Dân kêu trời vì bụi do thi công quốc lộ 19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng chục hộ dân ở thôn 1 (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, Gia Lai) bức xúc trước việc đơn vị thi công nâng cấp quốc lộ 19, đoạn qua địa phận thôn gây bụi mù trời, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc kinh doanh, buôn bán.

Công ty cổ phần Vinadelta là đơn vị trúng thầu thi công nâng cấp quốc lộ 19 đoạn từ km 144 đến 155, đoạn từ thôn Cầu Vàng (xã Kdang) đến hết thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa). Gói thầu này thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên với tổng số vốn đầu tư khoảng 156 triệu USD và sẽ hoàn thành vào tháng 6-2024. Để hoàn thành tiến độ đề ra, Công ty cổ phần Vinadelta đang tập trung lực lượng, máy móc thi công công trình. Sẽ không có gì đáng nói nếu việc thi công công trình của đơn vị trúng thầu đảm bảo quy định về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là ở thôn 1 (xã Tân Bình).

Chị Lê Thị Bích Thùy lau bụi đường bám trên bàn ghế trong quán cà phê của gia đình. Ảnh: T.D

Chị Lê Thị Bích Thùy lau bụi đường bám trên bàn ghế trong quán cà phê của gia đình. Ảnh: T.D

Dùng khăn ướt lau lớp bụi dày phủ kín mấy bộ bàn ghế trong quán cà phê, chị Lê Thị Bích Thùy (trú thôn 1) bức xúc: Từ khi đơn vị trúng thầu triển khai việc thi công cầu Lệ Cần và đoạn đường nối 2 bên cầu, dân ở đây hết khổ. Đặc biệt từ giai đoạn trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho đến nay, đơn vị thi công đã đổ 1 lớp đá dăm mỏng trên nền đường nên bụi mịt mù. Hễ có 1 cái xe ô tô chạy qua hoặc có cơn gió lớn là bụi bay dày đến nỗi không thấy gì xung quanh luôn. Tất cả mọi vật dụng trong nhà và cả cây cối đều bám 1 lớp bụi màu trắng trắng. “Họ có tưới nước nhưng kiểu chiếu lệ. Mỗi lần cái xe bồn bé tẹo chạy ngang thì chỉ có một lượng nước rất ít được tưới trên mặt đường. Chừng 5 phút sau, mặt đường khô queo như khi chưa tưới, bụi lại bay mù trời. Vậy nên là từ tháng 11-2023 đến nay, bụi quá, quán cà phê của gia đình tôi không có mấy khách. Trước còn bán được 500-600 ngàn đồng/ngày, còn nay chỉ được vài chục ngàn. Hít nhiều bụi đá, mấy đứa con tôi bị viêm đường hô hấp trên, đi viện miết à”-chị Thùy gằn giọng.

Cách quán cà phê của gia đình chị Thùy chừng 50 bước chân là cửa hàng mui nệm của chị Nguyễn Thị Hoa. Mới sáng sớm, bụi đã phủ một lớp xám trên nền nhà và các vật dụng trong cửa hàng. Chị Hoa cho hay: “Khi mới thi công, họ làm nham nhở khiến tai nạn liên tục. Có mấy đứa học sinh chạy xe ngang qua đoạn này ngã nhập viện. Còn mấy tháng nay, chúng tôi ăn ngủ với bụi. Họ tưới nước ít quá, chưa đủ thấm nền đường nên bụi bay mù mịt. Buổi tối quét dọn sạch sẽ rồi đóng cửa đi ngủ nhưng cứ sáng ra là nhà toàn bụi, chứ đừng nói ban ngày mở cửa buôn bán. Áo quần trước khi mặc phải giũ mạnh tay cho bay hết bụi. Mâm cơm mới dọn ra đã 1 lớp bụi đường bám rồi. Đơn vị thi công chỉ tưới nước rắc rắc 1-2 lần trên ngày nên không hạn chế được bụi”.

Bụi bám trên tường nhà chị Nguyễn Thị Hoa. Ảnh: T.D
Bụi bám trên tường nhà chị Nguyễn Thị Hoa. Ảnh: T.D

Để hạn chế bụi đường trong khi thi công nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua địa phận xã, nhiều hộ dân mua bạt, ni lông, vải về làm mái che phía trước nhà. Nhìn tấm vải rộng chừng 4-5 m treo trước hiên nhà, ông Huỳnh Nhị lắc đầu ngao ngán: “Trong ngoài cửa chính đều có 1 lớp vải rèm như vậy đó mà không ăn thua, bụi xâm chiếm khắp nhà. Sáng nay, biết nhà có khách, vợ tôi đã lau qua cho sạch sẽ mà giờ bàn ghế lại phủ đầy bụi rồi. Bản thân tôi phải thường xuyên dùng bông nhét mũi để khỏi hút phải bụi do thi công đường. Bụi đất còn đỡ chứ đằng này toàn bụi đá dăm rải đường, quá nguy hiểm. Nhà bên cạnh đóng cửa hàng ăn và cứ sáng sớm là chở con nhỏ đi về nhà người thân, tối mịt mới về lại. Nâng cấp đường để thuận tiện cho bà con đi lại, phát triển kinh tế-xã hội là điều mừng. Có điều đề nghị đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và có biện pháp khắc phục tình trạng bụi bặm này”.

