Thi công quốc lộ 19 làm ảnh hưởng đời sống của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
 (GLO)- Nhiều bất cập trong quá trình thi công Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19) đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai khiến người dân bức xúc.

Cụ thể, quá trình thi công đường làm nứt nhà dân, bố trí cống thoát nước không phù hợp gây ngập lụt khi có mưa lớn, hệ thống bảng báo hiệu giao thông thiếu hợp lý…

Theo người dân thôn 1 (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa), dù mặt bằng được bàn giao từ tháng 5-2024 nhưng đến nay vẫn chưa được đổ bê tông đường gom dân sinh gây khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại. Ảnh: Nguyễn Hưng

Theo người dân thôn 1 (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa), dù mặt bằng được bàn giao từ tháng 5-2024 nhưng đến nay vẫn chưa được đổ bê tông đường gom dân sinh gây khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại. Ảnh: Nguyễn Hưng

Đứng nhìn nước chảy thành dòng trên con đường dân sinh nham nhở đất đá đấu nối với quốc lộ 19, chị Lê Thị Bích Thùy (thôn 1, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) lắc đầu ngao ngán: “Từ khi thi công quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn thôn đến nay, cuộc sống của người dân bị xáo trộn. Mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội, ở còn chưa yên chứ đừng nói đến buôn bán.

Mặt bằng được bàn giao từ tháng 5-2024 mà đến nay vẫn chưa đổ bê tông đường gom dân sinh. Trời mưa đi lại trơn trượt, không ít trường hợp bị ngã xe khi lưu thông trên đoạn đường này. Hệ thống thoát nước cũng chưa thấy làm. Sau mưa, nước chảy tràn khắp nơi, thậm chí còn làm ngập nhà chúng tôi. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay chưa thấy họ khắc phục”.

Ông Nguyễn Thành (thôn Hiệp Phú, xã Cư An, huyện Đak Pơ) cũng bức xúc không kém khi nói về những ảnh hưởng do thi công đường tuyến tránh quốc lộ 19 đoạn qua nhà mình. Chỉ tay vào những vết nứt chằng chịt trên tường nhà, ông nói: “Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua địa bàn tỉnh không chỉ nâng cấp quốc lộ 19 mà còn làm thêm tuyến đường tránh to đẹp. Nhưng việc thi công tuyến đường tránh An Khê đã làm nứt tường nhà tôi nhiều lắm.

Sau khi tôi phản ánh, đơn vị thi công đã đến kiểm tra và xác nhận là nứt do thi công đường. Họ cũng tính toán số tiền bồi thường nhưng quá ít. Nhà nứt khắp nơi mà chỉ bồi thường, hỗ trợ hơn 1 triệu đồng. Đáng nói là việc chi trả tiền đền bù kéo dài khiến chúng tôi bức xúc”.

Ông Nguyễn Thành (xã Cư An, huyện Đak Pơ) cho biết ngôi nhà ở của gia đình bị nứt nhiều do thi công tuyến đường tránh An Khê thuộc Dự án tăng cường kết nối hệ thống giao thông Tây Nguyên. Ảnh: Thiên Di

Ông Nguyễn Thành (xã Cư An, huyện Đak Pơ) cho biết ngôi nhà ở của gia đình bị nứt nhiều do thi công tuyến đường tránh An Khê thuộc Dự án tăng cường kết nối hệ thống giao thông Tây Nguyên. Ảnh: Thiên Di

Trao đổi với P.V, ông Cáp Văn Nhân-Chủ tịch UBND xã Cư An-xác nhận: Trên địa bàn xã có 19 hộ dân bị nứt tường nhà do ảnh hưởng bởi việc thi công tuyến đường tránh An Khê. Vừa qua, đại diện Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đông Đô và Công ty cổ phần Cầu 3 Thăng Long phối hợp với xã tiến hành kiểm tra, đo đạc, xây dựng phương án hỗ trợ.

“Cách đây ít ngày, đơn vị thi công đã kiểm tra thực tế và cơ bản thống nhất phương án hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị nứt tường nhà. Cũng có một số hộ phát hiện thêm những vết nứt mới nên chưa đồng tình với phương án hỗ trợ, bồi thường do đơn vị thi công đưa ra. Người dân cũng nhiều lần kiến nghị với chính quyền xã đề nghị đơn vị thi công sớm chi trả tiền bồi thường để họ tiến hành sửa chữa nhà cửa vì để lâu tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, phía đơn vị thi công đề nghị kéo dài thời gian vì tuyến đường đang trong quá trình thi công, cần theo dõi thêm để khi phát sinh các trường hợp nhà dân bị nứt mới thì có phương án đền bù, hỗ trợ một lần. Chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh đề nghị Ban Quản lý Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có phương án thi công mương thoát nước, tránh ngập nhà dân ở một số đoạn ngang qua địa bàn xã”-ông Nhân cho hay.

Còn theo ông Lê Ngọc Hữu-Chủ tịch UBND xã Bình Giáo (huyện Chư Prông): Xã đã tổng hợp ý kiến của cử tri về việc thi công quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn chưa đảm bảo vị trí hệ thống thoát nước nên khi mưa nước chảy vào nhà dân và chưa làm đường gom dân sinh. Mới đây, chủ đầu tư cùng đơn vị thi công phối hợp với UBND xã tiến hành khảo sát, xây dựng phương án khắc phục những nội dung cử tri phản ánh.

Chúng tôi cũng đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công cần sớm triển khai thi công mương thoát nước và đường gom để đảm bảo cuộc sống, sản xuất của người dân. Xã cũng đã triển khai tuyên truyền, giải thích về việc nền đường được nâng cao hơn nhà dân khi thi công quốc lộ 19 là theo thiết kế nên bà con cũng đã thống nhất, không còn kiến nghị về nội dung này nữa.

Theo ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giao thông-Vận tải đã tiến hành kiểm tra, xác minh những phản ánh của cử tri về bất cập trong quá trình thi công Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Giao thông-Vận tải đề nghị chỉ đạo chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm những kiến nghị của cử tri.

Có thể bạn quan tâm

Hướng metro kết nối với Bình Dương và Đồng Nai

Hướng metro kết nối với Bình Dương và Đồng Nai

Trải qua một số cuộc họp bàn bạc mất nhiều năm, cuối năm 2023 Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai về phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) kết nối với 2 địa phương này.
Giá phòng trọ tăng cao

Giá phòng trọ tăng cao

Nhu cầu về nơi ở ổn định luôn là ưu tiên hàng đầu của sinh viên trọ học xa nhà. Điều này khiến giá phòng trọ tại các khu vực tập trung nhiều trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM đang "nóng" dần trong mùa nhập học của sinh viên.
Choáng với giá thuê mặt bằng

Choáng với giá thuê mặt bằng

Sau 7 năm hoạt động, quán cà phê Starbucks Reserve có vị trí đắc địa nhất TP.HCM của thương hiệu này bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa từ ngày 26.8. Nguyên nhân chính được cho là do tiền thuê mặt bằng cao ngất ngưởng.