Thu dung người lang thang xin ăn ở TP.HCM: 'Tụi con phải xin được 500.000 đồng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong 2 tháng 11 - 12.2023, PV Thanh Niên có trải nghiệm thực tế theo chân một số tổ công tác ở TP.HCM để thu dung người lang thang, xin ăn để xác minh đưa về các cơ sở hỗ trợ xã hội của nhà nước.

15 giờ 30 ngày 30.11, PV Thanh Niên theo tổ công tác TP.Thủ Đức (thành viên tổ gồm đại diện Phòng LĐ-TB-XH TP.Thủ Đức, Công an TP.Thủ Đức, Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM) rảo qua nhiều tuyến đường trên địa bàn để tập trung người lang thang, xin ăn.

16 giờ ngày 30.11, tại nút giao thông đường dẫn lên cầu vượt Cát Lái (đoạn khi vừa đổ dốc cầu Rạch Chiếc hướng về cầu Sài Gòn) thuộc P.An Phú, khi đèn đỏ, có 3 đứa trẻ liền chạy ra lòng đường chìa tay xin ăn. Vừa thấy xe tuần tra của tổ công tác dừng lại thì những đứa trẻ này tốc chạy. Đánh giá đoạn đường có lượng xe lưu thông lớn, sợ nguy hiểm đến trẻ và người tham gia giao thông khác nên tổ công tác không đuổi theo.

17 giờ, khi đến nút giao đường Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ (P.An Phú), thì thấy có 3 đứa trẻ (2 bé gái và 1 bé trai) đang đứng xin ăn. Khi thấy tổ công tác, 1 bé gái chạy, 2 bé còn lại ngồi khóc. Tổ công tác đã đưa các em về P.An Phú để xác minh và làm các thủ tục để đưa các em về Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM.

3 đứa trẻ xin ăn tại nút giao thông Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ được đưa về xác minh, sau đó được đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM

3 đứa trẻ xin ăn tại nút giao thông Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ được đưa về xác minh, sau đó được đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM

Qua đó, biết 3 bé là chị em ruột của nhau, bé gái lớn 10 tuổi, bé trai 7 tuổi, bé gái nhỏ nhất 2 tuổi. Bé gái 10 tuổi tên San, nói tiếng Việt không rành, cho hay 3 chị em đã đứng xin ăn tại nút giao thông trên từ sáng, đã được người đi đường cho 200.000 đồng và cho đến thời điểm được tổ công tác đưa về phường thì vẫn chưa được ăn uống gì.

"Mỗi ngày tụi con phải xin được 500.000 đồng, nếu không đủ sẽ không được cho ăn và sẽ bị cha đánh. Con đứng ở đó xin, lâu lâu, cha con lại lấy tiền rồi đi, mấy con đứng đó tiếp, nào đủ tiền thì thôi", bé gái nói và cho hay không biết nhà ở đâu, nhưng nếu tự tìm đường về sẽ ra.

Sau khi xác minh làm các thủ tục bàn giao cho P.An Phú để đưa các bé về Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM, tổ công tác TP.Thủ Đức tiếp tục di chuyển, tuần tra các địa bàn khác.

Khoảng 19 giờ, tổ công tác phát hiện 2 người gồm 1 cụ ông và 1 người đàn ông cởi trần lộ rõ các vết bỏng, đang ngồi dưới trụ đèn giao thông, đoạn Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng (P.Linh Tây) và được người đi đường cho tiền. Tổ công tác đã đưa 2 người này về trụ sở công an phường làm các thủ tục xác minh.

Qua xác minh, biết cụ ông tên Y.V.V (79 tuổi, trong CCCD ghi thường trú ở tỉnh Thanh Hoá) đang ở nhờ một ngôi chùa gần đó và thường xin ăn ở góc đường trên. Ông V. nói: "Tôi mới ra, chưa xin được đồng nào đâu".

Một trường hợp xin ăn tại nút giao Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng được đưa về phường làm thủ tục xác minh

Một trường hợp xin ăn tại nút giao Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng được đưa về phường làm thủ tục xác minh

Công an P.Linh Tây kiểm tra thấy số tiền trên người ông cụ có 790.000 đồng. Sau đó hỏi thêm gì thì ông V. đều không trả lời. Lực lượng chức năng đã đưa cụ V. về Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM. Còn người đàn ông bị bỏng là người sống ở phường, ra bán tăm bông ở góc đường trên. Tại thời điểm ở trụ sở công an phường, gia đình đã đến bảo lãnh về.

Đến khoảng gần 22 giờ thì tổ công tác di chuyển đến nút giao thông đường Lã Xuân Oai - Võ Chí Công (P.Tăng Nhơn Phú A) thấy một người phụ nữ khuyết tật (cụt chân) ngồi xe lăn dưới trụ đèn giao thông, đứng kế bên là 1 bé trai nên đưa về phường xác minh. Qua đó biết người phụ nữ khuyết tật tên N.T.H (ngụ Q.8), còn bé trai đi cùng 14 tuổi. Theo lời chị H., mỗi chiều tối, chị sẽ bắt xe ôm qua khu vực này để xin ăn, trung bình mỗi buổi xin được khoảng 500.000 đồng.