Ông Huỳnh Nhị phải dùng bông nhét mũi và mua vải che trước hiên nhà chống bụi bặm bay vào nhà khi thi công quốc lộ 19, đoạn qua thôn 1, xã Tân Bình. Ảnh: T.D

Ông Huỳnh Nhị phải dùng bông nhét mũi và mua vải che trước hiên nhà chống bụi bặm bay vào nhà khi thi công quốc lộ 19, đoạn qua thôn 1, xã Tân Bình. Ảnh: T.D

Theo Chủ tịch UBND Tân Bình Trương Minh Thắng: "Người dân phản ánh bụi trong quá trình thi công nâng cấp quốc lộ 19 qua xã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày là không sai. Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sau khi thông đường kỹ thuật, đơn vị thi công đổ 1 lớp đá mỏng trên nền đường để đảm bảo việc lưu thông của người dân. Mỗi khi có xe chạy qua sẽ tạo bụi bay theo hướng gió vào nhà dân. Tôi đã đi kiểm tra, liên lạc với chủ đầu tư công trình có hướng xử lý. Chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị trúng thầu triển khai các biện pháp khắc phục. Do nhiều nguyên nhân nên tình trạng bụi trong quá trình thi công vẫn còn".

Mỗi lần có xe ô tô chạy qua, bụi bốc lên và bay theo hướng gió vào nhà dân. Ảnh: T.D
Mỗi lần có xe ô tô chạy qua, bụi bốc lên và bay theo hướng gió vào nhà dân. Ảnh: T.D

Ông Ngô Văn Nam-đại diện Công ty cổ phần Vinadelta cho biết: “Tôi là chỉ huy phó thi công gói thầu nâng cấp quốc lộ 19 từ km 144 đến 155. Chúng tôi có 2 xe bồn tưới nước mặt đường khi thi công. Trong quá trình thi công các đoạn, chúng tôi đều có tưới nước. Nhưng theo kỹ thuật đề ra thì không được tưới ướt sũng bởi ảnh hưởng đến kết cấu nền đường. Một chiếc xe bồn của công ty đang bị hỏng đang sửa chữa nên ảnh hưởng đến việc tưới nước phục vụ thi công công trình. Bên cạnh đó, khí hậu Gia Lai đang vào giai đoạn nắng nóng nên sau tưới nước chừng 15-20 phút là đường khô queo. Chúng tôi cũng đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành gói thầu theo đúng kế hoạch đề ra là 30-6-2024. Hiện khối lượng công việc đạt khoảng 70% rồi”.

T.D

Có thể bạn quan tâm

Đường Hai Bà Trưng (TP. Pleiku) được đầu tư nâng cấp ngày càng hiện đại và khang trang. Ảnh Minh Tiến

Pleiku khởi sắc từ hạ tầng giao thông

(GLO)-Thành phố Pleiku là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Gia Lai. 50 năm sau ngày giải phóng, phố núi đã khoác lên mình diện mạo mới của một đô thị trẻ giàu tiềm năng phát triển. Trong đó, đáng chú ý nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và khang trang.

 “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa-túi nilon” nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

“Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa-túi nilon” nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

(GLO)- Mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa-túi nilon” do Đoàn phường Yên Thế (TP. Pleiku) triển khai tại chợ Yên Thế đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần khi đi chợ để bảo vệ môi trường.

Tổ thu gom rác thải thôn 1 (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) được thành lập từ tháng 10-2022, duy trì các hoạt động thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Văn Dư

Nông dân xử lý rác để giảm phát thải khí nhà kính

(GLO)- Sáng 24-3, tại Trung tâm Hội nghị Pleiku Palace (TP. Pleiku), Hội Nông dân tỉnh tiến hành hội thảo và tổng kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại Gia Lai.

Các đơn vị khẩn trương thi công hồ thị trấn Phú Hòa theo tiến độ. Ảnh: N.D

Dự án hồ thị trấn Phú Hòa: Kỳ vọng phát triển du lịch sinh thái

(GLO)- Dự án hồ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) được khởi công vào cuối tháng 12-2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Công trình được kỳ vọng làm thay đổi cảnh quan môi trường, kết hợp du lịch sinh thái khu vực trung tâm huyện và mang lại nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông ở buôn Bluk (xã Phú Cần) được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: L.N

Krông Pa ưu tiên nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông

(GLO)-Huyện Krông Pa ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo động lực cho khu vực vùng sâu, vùng xa phát triển.