Theo chân những người nuôi ong lấy mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mùa này, những cánh rừng keo xanh tưới bạt ngàn trên những dãy đồi rừng ở ba huyện miền núi Phú Yên đang nở hoa rực rỡ, nhiều người chuyên nghề nuôi ong lấy mật ở các tỉnh khác hối hả đưa những đàn ong lên xe tải vận chuyển về Phú Yên để tìm “đất sống” cho ong.

Dưới tán rừng keo xanh mướt mát bên quốc lộ 19C ở địa phận xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên), chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đang mải mê kiểm tra lượng mật tích tụ bên trong những “ngôi nhà” của ong. Gọi là nhà, nhưng đó là những thùng gỗ nhỏ hình chữ nhật có kích thước 44cm x 23cm được làm bằng gỗ thông đã sấy khô, không vênh nứt, có thể thoát ẩm và chịu được nắng mưa bền lâu. Bên trong thùng gỗ được thiết kế lưới ngăn ong chúa và những khung cầu gỗ dành cho ong lưu trú sau một ngày đi hút mật. Hơn 200 thùng gỗ nuôi ong xếp thành 4 hàng dài bên những gốc keo. Cách đó không xa là lán trại tạm của chủ nhân đàn ong.

Anh Nguyễn Văn Lâm bên những “ngôi nhà” của 200 đàn ong vừa di dời đến xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên).

Anh Nguyễn Văn Lâm bên những “ngôi nhà” của 200 đàn ong vừa di dời đến xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên).

Rót tách trà nóng vừa mới pha để mời khách, chủ nhân 200 đàn ong tự giới thiệu là Nguyễn Văn Lâm, quê ở Hải Dương, nhưng đã an cư lập nghiệp tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk hàng chục năm qua. Anh Lâm cho biết, đã theo nghề nuôi ong hơn 10 năm rồi và không đếm nổi bao nhiêu lần đưa ong di đàn tìm kiếm mật ngọt từ những mùa cà phê, cao su, keo lai,… ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc.

“Nay đây, mai đó. Nghề nuôi ong rong ruổi trên nhiều dặm đường miền núi, cần mẫn, công phu và phải hiểu biết kỹ thuật chăm sóc đàn ong, lấy mật, sơ chế, đóng thùng… nên không dễ gì ngày một ngày hai có thể hành nghề. Đó là chưa kể đến lúc thời tiết biến động bất thường, mưa giông, gió bão ập đến, phải kịp thời che chắn, bảo vệ đàn ong trong từng “ngôi nhà” và đôi lúc sức khỏe bất ổn khi đang nằm một mình trong lán trại dưới tán rừng”, anh Lâm bộc bạch.

Nói về Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, anh Lâm tâm sự, nhiều năm rồi, dường như anh chỉ biết Tết Nguyên đán qua chiếc máy radio mang theo và những cuộc điện thoại chúc sức khỏe của người thân. “Tôi đã nhiều lần đón giao thừa bên trong những đồi rừng cùng với đàn ong thân thiết của mình. Lúc đó, nhìn người dân hối hả rủ nhau đi chúc Tết, đôi lúc tôi cũng chạnh lòng nhớ nhà, nhớ vợ con, nhưng riết dần thành quen với cuộc mưu sinh chân chính trên những dặm đường”, anh chia sẻ và cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, mùa hoa nở rộ thì với 200 đàn ong, cứ 15-20 ngày sẽ thu mật một lần với sản lượng trên dưới 1.000kg, thu được 20-25 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn thu được trên dưới 50%. Theo đó, bình quân mỗi năm anh Lâm thu lãi khoảng 120-150 triệu đồng, dù chưa phải là nhiều so với công sức trong hành trình nuôi ong nhưng cũng đủ để chăm lo đời sống gia đình và nhu cầu học tập của con cái.

Để khai thác hiệu quả hoạt động của đàn ong, mỗi năm, người nuôi ong phải mua con ong chúa với giá từ 5-15 triệu đồng, thay thế con ong chúa trước đó đã già để đưa vào dẫn dắt đàn ong thợ với những công đoạn kỹ thuật khá công phu, chỉ có những người trong nghề mới thực hiện và diễn giải cho nhau.

Dọc quốc lộ 19C qua địa bàn ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh (Phú Yên), chúng tôi bắt gặp nhiều lán trại của người nuôi ong di đàn trong những rừng keo. Họ đến từ Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Khánh Hòa… mỗi người quản lý 200-300 đàn ong.

Anh Lê Minh Dũng đến từ huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết, khi mùa hoa cà phê ở Tây Nguyên khép lại, dân nuôi ong di đàn đến nơi hoa keo đang nở rộ với hy vọng bội thu mật ong. Để di chuyển những đàn ong trên chặng đường dài hàng trăm cây số, anh Dũng phải chờ đến đêm tối khi ong đã về “ngôi nhà” gỗ của mình, thuê nhân công bốc xếp lên xe tải vận chuyển về nơi cần đến. Tùy theo thời tiết từng vùng miền và mua hoa của từng loại cây trồng trên diện tích lớn, mỗi năm họ phải di đàn cho ong từ 5-10 địa điểm. Để có một điểm đến lý tưởng cho đàn ong, người nuôi ong phải nắm bắt thông tin, đánh giá tiềm năng thức ăn ở mỗi vùng, mỗi mùa, rồi cho ong “cắm trại” khi thời tiết tốt, nguồn hoa lớn từ cây trồng tiết ra nhiều mật ngọt.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, hơn chục năm qua, anh Dũng đã quen dần cuộc sống nay đây mai đó trong nghề nuôi ong với bao kỷ niệm buồn vui. Dù vất vả, đơn độc trong hành trình đi qua nhiều địa phương xuyên suốt cả năm, nhưng dấu chân của những người hành nghề nuôi ong vẫn hiện hữu theo những mùa hoa ở nhiều vùng miền. Dù nắng mưa, giông gió, họ vẫn bền bỉ, cần mẫn như những đàn ong tìm hoa qua những miền rừng để gieo ươm mật ngọt cho đời.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.