Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn này, lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng rất mạnh. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng nhập các sản phẩm thép vào Việt Nam đạt hơn 5,06 triệu tấn; trong đó, lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc đạt hơn 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Đặc biệt, trong tháng 3-2023, lượng nhập thép từ Trung Quốc tăng 146% so với tháng 3-2022.
Các chuyên gia nhận định việc này có thể khiến khoảng 40.000 lao động của ngành thép trong nước mất việc làm. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chi ra hàng tỷ USD để nhập khẩu thép mỗi năm, trong khi hàng trong nước không bán được khiến việc kinh doanh thua lỗ nặng nề.
Đại diện VSA cho hay, giá sản phẩm thép Trung Quốc thấp hơn so với các nước xuất khẩu khác, cộng với các nhà sản xuất thép nước này chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài do nhu cầu trong nước thấp. Thép Trung Quốc chủ yếu được xuất khẩu sang các khu vực không có rào cản thương mại, gồm Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Á, Trung Mỹ.
Số liệu của Hiệp hội Thép Trung Quốc cho thấy, từ tháng 1 đến 5-2023, các công ty thép Trung Quốc đã tăng xuất khẩu 36,37 triệu tấn thép (tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong khi đó, từ ngày 5-7, giá thép trong nước tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép thanh vằn D10 CB300.
Cụ thể, sau điều chỉnh, dòng thép D10 CB300 của thương hiệu Hòa Phát hiện có giá 14,24 triệu đồng/tấn.
Tương tự, dòng thép D10 CB300 của thương hiệu VAS và Pomina sau khi giảm lần lượt có giá bán 14,01 triệu đồng và 15,1 triệu đồng/tấn.
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 13 đợt điều chỉnh giảm, tùy thương hiệu sẽ có tần suất điều chỉnh giá khác nhau.