(GLO)- Với việc đưa hoa Đà Lạt về trồng, anh Trần Ngọc Tùng (SN 1989, ở thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bước đầu gặt hái thành công với thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Dù đang tất bật thu hoạch hoa giao cho khách hàng nhưng anh Trần Ngọc Tùng vẫn dành thời gian để chia sẻ ý tưởng đưa hoa Đà Lạt về trồng tại Chư Sê. Anh kể: Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Ý thức được điều đó, anh càng quyết tâm trên con đường lập nghiệp của mình. Năm 2014, sau khi học xong khóa bảo vệ thực vật tại TP. Đà Lạt, anh vừa đi làm thêm vừa thuê đất để trồng hoa trong nhà kính. Sau một thời gian, anh tích lũy được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng hoa cúc.
Năm 2018, anh quyết định trở về quê hương thử vận may. Sau 3 tháng trồng thử nghiệm trên diện tích 0,5 sào, nhận thấy cây hoa cúc phát triển tốt, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa lên 4 sào với 2 loại cúc kim cương vàng và đại đóa. Cuối năm, anh thu hoạch vụ hoa đầu tiên. Vì hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán nên anh bán được giá cao. Sau khi trừ chi phí, anh thu về gần 600 triệu đồng. Tháng 2-2020, anh nâng tổng diện tích trồng hoa cúc của gia đình lên gần 1,2 ha.
Anh Trần Ngọc Tùng chăm sóc vườn hoa cúc của gia đình. Ảnh: Hà Phương |
Anh Tùng bộc bạch: “Gia đình hiện trồng chủ yếu 3 loại hoa cúc giống Đà Lạt là kim cương vàng, đại đóa và cúc chùm AT. Trung bình mỗi sào trồng 70-80 ngàn cây. Để thường xuyên có hoa bán, tôi chọn cách trồng gối vụ, tháng nào cũng xuống giống mới. Mỗi năm, gia đình thu trên 1,2 tỷ đồng”.
Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, hoa cúc của anh Tùng còn được thương lái ở nhiều tỉnh lựa chọn nên đầu ra rất ổn định. Nhận định về giống hoa cúc Đà Lạt trồng ở vùng đất Chư Sê, anh Tùng chia sẻ: “Cúc Đà Lạt là giống cây ngắn ngày, dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt. Cùng với đó, chi phí giống thấp, giá bán ổn định, không tốn nhiều diện tích. Một sào đất vườn trồng được 3 vụ hoa/năm, mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu đồng”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Tùng còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp cây giống, giúp đỡ người dân trong xã phát triển nghề trồng hoa. Ông Nguyễn Hữu Quang (thôn 2, xã Ia Hlốp) cho biết: Thấy anh Tùng trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2020, tôi quyết định trồng thử 1 sào hoa cúc Đà Lạt. Được anh Tùng hỗ trợ về giống và kỹ thuật nên vườn hoa của tôi phát triển tốt. Vụ đầu tiên, tôi thu về hơn 150 triệu đồng.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Mô hình trồng hoa cúc Đà Lạt của anh Tùng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói thổ nhưỡng, khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác tại địa phương rất phù hợp để phát triển nghề trồng hoa. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai xây dựng vườn ươm, nhân giống, tạo điều kiện để người dân phát triển nông nghiệp theo hướng này”.
HÀ PHƯƠNG