Theo bước chân những người giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có những nỗi niềm rất riêng của mỗi người khi họ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, khi cơn gió giao mùa đến rất gần và những hạt mưa nặng trĩu rơi xuống, họ vẫn ngày đêm túc trực để giữ rừng, đôi mắt cứ ngóng về phía xa xa, nơi đó có gia đình và một niềm tin không mỏi.

Những bước chân trên ghềnh đá

Những cánh rừng trên miền núi cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) với bốn bề núi non trùng điệp, được xem là nơi rừng vàng cho những “lâm tặc” hoạt động. Ở đó có những cánh rừng đang khóc dưới bàn tay lâm tặc, có những thân cây ngã đổ sau tiếng vọng của cưa máy hay những tiếng kêu của động vật hoang dã bị săn bắt như xé nát sự thinh lặng của núi rừng thẳm sâu. Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam là nơi thường bị tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã nên cần ưu tiên bảo vệ. Địa hình và lực lượng mỏng, vì vậy công tác bảo vệ rừng ở những địa phương này rất khó khăn.

Phút nghỉ ngơi bên bờ suối giữa rừng của lực lượng kiểm lâm.

Phút nghỉ ngơi bên bờ suối giữa rừng của lực lượng kiểm lâm.

Từ năm 2013 đến nay, để bảo vệ loài sao la ở Việt Nam, dưới sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của WWF, hai khu bảo tồn sao la được thành lập ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam nối liền vùng rừng nguyên sinh hơn 30.000 ha. Việc nối liền những cánh rừng tạo ra sinh cảnh liền mạch cho các loài hoang dã, hài hòa cuộc sống của con người với thiên nhiên. Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam cho biết, từ ngày thành lập khu bảo tồn đến nay, các chuyên gia nước ngoài đánh giá sinh cảnh của sao la dần phục hồi và tốt lên. Tần suất xuất hiện một số loài thú quý hiếm nhiều hơn so với trước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chịu sự tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường rừng cho loài sao la được đặt lên trên hết.

Cung đường trên những cánh rừng của Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam (trụ sở tại xã Bhalêê, huyện Tây Giang) xa tít, dài hàng chục km không một bóng người vãng lai, chỉ có tiếng vượn hót, chim kêu bên những cánh rừng bạt ngàn, sâu hun hút. Hai bên đường chỉ có một số chốt kiểm soát quản lý bảo vệ rừng. Thời điểm các đối tượng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã và vận chuyển lâm sản trái phép không cố định. Hòng qua mắt kiểm lâm, các đối tượng này thường tổ chức phá rừng vào ban đêm nên rất khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ trong việc phát hiện, ngăn chặn. Chính vì nắm được thời gian này lực lượng kiểm lâm mỏng nên các đối tượng lâm tặc hoạt động mạnh hơn bao giờ hết.

Tuần tra viên Ating Đông chia sẻ, vào thời điểm nhạy cảm, những người bảo vệ rừng càng phải thường xuyên tăng cường tuần tra các khu vực rừng. Để đến được các khu vực xung yếu, mỗi tổ công tác phải khởi hành từ 5- 6 giờ sáng, mang theo thực phẩm, nước uống đủ dùng trong vài ngày. Những người giữ rừng vượt hàng chục cây số đường rừng cheo leo, hiểm trở mới tiếp cận được các địa điểm, sau đó phân công nhau tỏa đi các hướng tuần tra, kiểm soát. Công việc gian nan, vất vả, có những lúc mỏi gối, chùn chân, nhưng vì nhiệm vụ nên những người giữ rừng phải cố gắng hoàn thành cho bằng được. Nhiều lúc nghi ngờ có hiện tượng phá rừng hay vận chuyển lâm sản trái phép trong thời điểm giao mùa, các tổ công tác phải dựng lán trại ngủ lại nhiều đêm trong rừng trên những chiếc võng bạt, cam chịu cảnh muỗi đốt, gai cào trong đêm lạnh buốt và nỗi nhớ nhà.

Đặt bẫy ảnh để thu thập hình ảnh sao la.

Đặt bẫy ảnh để thu thập hình ảnh sao la.

Anh em kiểm lâm bất chấp khó khăn, gian khổ, cùng nhau sẻ chia chút lương thực và nước uống mang theo sau thời gian đi bộ tuần tra vất vả trong rừng sâu. Mỗi tổ có 6 thành viên đi chậm rãi, không cách xa để tránh bị lạc. Từng mét vuông đất rừng trên chặng đường đi đều phải được quan sát kỹ. Ating Đông giải thích: “Mình không chú trọng việc đi được bao nhiêu cây số mà quan trọng là đi chậm, quan sát tốt để phát hiện các bẫy thú, còn phải lắng nghe các âm thanh như máy cưa, cây ngã đổ... để phát hiện hiện tượng phá rừng trái phép”.

