Thử định vị du lịch Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Thành phố đáng sống”, “Đà Nẵng - Singapore thứ hai của châu Á”... những tên gọi về Đà Nẵng với sự ngưỡng mộ và nhiều kỳ vọng như thế đã xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. Chưa hết, khoảng gần chục năm trở lại đây được xem như mùa vàng của ngành du lịch thành phố khi mang về vô số giải thưởng quốc tế.

Chỉ riêng trong năm 2022, Đà Nẵng được nhiều tạp chí về du lịch quốc tế bình chọn là Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á; top 21 điểm đến yêu thích nhất châu Á; top 3 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á... Đặc biệt, mới đây công cụ tìm kiếm Booking.com đã công bố kết quả khảo sát Đà Nẵng đứng “ngang hàng” với Bangkok của Thái Lan, là điểm đến và được đặt phòng nhiều nhất của du khách Việt Nam - một điều không ai nghĩ đến chỉ cách đây vài năm.

Đà Nẵng đang là cái tên rất “hot” trên thị trường du lịch hiện nay!. Ảnh: ST

Đà Nẵng đang là cái tên rất “hot” trên thị trường du lịch hiện nay!. Ảnh: ST

Đà Nẵng đang là cái tên rất “hot” trên thị trường du lịch hiện nay! Đúng, và chúng ta có thể tự tin khẳng định điều này. Đặc biệt mùa hè năm 2023, thành phố càng có sức hút mạnh mẽ hơn với hàng loạt chương trình, lễ hội mang tầm thế giới, tiêu biểu nhất là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến chiêm ngưỡng.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ riêng trong tháng 5-2023, số lượt du khách đến với thành phố tăng 95,6% so với cùng kỳ năm ngoái với khoảng hơn 700.000 lượt khách, trong đó một tín hiệu rất vui là khách quốc tế ước đạt hơn 169.000 lượt. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, các cơ sơ lưu trú trên địa bàn đã đón tiếp hơn 2,8 triệu lượt khách, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Thực ra những con số tăng trưởng theo chiều “dựng đứng” như vậy của ngành du lịch không chỉ xuất hiện vài năm gần đây, mà hơn chục năm trước Đà Nẵng đã có những mùa vàng “bội thu” như vậy. Điển hình, năm 2016 lần đầu tiên Đà Nẵng đưa ra con số phấn đấu là thu hút hơn 5 triệu lượt khách đến với thành phố.

Thế nhưng mới 9 tháng đầu năm lượng du khách đến với thành phố đã ngấp nghé con số 4,5 triệu, tăng 18,3% so với kỳ năm 2015. Điều khá thú vị là liên tục trong những năm sau đó Đà Nẵng luôn duy trì được mức tăng trưởng cao như vậy, và cho đến năm 2019 lượng khách du lịch đến với thành phố đã đạt con số gần 8,6 triệu lượt, trong đó lượng khách quốc tế lần đầu tiên chạm mốc 3,5 triệu lượt.

Với những kết quả rất ấn tượng như thế, liệu rằng Đà Nẵng đã phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh của mình? Nếu so sánh với một số địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, hay gần hơn là tỉnh Thừa Thiên Huế vốn có thâm niên trong việc phát triển du lịch, thì đến hôm nay Đà Nẵng hoàn toàn tự tin đã đứng ngang hàng, thậm chí vượt qua, đã và đang trở thành địa điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam. Thế nhưng những thành công này so với tiềm năng, lợi thế vốn có, đặc biệt là so với nhiều thành phố trong khu vực Đông Nam Á thì những con số ngành du lịch Đà Nẵng gặt hái được vẫn còn khiêm tốn.

Hơn chục năm trước, hình hài một đô thị văn minh, hiện đại với mũi nhọn kinh tế là ngành du lịch đã dần rõ nét. Xét về tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên cũng như về công tác quy hoạch cho tương lai, có thể nói Đà Nẵng không thua kém các thành phố có ngành du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok - Thái Lan, đảo Bali - Indonesia thậm chí là đảo quốc sư tử Singapore. Thế nhưng trong khi năm 2019, đảo Bali đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế, Bangkok đón đến 22 triệu lượt, Singapore xấp xỉ 20 triệu lượt du khách quốc tế, thì cũng năm này - năm được xem là bùng nổ khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng thì thành phố chỉ dừng chân ở con số 3,5 triệu lượt.

Vẫn biết rằng mọi sự so sánh luôn khập khiễng, nhưng khi đem những con số này đặt cạnh nhau quả thực là có sự chênh lệch quá lớn. Với những chuyên gia về lĩnh vực du lịch, hay đơn giản là người dân thành phố có điều kiện du lịch các địa điểm này thì có gì đó “ấm ức”, vì lẽ gì Đà Nẵng lại cách xa đến vậy? Đó là chưa kể đến việc Đà Nẵng chưa bằng các địa phương trên về số ngày lưu trú cũng như mức chi tiêu của du khách.

Nhìn thẳng vào sự thật không phải để tự ti, mà đó là cách chúng ta định vị được ngành du lịch đang ở đâu trên bản đồ khu vực cũng như quốc tế để từ đó có mục tiêu động lực phấn đấu. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã xác định rõ: “Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch lớn của đất nước...”.

Và để hiện thực hóa mục tiêu này, mới đây UBND thành phố đã ban hành Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu “Đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến 2045, thành phố trở thành điểm đến hàng đầu châu Á...”.

Vậy là đã rõ, ngay trong công tác xây dựng chính sách, hoạch định chiến lược phát triển thành phố đã định vị rõ du lịch Đà Nẵng phải ở tầm khu vực và châu Á. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi Đà Nẵng sở hữu gần như tất cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan để trở thành điểm du lịch hàng đầu châu lục. Vấn đề là ngay từ bây giờ thành phố phải bắt tay ngay vào việc biến những mục tiêu này thành hiện thực, bằng những giải pháp cụ thể, khoa học và có cả sự táo bạo, quyết liệt.

Hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên không đơn giản và cũng không thể chỉ dựa vào quyết tâm của lãnh đạo thành phố, hay sự nỗ lực của chính ngành du lịch. Câu chuyện ở đây là sự đồng lòng, chung tay phát triển du lịch bền vững của tất cả, trong đó có cả người dân thành phố. Đây là điều tiên quyết, bởi lẽ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp chứ không giản đơn chỉ riêng ngành du lịch với các hoạt động là tổ chức đón tiếp khách đến lưu trú, ăn uống và giải trí...

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.