Thủ lĩnh xứ Cồn Chim, Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân gọi bà Nguyễn Thị Lành là Ba Lành hay “nữ thủ lĩnh” ở xứ Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định). Dù ở tuổi ngoài thất tuần, bà vẫn được ca tụng như “sếu đầu đàn” ở xứ cồn này. Người dân Cồn Chim đến bây giờ vẫn luôn tin tưởng và gửi gắm nhiều trọng trách lớn lao cho nữ thủ lĩnh gan dạ của họ.
 
Bà Ba Lành (bìa trái) thăm hỏi đồng đội trong đội cảm tử quân năm xưa. Ảnh: NGỌC OAI
Nữ cảm tử quân gan dạ
Ngôi nhà nhỏ của bà Ba Lành (71 tuổi) nằm sát bên bến đò chở khách từ đất liền ra Cồn Chim và ngược lại. Nhà luôn rộng cửa đón từng đoàn khách ra vào đông đúc. Chủ nhà cho biết, đó là những người quen ở phố đến chơi hoặc cán bộ, lãnh đạo đến thăm. Có lúc thì các tăng ni, Phật tử cũng ghé về. Bà Ba Lành theo đạo Phật nhưng không “chuyên”. Bà có tài ngoại giao, lại có trí nhớ phi thường nên học cái gì cũng nhanh. Lúc nhỏ, chưa đi học nhưng đã nhớ được hết mặt chữ trong sách và đọc thơ vanh vách. “Học và đọc thì nhanh nhưng viết chữ xấu hết chỗ chê. Tôi cầm bút không được, viết chữ cứ như con gà bươi xó bếp vậy”, bà Ba Lành dí dỏm.
Ở Cồn Chim những năm 1964 đến 1968, bom đạn rải đều không một ngày ngưng nghỉ. Những cánh đồng lúa đang chín đỏ bị địch châm lửa thiêu rụi trước hai hàng nước mắt của nông dân. Lúc cao điểm, bom đạn của địch cày nát xóm cồn, dân chống cự không nổi đành bỏ làng đi tản cư. Hận thù càng dâng lên đỉnh điểm. “Giặc nghi dân xứ cồn che giấu bộ đội nhiều nên tổ chức vây ráp, bắn phá triền miên. Dân làng kiên trì bám trụ giữ đất, giữ làng từ năm 1964 đến năm 1968 mới chịu rời đi. Hồi đó, nơi đây bị địch san phẳng thành bình địa, không viên gạch nào có thể giữ nổi tường nhà”, bà Ba Lành kể.
Lúc 16 tuổi, bà Ba Lành đã theo bộ đội hoạt động cách mạng cơ sở và làm công tác dân vận. Đây cũng là dịp bà được học tập, mở mang kiến thức nhiều hơn. Tết Mậu Thân năm 1968, thời điểm cả miền Nam cùng nổi dậy để cướp chính quyền. Trước đó mấy hôm, khắp những khu rừng ngập mặn bên đầm Thị Nại, dân làng cũng sục sôi, chuẩn bị cho cuộc nổi dậy này. Khoảng 9 giờ sáng 28-12-1967, bà Lành được triệu tập cùng với 22 người ở xã Phước Sơn đến 1 ngôi miếu nhận nhiệm vụ “nhập thị” (đột nhập thị xã Quy Nhơn, nay là TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chuẩn bị chờ thời cơ cướp chính quyền.
“Đó là đội cảm tử quân, đã xác định đi là có thể sẽ không trở về. Sau đó, chúng tôi lội bộ rồi đi đò qua nhiều con sông lớn, trà trộn làm dân gánh nước đột nhập thị xã Quy Nhơn vào tối 30 Tết Mậu Thân 1968 để cướp chính quyền. Tuy nhiên, đội chúng tôi bị tình báo của địch phát hiện và truy sát”, bà Ba Lành nhớ lại.
Đến sáng mùng 1 Tết, cả đội cảm tử quân đều bị địch bắt giữ. Những người con gái rất trẻ bị địch tra tấn dã man. Bà Ba Lành là người đầu tiên bị địch lôi ra tra tấn, rồi cắt trọc tóc trước khi chúng tàn nhẫn đổ dầu hắc (nhựa đường đã nung nóng) lên đầu. Ba Lành cương quyết không khuất phục, miệng cắn chặt không khai một lời, chống cự quyết liệt. Những đồng nghiệp của Ba Lành thấy vậy thì cũng bấm bụng chịu đựng quyết không khai. Rồi tất cả những thành viên của đội cảm tử quân đều bị địch cạo trọc tóc, đổ dầu hắc rồi đem phơi nắng suốt một ngày. Không khai thác được thông tin gì, địch bắt giam họ lại, rồi thả về sau 1 năm giam tù…
 
Cồn Chim và khu rừng ngập mặn nhìn từ đầm Thị Nại. Ảnh: NGỌC OAI
Lặng thầm làm “bà đỡ”
Hòa bình lập lại, dân xứ Cồn Chim quay trở về làng xây dựng lại quê cha đất tổ. Họ đem những mầm đước, mầm bần đến ươm trồng, phục dựng lại khu rừng ngập mặn. Những ngày chiến tranh, rừng cây bị san phẳng, đàn chim mất chỗ trú ngụ, bỏ xứ ly tán khắp nơi. Việc phục dựng rừng ngập mặn cũng để xây dựng lại “mái nhà xanh” giữa đầm cho đàn chim về cư trú, bởi họ có cùng chung suy nghĩ “chim là di sản duy nhất tạo cảm hứng sinh thái và mang lại giá trị nghệ thuật cho ốc đảo này”. Tuy nhiên, vào thời điểm đó dân xứ Cồn Chim vẫn còn tiếp tục đối mặt với “giặc” đói, “giặc” dốt và nhiều mối họa khác. Thấy vậy, bà Ba Lành liền nghĩ ra sáng kiến trở thành “bà đỡ” về mặt giấy tờ, sổ sách, thủ tục… cho dân làng. Bà tìm đến tận những nhà dân ít hiểu biết để giúp đỡ họ. Những ai gặp khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục như làm giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, đơn xin việc, thủ tục cho con nhập học… đều được bà bỏ công, bỏ sức giúp đỡ.
