Thảo nhận từ nhiều nguồn, sàng lọc, phân loại kỹ rồi xếp đầy các kệ, trẻ con mê lắm. Hôm kỷ niệm thành lập thư viện nhằm vào chủ nhật nên Lê Huỳnh Đông (8 tuổi, ở ấp Ràng) được nghỉ học. Đông tranh thủ ghé từ sớm để trò chuyện với các cô chú, anh chị tình nguyện viên và kể cho cô Thảo nghe mấy nội dung hay từ cuốn sách em mới đọc xong.

Đông là bạn đọc thân thiết của Thư viện mini cô Ba, ai cũng quen mặt. Đông nói, điều khiến em siêng tới thư viện này là ở đây rất vui và thi thoảng còn có các hoạt động kết nối trẻ con với nhau. Sách thiếu nhi thì khỏi nói, bạt ngàn, kệ nào cũng có. Chứ ở nhà, ngoài sách giáo khoa, ba mẹ chỉ mua cho cậu bé vài cuốn sách mỏng, đọc mãi thành chán. “Từ ngày con biết thư viện này, ba mẹ con khỏi tốn tiền mua sách. Ở đây quá chừng sách hay, đọc hoài không hết. Mà ở đây, chuyện cô Thảo kể cũng hay nữa, con thích lắm”, Đông nói, kèm theo sau là nụ cười giòn tan, lém lỉnh.

Thảo kể, từ khi mày mò học chữ, ghép vần cùng mẹ tại nhà, chị đã ao ước có một tủ sách để đọc cho thỏa lòng. Không đi đâu được, phần lớn thời gian phải nằm trên giường, Thảo muốn khám phá thế giới qua trang sách. Ai tặng sách, cũ hay mới, Thảo đều vui. Ngày nọ, Thảo xin được tủ thuốc lá cũ của chủ tiệm tạp hóa gần nhà, bao nhiêu sách hiện có, chị chùi sạch, sắp xếp gọn gàng vào trong. Ngắm tủ sách cũ đầu tiên mình sở hữu, Thảo nở nụ cười hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi gom đủ sách khởi động mô hình Thư viện mini cô Ba vào năm 2009, Thảo vẫn chưa tin bản thân có thể điều hành một không gian cộng đồng phục vụ trẻ em đến tận bây giờ.

Nghe ở ấp Ràng có thư viện miễn phí, mọi người chủ động liên hệ tặng sách. Đến nay, thư viện của Thảo đã có hơn 6.000 đầu sách, chủ yếu phục vụ thanh thiếu nhi. Nhìn trẻ con trong ấp háo hức lật giở từng trang sách, Thảo biết bản thân đã làm thêm một điều có ích. Thảo quý từng cuốn sách nhận về nên luôn tìm cách phát huy hết công năng của thư viện. Vượt khó mỗi ngày nhưng khi nghe ai đó khen giỏi, Thảo đều tự nhận bản thân may mắn khi đón nhận sự chung tay của cộng đồng: “Thư viện nhỏ vậy thôi chứ tấm lòng của mọi người lớn lắm. Không có mọi người đồng hành, tôi sẽ chẳng thể duy trì được thư viện này. Nhớ có lần một cô thu mua ve chai tới gõ cửa, cô tặng sách cho thư viện, tôi cảm động rớt nước mắt. Rồi mấy bạn sinh viên mê sách, có những cuốn các bạn quý lắm, vậy mà vẫn gom góp, tặng thư viện để chia sẻ với trẻ em nghèo. Chính những điều giản đơn như vậy tiếp cho tôi thêm động lực để phát triển mô hình này”.

Chị Thảo cùng ba mẹ tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Thư viện mini cô Ba.

Chị Thảo cùng ba mẹ tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Thư viện mini cô Ba.

