Cả 5 nhà thầu thi công Dự án Quốc lộ 19 qua Gia Lai đều chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc về mặt bằng, nguồn vật liệu và cả sự chưa quyết liệt của nhà thầu thi công.
Nhà thầu thi công một Dự án cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam

Nhà thầu thi công một Dự án cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam

Ngoài các nguyên nhân khách quan, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chậm tiến độ do các nhà thầu chưa triển khai quyết liệt thi công.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư), toàn bộ 5 nhà thầu thi công tại dự án đều đang chậm so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể, nhà thầu P&T đạt sản lượng 8,43 tỷ đồng, chậm 4,56% (chậm 1,16 tỷ đồng). Nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong đạt sản lượng 19,8 tỷ đồng, chậm 6,42% (chậm 10,64 tỷ đồng). Nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hiệp Cường đạt sản lượng 4,5 tỷ đồng, chậm 11,81% (chậm 5,3 tỷ đồng). Nhà thầu Thăng Long đạt sản lượng 7,1 tỷ đồng, chậm 13,36% (chậm 4,7 tỷ đồng).

Chậm nhất dự án là nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô đạt sản lượng 8,7 tỷ đồng, chậm 18,3% (chậm 15,9 tỷ đồng).

Đại diện Ban Quản lý dự án 2 chỉ ra dự án gặp khó khăn, vướng mắc về mặt bằng mới được địa phương bàn giao 14,9/18 km; trong đó có khoảng 12km đủ điều kiện thi công, nhưng thực tế thi công được 5,5/18km (5 cầu chưa được bàn giao). Công tác bàn giao mặt bằng chậm, đến nay mới kiểm đếm xong, chưa áp giá, phương án đền bù giải phóng mặt bằng chưa phê duyệt.

Bên cạnh đó, một số đoạn tuyến chưa được bàn giao, mặt bằng được bàn giao không liên tục; các phạm vi đào đất có khối lượng lớn để điều phối hiện đang bị vướng mặt bằng nên công tác đắp đường tạm, đắp nền K95, K98 tận dụng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nguồn vật liệu đất đắp cho dự án đã được địa phương hướng dẫn thực hiện nhưng nhà thầu còn lúng túng trong việc tìm kiếm và tiếp cận các hộ dân có nhu cầu cải tạo khai hoang và mỏ đất phù hợp làm vật liệu đất đắp.

Hiện nay, các nhà thầu đã tìm được 5 vị trí với tổng trữ lượng khoảng 130.000 m3, tuy nhiên mới thực hiện quy trình cấp 2 vị trí với trữ lượng 80.000 m3.

Đánh giá dự án thi công chậm nguyên nhân khách quan là mặt bằng bàn giao xôi đỗ, nhà thầu huy động chậm do đã vào mùa mưa, giai đoạn mùa khô thiếu nguồn vật liệu đấp đắp bởi chưa cấp giấy phép mỏ đất, đại diện Ban Quản lý dự án 2 cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan do công tác triển khai thi công của các nhà thầu như Công ty Đông Đô, Công ty Hiệp Cường chậm, chưa tập trung và chưa quyết liệt.

Do đó, Ban Quản lý dự án 2 sẽ có văn bản đôn đốc các nhà thầu có tiến độ triển khai chậm như Công ty Hiệp Cường, Công ty Đông Đô, Công ty Thăng Long và yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh các điều kiện để có thể thảm bê tông nhựa khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương đẩy nhanh các thủ tục giải phóng mặt bằng, trong 2 tuần tiếp theo sẽ làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Pơ ưu tiên bàn giao các vị trí cầu tạm, các vị trí nền đào để sử dụng đất điều phối cho nền đắp đoạn Km93 (thị trấn Đăk Pơ) và Km102 (qua xã An Thành).

Về nguồn vật liệu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã có văn bản về việc cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất san lấp phục vụ các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, Ban Quản lý dự án 2 sẽ đôn đốc, hướng dẫn các nhà thầu tiếp tục thực hiện quy trình để có nguồn đất đắp cho dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều dài khoảng 18km, tổng mức đầu tư khoảng 522,2 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án chỉ có 1 gói thầu xây lắp được khởi công từ ngày 30/6/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiến hành thành nâng cấp khoảng 127km Quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27-35km tuyến tránh với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD. Trong tổng vốn đầu tư của dự án, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.