Tổ công tác hỏi chị H. có được nhận trợ cấp của nhà nước hằng tháng không, thì chị H. nói "không đủ tiền xài". Hỏi chị H. và bé trai có mối quan hệ gì thì chị H. nói là "chị em kết nghĩa". Lát sau, có một nam thanh niên vào xin gặp 2 người này để đưa điện thoại, qua xác minh thì tổ công tác biết nam thanh niên từng đi xin ăn và cũng mới được bảo lãnh khỏi Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM.

Trường hợp bán tăm bông được người đi đường cho tiền tại TP.Thủ Đức

Trường hợp bán tăm bông được người đi đường cho tiền tại TP.Thủ Đức

Ngoài ra, cũng tại nút giao Lã Xuân Oai - Võ Chí Công, tổ công tác đưa thêm 2 người phụ nữ (trong đó có 1 người khiếm thị) đang ngồi hát trên lề đường về trụ sở UBND P.Tăng Nhơn Phú A. Biết tên 2 người là L.T.M.Đ (khiếm thị, 47 tuổi) và L.T.M (30 tuổi) cùng quê tỉnh Nghệ An.

"Chúng tôi là dì cháu ruột, mới từ Nghệ An vào theo lời của một người quen tên Thuật. Nhưng vào TP.HCM mới biết bị Thuật lợi dụng điều khiển, lúc bị tổ công tác đưa về là Thuật cũng đang ngồi gần đó để coi", chị Đ. nói và cho biết thêm Thuật đang "chăn dắt" rất nhiều người. Cụ thể, Thuật thuê nhà ở TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho 5 người để ở và hầu như ai cũng là người khuyết tật. Mỗi ngày, Thuật sẽ chở họ đi xin ăn ở khắp nơi, tiền xin được thì Thuật lấy.

"Nhưng đừng nói với Thuật là tôi kể vậy. Thuật mà biết là nó giết cả gia đình tôi. Cán bộ cho tôi về, giờ cho tôi bắt xe về quê là tôi đi ngay", chị Đ. nói.

Lúc đến Công an P.Tăng Nhơn Phú A, chị Đ. có nhắn Thuật đến để bảo lãnh về thì Thuật nhắn: "Họ ập đến bất ngờ quá nên em không kịp trở tay… Chị khéo ăn nói xin đi xem sao rồi tính". Sau đó Thuật đến trụ sở UBND phường để bảo lãnh. Tại trụ sở phường, Thuật (sinh năm 1984, quê Thanh Hóa), mặc áo xe ôm công nghệ, nói mình chỉ là người chở hàng thuê, được chị Đ. thuê chở qua đứng góc đường đó chứ không quen biết gì…

Tổ công tác đã bàn giao lại cho Công an P.Tăng Nhơn Phú A làm rõ thêm về thân nhân. Do chị Đ. và chị M. không có người bảo lãnh nên cả hai được đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM.

Suốt 8 tiếng đồng hồ, tổ công tác tuần tra khắp các tuyến đường, tập trung và lập hồ sơ 9 người, trong đó có 4 trẻ em, vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM.

Theo đánh giá, điểm thuận lợi của tổ công tác khi tập trung người lang thang phải kể đến đầu tiên là sự phối hợp của các đơn vị liên ngành. Ngoài ra, Quyết định 812 năm 2023 của UBND TP.HCM mới đây đã mở ra nhiều điều kiện để thực hiện công tác này tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn hiện hữu khi thu dung người lang thang xin ăn, cụ thể là nguồn lực thực hiện, người lang thang nhận diện được tổ công tác, thường "làm liều" mỗi khi thấy tổ công tác đến nên gây khó cho việc thu dung đưa về cơ sở hỗ trợ xã hội. (còn tiếp)

Chạy địa bàn để "đối phó"

Tối muộn ngày 8.12, PV Thanh Niên theo tổ công tác Q.Phú Nhuận đi khảo sát, tuần tra tình hình người lang thang, xin ăn trên địa bàn để có ý kiến, đề nghị phường xử lý.

Trên đường đi, ghi nhận dọc các tuyến đường Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu… có nhiều trường hợp có dấu hiệu lang thang, xin ăn, tập trung trước các cửa hàng, nhà dân đã đóng cửa để nhặt ve chai, nằm ngủ… Một điểm đáng lưu ý, theo tổ công tác Q.Phú Nhuận, là người lang thang xin ăn thường chạy địa bàn để "đối phó" lực lượng chức năng.

Ví dụ, tại công viên Gia Định có vị trí giáp ranh 3 quận gồm Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình nên khi bị tổ công tác Q.Phú Nhuận phát hiện thì họ di chuyển ngay sang địa phận của quận khác nên gây khó cho công tác xử lý. Hay khi đi ngang tuyến đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh), nhiều người ngồi trên lề đường thấy xe tuần tra đi ngang thì chỉ nói lớn: "Mấy người đó chuẩn bị tới đó". Tuy nhiên do khác địa bàn quản lý nên tổ công tác không thể tiếp cận, tập trung về phường.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.