Muốn cho đi nhiều hơn

Thư viện mini cô Ba mở cửa, tụi nhỏ ùa vào, tới kệ chọn cuốn yêu thích, sau đó, đứa ngồi, đứa nằm đọc thỏa thuê, đến đoạn vui cười khanh khách, kể cho nhau nghe nhân vật này, câu chuyện kia, rộn ràng mọi lúc. Nhiều người hỏi sao không yêu cầu tụi nhỏ im lặng đọc sách, Thảo cười, giải thích: “Tụi nhỏ đọc thấy thích mới cười nói, trao đổi với nhau. Ồn một chút nhưng các em thấy vui, tới hoài là được”. Đọc chưa hết mà ba mẹ gọi về hay tới giờ đi học, Thảo sẽ cho tụi nhỏ mượn sách về nhà, khi nào đọc xong quay lại trả. Sách mượn về nhiều nhưng thư viện ít khi bị thất lạc. Tụi nhỏ ngoan, giữ sách kỹ, đọc xong là đem trả ngay. Vào mỗi quý hoặc các ngày lễ, Thảo rủ rê tình nguyện viên tổ chức các hoạt động vui chơi, ăn uống miễn phí cho trẻ em.

Ban đầu neo người, để vận hành thư viện, Thảo cực lắm, phải nhờ ba mẹ giúp đủ chuyện. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, rất nhiều người tìm đến, tự nguyện góp sức. Nhớ lại gần 10 năm trước, khi lần đầu đến Thư viện mini cô Ba, chị Huỳnh Thị Thanh Phương (giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Rành ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) vẫn chưa vơi xúc động. Lúc đó, trước mắt chị là cô gái nhỏ thó, ngồi một chút phải nằm vì xương đau nhức nhưng miệng luôn nở nụ cười rất tươi. Chung quanh Thảo có rất nhiều túi đựng sách mọi người gửi đến. Trò chuyện đôi câu, chị Phương vội vàng xắn tay áo, phụ Thảo lau chùi kệ, phân loại sách. Từ sau hôm đó, chị Phương trở thành bạn đồng hành tại thư viện này. Biết Thảo vận động khó khăn, chị Phương xung phong ngược xuôi khắp nơi nhận sách mạnh thường quân trao tặng, hỗ trợ trông coi thư viện khi có thời gian. Cuối tuần, chị dắt con trai đến thư viện. Con đọc sách, chơi đùa cùng các bạn. Mẹ lau chùi kệ, dọn dẹp và thống kê các đầu sách để thuận tiện cho việc quản lý, vận hành.

Trước khi mở thư viện, Thảo đã tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nghèo trong khu vực. Chưa một ngày đến trường nhưng nhờ học từ mẹ, từ sách và các khóa học trực tuyến, Thảo nhận ra nếu có tri thức, cơ hội phát triển của trẻ em nghèo sẽ nhiều hơn. Vậy nên, trẻ em nghèo tìm đến, chị sẽ tìm mọi cách hỗ trợ. Niềm vui ngày càng lớn khi “học trò” của cô Ba mini đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Nghe mấy bạn nhỏ báo cáo, Thảo mừng trong bụng. Ngày nhỏ, chỉ vì muốn tự tay viết được tên mình và tên ba mẹ mà chị vượt qua nhiều khó khăn để học hành. Giờ nhìn học trò tiến bộ, chị biết sẽ có ngày các em được chắp cánh bay xa. Quỹ khuyến học cô Ba ấp Ràng ra đời từ mong muốn đó. Thảo vận động từ người thân, gia đình, bạn bè và lên ý tưởng tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ trong cộng đồng. Thảo nỗ lực làm việc và cho đi mỗi khi có thể.

Nhiều lúc ngồi ngắm Thảo, chị Phương tự hỏi cô bạn nhỏ lấy đâu ra năng lượng để hoạt động không ngừng nghỉ như thế. Chỉ cần giúp ích cho đời, việc lớn hay nhỏ, Thảo luôn cố làm thật tốt. Di chuyển phụ thuộc vào xe lăn, đi xa phải có người ẵm trên tay nhưng Thảo được mọi người gọi là “Én nhỏ” vì rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, các chương trình mang tính cộng đồng. “Nhìn cách Thảo lăn xả, tôi biết em ấy hạnh phúc với hành trình đã chọn. Tôi học được nhiều điều từ cô gái nhỏ này. Em chưa bao giờ bỏ cuộc dù khó khăn lớn cỡ nào. Thảo luôn nghĩ đến điều tích cực và muốn cho đi nhiều hơn. Hôm rồi thấy các bạn trẻ lễ phép cúi đầu nói “Con kính chào cô Thảo”, tôi xúc động lắm. Thảo không phải giáo viên nhưng đã dạy được rất nhiều điều tốt đẹp cho trẻ em chung quanh mình”, chị Phương nhắc về Thảo với ánh mắt ngập tràn thương yêu.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...