Theo dấu người tiền sử: Lộ dần vết tích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khao khát của các nhà khoa học là xác định cư dân tiền sử - mà vết tích vừa được tìm thấy ở hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông - ngày trước sống như thế nào, sinh hoạt hằng ngày ra sao...



Như đã nêu, trong quá trình lau rửa hiện vật tìm thấy ở hang C6-1 thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông vào tháng 3-2018, PGS-TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, một trong những nhà khoa học tham gia cuộc khai quật - đã phát hiện 1 chiếc răng khôn của con người. "Mắt tôi sáng lên… Tuy nhiên, răng này lại có đến 4 chân, trong khi đúng ra thì chỉ 1-3 chân" - ông kể.

"Nín thở" chờ kết quả

Chuyên gia hàng đầu về nhân chủng học ở Việt Nam lập tức gửi hình ảnh chiếc răng cho 2 người bạn là GS Hirofumi Matsumura ở Nhật Bản và GS Hoàng Tử Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt - Trường ĐH Y Dược TP HCM. "Vài giờ sau, cả hai nhà khoa học trả lời rằng nó chính xác là răng người" - ông Cường hào hứng.

Dù mới là 1 chiếc răng nhưng các nhà khoa học đã tràn đầy niềm tin về việc phát hiện vết tích di cốt đầu tiên của con người ở Tây Nguyên sau bao năm tìm kiếm. Đến ngày 22-3, khi đào ở vách Tây hang C6-1, các chuyên gia tiếp tục phát hiện một đoạn xương đùi và xương chày của một người trưởng thành.

Sau đó, nhóm khai quật lại tìm thấy một bộ xương trẻ em. Bộ xương này lộ phần sau hộp sọ, mặt úp sấp; các xương cánh tay, trụ, quay, đùi và xương chày dựng đứng. "Tôi trực tiếp làm rõ dần bộ xương và kết luận người chết được chôn theo tư thế ngồi bó gối" - PGS-TS Cường nhớ lại.


 

 PGS-TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu chiếc sọ bé gái 4 tuổi tìm thấy trong hang động núi lửa Krông Nô Ảnh: Như Lai
PGS-TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu chiếc sọ bé gái 4 tuổi tìm thấy trong hang động núi lửa Krông Nô Ảnh: Như Lai


Để phục vụ việc trưng bày sau này, ông Cường cùng một họa sĩ đã đổ khuôn 5 bộ xương bằng composite từ bộ xương thật. Sau đó, từng phần của hộp sọ với các chi tiết xương khác nhau được tháo gỡ cẩn thận. Do xương được táng khá lâu và quá mảnh nên dù các chuyên gia đã tiến hành rất cẩn trọng nhưng hộp sọ vẫn vỡ thành hàng trăm mảnh. Mất hơn 2 tháng, họ mới lắp lại hộp sọ đúng như ban đầu.

Theo PGS-TS Cường, những chỉ số được đo đạc, tính toán cho thấy đây là sọ của bé gái 4 tuổi - hàm trên vẫn còn 9 răng sữa và hàm dưới 8 răng sữa. Đáng chú ý, đây là sọ của trẻ 4 tuổi nhưng răng sữa lại mòn vẹt. "Có thể người xưa sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu là trai, ốc, hến… khiến răng trẻ nhỏ sớm bị mòn" - ông giải thích.

Cũng ở hang C6-1, các chuyên gia còn phát hiện 3 ngôi mộ có di cốt người. Trong hố khai quật, họ tìm thấy dấu vết 5 trẻ sơ sinh, 4 người trưởng thành và 1 thiếu niên.

Để xác định niên đại, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu than củi tìm thấy trong hố thám sát, xương người... gửi đến các phòng thí nghiệm. TS La Thế Phúc - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chủ nhiệm đề tài khảo cổ được khai quật nêu trên - cho biết cần một hành trình dài để xác định niên đại những mẫu vật này. "Chúng tôi gần như "nín thở" chờ kết quả bởi hàng trăm năm qua, giới khoa học đã tìm kiếm dấu tích người tiền sử ở hang núi lửa mà chưa thấy" - ông nhấn mạnh.