Ở đảo Chim muốn ra phố thị phải qua chuyến đò vượt đầm Thị Nại. Và bà Ba Lành vẫn cần mẫn trên từng chuyến đò, đạp xe, đi bộ đến trụ sở UBND xã Phước Sơn, UBND huyện Tuy Phước để làm giấy tờ “từ thiện”. “Thấy họ ít hiểu biết, lại nghèo nên tôi thương và giúp đỡ. Tôi giúp không công chứ không hề lấy tiền xe, tiền đò… gì hết. Bởi tôi và chồng cũng có một khoản lương và trợ cấp của nhà nước nên đỡ hơn nhiều so với biết bao hoàn cảnh éo le ở xứ Cồn Chim này. Bấy giờ tôi đi miết cũng quen mặt hết mấy chú lãnh đạo, cán bộ, công an xã, huyện rồi. Các chú ấy cũng nhiệt tình giúp tôi làm giấy tờ cho dân đúng hẹn. Có hôm bệnh đau không qua đò được, mấy chú ấy cũng tìm đường sang tận nhà gửi lại hồ sơ, giấy tờ để tôi trả cho dân”.
Hòa giải xung đột
Cách đây gần 30 năm, khu rừng ngập mặn xứ Cồn Chim bỗng dưng “lọt” vào tay một đơn vị nuôi trồng thủy sản. Họ đến và lấy hết khu rừng để khoanh nuôi tôm, cá… Mất rừng, dân làng tủi hờn tột độ khi chính họ mới là chủ nhân của khu rừng. Gần 1.000 con người chưng hửng nhìn khu rừng bị chiếm mất và xung đột bắt đầu nảy lửa ở vùng đầm ngập mặn giữa người dân và doanh nghiệp. Thấy vậy, bà Ba Lành kêu gọi một số cán bộ chủ chốt trong xóm cồn ngồi lại tìm cách tháo gỡ “ngòi nổ”. Sáng hôm sau, chỉ sau tiếng kẻng của trưởng xóm, dân làng Cồn Chim kéo đến đông đủ. Họ lần lượt lắng nghe phát biểu, phân tích của nữ thủ lĩnh Ba Lành rồi đến trưởng xóm, xong ngồi lại với nhau thảo luận. Cuối cùng, ai nấy đều biểu quyết đề nghị trả lại khu rừng ngập mặn vì đó là công sức của họ.
Ngay hôm sau, bà Ba Lành khăn gói lên đường tìm gặp các lãnh đạo ở UBND huyện Tuy Phước và UBND tỉnh Bình Định để nói lý lẽ. Cái lý của bà Ba Lành giản dị rằng: “Thời chiến tranh, biết bao xương máu, mồ hôi của dân làng xứ Cồn Chim đã quyết tâm giữ đất, giữ rừng. Rừng che chắn bộ đội và che chở, đùm bọc dân làng. Chúng tôi yêu quý rừng còn hơn sinh mạng của mình. Sau chiến tranh, dân làng gầy dựng lại khu rừng ngập mặn nên không thể nói là rừng tự… mọc lên giữa đầm được. Quanh năm 4 mùa, dân làng khai thác lợi phẩm là cua, cá sinh ra dưới tán rừng. Bây giờ chính quyền lấy rừng thì dân làng biết sống ra sao?”.
Ban đầu, chính quyền địa phương chưa chịu nhượng bộ, đối thoại khiến dân làng phản ứng, định phá hết khu rừng trước khi bị người ngoài tàn phá. Thấy không ổn, bà Ba Lành lại khuyên can nên dân làng dừng lại. Sau đó, lãnh đạo huyện Tuy Phước nhượng bộ và đến đối thoại với dân. Chuyến đò đưa các lãnh đạo huyện Tuy Phước sang tới Cồn Chim đã thấy dân làng ăn cơm vắt, muối hột ngồi đợi. Trong đoàn có một lãnh đạo nước mắt dâng trào. Nhìn thấy lãnh đạo khóc, dân làng cũng buông bỏ dụng cụ phá rừng xuống đất, rồi cũng vỡ òa khóc theo. Về sau, chính quyền quyết định để lại 2/3 khu rừng cho dân làng bảo vệ và nuôi trồng, tận dụng để mưu sinh dưới tán rừng… cho đến nay.
Ngọc Oai (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.