"Thiên đường" mong manh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 3 ngày, trên facebook cá nhân, anh Phan Duy Hảo (TP. Pleiku) đăng 2 tấm ảnh vừa chụp ở khu vực đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), một địa điểm tham quan khá nổi tiếng. Nhìn vào 2 tấm ảnh này, dễ nhận ra một đám cỏ bị cháy trụi do đốt lửa nấu nướng. Ngay cạnh đấy là rất nhiều vỏ chai nước, lon bia, giấy ăn, thùng cát tông, vải bạt… nằm vương vãi trên mặt cỏ.

Không cần nói ra, ai cũng hiểu, đó là dấu tích bỏ lại của những vị khách tham quan vô ý thức. Càng đáng buồn hơn, như chia sẻ của anh Hảo, “đây chỉ là một góc nhỏ trong vô vàn bãi rác mà những khách tham quan đến nơi này đã để lại sau những cuộc vui mà mình chụp được”.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Chuyện du khách “vô tư” xả rác ở khu vực đồi thông Ia Dêr không phải bây giờ mới xảy ra. Chỉ cách đây hơn nửa năm, nhiều tờ báo đã phản ánh việc khu vực này ngập ngụa rác thải do khách tham quan bỏ lại. Sau đó, chi đoàn Sở Giao thông-Vận tải đã huy động hơn 30 đoàn viên thanh niên trong cơ quan đến đây thu gom rác, trả lại môi trường xanh-sạch cho đồi thông. Tiếc thay, thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường” đầy ý nghĩa mà chi đoàn Sở Giao thông-Vận tải phát ra dường như không mảy may chạm tới ý thức của nhiều du khách đến tham quan, vui chơi tại khu vực này.

Mà nào chỉ riêng đồi thông Ia Dêr, bất cứ điểm tham quan, du lịch nào trong tỉnh cũng xuất hiện tình trạng xả rác bừa bãi, khác chăng chỉ là mức độ mà thôi. Như cách đây chừng một năm, khi ghé thăm núi lửa Chư Đăng Ya (điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai năm 2017 theo bình chọn của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-Vietkings), nhìn cảnh vỏ chai nước, túi ni lông, bát đĩa đựng đồ ăn nhanh… du khách bỏ lại bừa bãi dọc các lối đi, tôi và nhiều người bạn không khỏi xót xa. Sau đó, chúng tôi đã lập một nhóm tình nguyện thu dọn rác thải ở nơi này. Sau buổi dọn rác, chúng tôi còn đóng những tấm biển kêu gọi khách tham quan không xả rác và chú ý bảo vệ nông sản của người dân trên núi lửa Chư Đăng Ya. Cuối tuần trước, trở lại danh thắng này, chúng tôi hy vọng những tấm biển kêu gọi mà mình đóng xuống sẽ phát huy tác dụng với những du khách đến đây. Nào ngờ, những tấm biển đó đã không còn. Nhưng rác thì vẫn còn đó, nhiều nhất là vỏ chai nước bị du khách vứt lại dọc cung đường lên núi.

Tại đồng cỏ hồng Glar (huyện Đak Đoa), một điểm tham quan hấp dẫn được phát hiện cách đây chưa lâu, tình trạng du khách xả rác vô tội vạ cũng đang đến hồi báo động. Dù mới chỉ đầu mùa cỏ hồng nhưng nơi này đã tràn ngập rác với đủ chủng loại như vỏ chai nước suối, nước ngọt, bì ni lông... Chứng kiến cảnh này, một đồng nghiệp của tôi khi viết bài phản ánh đã phải giật một cái tít như một lời cầu cứu: “Đừng biến đồng cỏ hồng thành đồng…rác”.

Ngoài Biển Hồ-“Đôi mắt Pleiku” nổi tiếng từ lâu, vài năm trở lại đây, Gia Lai có rất nhiều điểm đến hấp dẫn mới được phát hiện và được quảng bá trên các diễn đàn du lịch, nhất là các thắng cảnh tự nhiên như núi lửa Chư Đăng Ya, Biển Hồ chè, đồng cỏ hồng Glar, vườn chè Bàu Cạn… Nhiều du khách phương xa đến Gia Lai đã không tiếc lời khen ngợi vẻ đẹp tự nhiên hiếm có của các thắng cảnh này. Thậm chí, không ít người còn gọi đây là những “thiên đường nơi hạ giới”. Là người Gia Lai, nghe những lời ngợi khen đó, chẳng cứ tôi mà bất cứ ai cũng cảm thấy tự hào.

Viết đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến câu tục ngữ: “Cầm vàng lại để vàng rơi”. Rõ ràng là chúng ta đang sở hữu những thắng cảnh thiên nhiên đẹp hiếm có, những “thiên đường nơi hạ giới” như lời nhiều du khách ngợi khen. Đó không đơn thuần chỉ là niềm tự hào mà còn là những “mỏ vàng” nếu chúng ta biết giữ gìn, đầu tư khai thác. Và sự thực thì tỉnh ta đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương dựa trên chính tiềm năng thiên nhiên phong phú mà tạo hóa đã ban tặng này. Nhưng liệu điều đó có thể trở thành hiện thực khi mà những “thiên đường” chúng ta có đang đứng trước nguy cơ biến thành bãi rác bởi sự vô tâm, vô ý thức của nhiều khách tham quan, trong đó có cả chính những chủ nhân của thắng cảnh-những người dân Gia Lai?

Hãy suy nghĩ trước khi xả rác ở những nơi này. Bởi đơn giản, “thiên đường” luôn rất mong manh. Vì vậy, hãy gìn giữ nó cho chính bạn và cho cả thế hệ sau.

Lê Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.