Phương pháp phổ biến tính toán niên đại là xác định đồng vị carbon (C14) trên mẫu vật. Theo PGS-TS Cường, nhóm nghiên cứu đã gửi các mẫu vật sang Nga và Mỹ để đồng thời kiểm định. Kết quả, cả 2 phòng thí nghiệm đều kết luận các di vật có niên đại 4.600-7.950 năm cách ngày nay. Ông Cường lý giải: "Sở dĩ di cốt người tiền sử và các vật dụng giữ được lâu tới hàng ngàn năm như vậy là nhờ nhiệt độ trong hang thấp hơn bên ngoài (duy trì 22-26 độ C) cùng với môi trường canxi".

Di sản độc đáo

Trong cuộc khai quật khảo cổ ở hang động núi lửa Krông Nô, các nhà khoa học còn phát hiện hàng chục ngàn mảnh xương động vật, vỏ ốc biển, hến, trai… - tàn tích khai thác tự nhiên của con người; hố bếp lửa, đồ gốm, rìu đá, mũi tên đồng... tại hang C6-1. Tại một hang khác, các nhà khoa học ghi nhận đây là trại săn tạm thời của người tiền sử với các vết tích xương, răng động vật hoang dã và bếp lửa.

PGS Nguyễn Khắc Sử - Hội Khảo cổ học Việt Nam, người chủ trì cuộc khai quật - sơ bộ nhận định các phát hiện đã chứng tỏ người tiền sử có trình độ cao trong việc lựa chọn nơi cư trú. Trong hệ thống gần 100 hang động, người tiền sử chọn C6-1 là nơi trú ngụ vì rộng rãi, bằng phẳng, thông thoáng, nhiều ánh sáng, lên xuống dễ dàng, gần nguồn nước…

"Hang này được người xưa cư trú lâu dài, với 2 giai đoạn phát triển: Giai đoạn sớm cách nay 7.000-5.000 năm, giai đoạn muộn cách 5.000-4.000 năm" - ông Sử phân tích. Theo ông, các giai đoạn phát triển chứng tỏ cư dân ở đây đã thích ứng với môi trường, thể hiện qua kết quả săn bắt, thu hái các loài động vật, thực vật xung quanh.

PGS Sử cho rằng công cụ mũi nhọn làm từ xương động vật là loại hình độc đáo, hiếm thấy trong các di tích tiền sử trên địa bàn Tây Nguyên. Vỏ ốc biển lần đầu phát hiện ở Tây Nguyên cũng minh chứng cho mối quan hệ của người tiền sử ở đây với cư dân biển.

Các nhà khoa học khẳng định những di sản khảo cổ trong hang động núi lửa Krông Nô hết sức độc đáo, duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, rất hiếm gặp trên thế giới. Theo TS La Thế Phúc, bước đầu có thể ghi nhận lịch sử chiếm lĩnh và làm chủ vùng đất núi lửa của cư dân tiền sử; về quá trình phát triển văn hóa các cộng đồng dân cư trong mối tương quan với biến động môi trường, trong giao lưu và hội nhập với các nền văn hóa ở Tây Nguyên…

"Khao khát của các nhà khoa học là xác định cư dân tiền sử ngày trước sống như thế nào, sinh hoạt hằng ngày ra sao, tại sao những di chỉ để lại nhiều mảnh tước - công cụ bằng đá được chế tác phục cụ cuộc sống…?" - TS La Thế Phúc nhấn mạnh.


Xác định chủng tộc

Việc tiếp theo của các nhà khoa học là xác định người tiền sử được tìm thấy vết tích ở hang động núi lửa Krông Nô thuộc chủng tộc nào. Tìm ra kết quả chính xác về nguồn gốc của họ sẽ giúp các nhà khoa học xác định được tập tục sống, môi trường khí hậu thời kỳ đó, cũng như lịch sử phát triển xã hội loài người.

Thông thường, các nhà khoa học sẽ dùng phương pháp giám định gien (ADN) để xác định chủng tộc người. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho rằng phương pháp này rất khó vì không phải mẫu nào cũng đạt do thời gian quá lâu. Vì vậy, việc đo đạc đang được chọn là phương pháp chính để xác định chủng tộc. 

Yến Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null