Vị trí lâm tặc thường chọn khai thác là khu vực hiểm trở có dốc, để dễ vận chuyển gỗ xuống đường. Các “cung đường gỗ lậu” trên chỉ tạm cắt đứt khi có sự vào cuộc quyết liệt giữa các cơ quan chức năng của những địa phương có vùng rừng giáp ranh. Thế nhưng, chỉ cần một phút lơ là, những cung đường này lại được mở và “máu rừng” lại chảy. Lực lượng mỏng, rừng rộng, lực lượng kiểm lâm nhiều lúc lực bất tòng tâm khi thấy những thân cây cả vòng tay ôm nằm ngổn ngang giữa rừng sâu. Lợi nhuận từ việc khai thác lâm sản khá cao so với mức thu nhập của một người dân. Do vậy, nhiều người dân địa phương sẵn sàng vi phạm pháp luật, bắt tay với đầu nậu để vận chuyển lâm sản ra bên ngoài.

Những kiểm lâm viên từng ngày từng giờ chiến đấu để giữ rừng, từng phút đối diện với hiểm nguy, với các đối tượng lâm tặc hung hãn và cả với những tai nạn bất ngờ giữa rừng sâu khi đi tuần tra. Những điều đó chỉ có họ mới hiểu thấu được. Lực lượng kiểm lâm nơi đây không chỉ đổ mồ hôi mà cả máu để bảo vệ cây rừng. Cuộc chiến giữ rừng bảo tồn trở nên cam go hơn bao giờ hết.

“Không chỉ mồ hôi mà tính mạng, sức khỏe của anh em lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam cũng phải đổ ra để giành lại sự sống cho rừng và các loài hoang dã”. Đó là lời chia sẻ của ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn loài sao la khi chứng kiến đồng đội mình ngã xuống.

Đó là ngày 3/11/2021, trong lúc đi tuần tra cùng đồng đội, anh Bling Núi không may trượt chân, ngã gãy xương sườn. Cho đến cuối chiều hôm sau, dưới sự hỗ trợ của đồng đội, anh Núi mới được khiêng ra khỏi rừng và được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Gần 10 năm bám rừng đi tìm dấu chân sao la, tháo gỡ bẫy, bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã, hầu như những cánh rừng đều có sự hiện diện của anh Núi. Gia đình anh thuộc những hộ khó khăn của thôn AZứt (xã Bhalêê), anh có 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học.

Năm 2021, tuần tra viên BLing Núi không may trượt chân, ngã gãy xương sườn, được đồng đội cõng vượt suối vượt rừng đưa về bệnh viện cấp cứu. (Ảnh tư liệu khu bảo tồn Sao La Quảng Nam).

Năm 2021, tuần tra viên BLing Núi không may trượt chân, ngã gãy xương sườn, được đồng đội cõng vượt suối vượt rừng đưa về bệnh viện cấp cứu. (Ảnh tư liệu khu bảo tồn Sao La Quảng Nam).

Những khi cơn mưa rừng trút xuống dài cả tuần trời khiến nước lũ tràn xuống, lực lượng kiểm lâm phải ở lại giữa rừng đợi nước rút mới vượt suối trở về. Có những khi đi ngang qua suối mà nước lớn đổ về, mọi người phải nắm tay nhau hoặc quăng dây để lỡ có ai trượt chân ngã thì anh em kéo lên kịp thời. Có những khi vượt qua con suối thì đã nửa đêm, đói lả và mệt vì thấm lạnh nước mưa, ai nấy mỏi nhừ. Bếp lửa được nhóm lên lấy ánh sáng và tránh thú rừng, những thành viên của tổ tuần tra chìm vào giấc ngủ. Đêm chỉ có sự im vắng của rừng già. Việc nhóm lửa nấu cơm cũng là một “cực hình” với những đầu bếp. Củi ướt, không thể nhóm lửa được hoặc khói cay mờ mắt nên nhiều lúc những kiểm lâm viên trệu trạo nhai mì tôm sống, uống nước cho qua bữa. Có khi mang theo bánh chưng, bánh tét để tiện cho công việc thì đến lúc mở ra, nước mưa đã làm bánh hư hỏng, không thể ăn được.

Để bảo vệ “linh hồn trên dãy Trường Sơn”

Gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui chung của hầu hết kiểm lâm viên. Một kiểm lâm viên còn rất trẻ cười với chúng tôi rằng đã vào nghề là phải chấp nhận khó khăn. Hồi anh mới lần đầu tuần tra giữa rừng như thế này, lúc nửa đêm vì quá vất vả, anh đã ngồi khóc ngon lành như một đứa trẻ. Các anh em trong tổ động viên, an ủi, anh mới thấy mình ủy mị quá. Nói rồi anh lại cười, nụ cười sáng trên những giọt mồ hôi. Theo tìm hiểu, dù đã có nhiều cải thiện đáng kể về vật chất cũng như tinh thần cho các trạm quản lý và các đội tuần tra bảo vệ rừng chuyên trách trong những năm trở lại đây, nhưng so với nhiều ngành nghề khác thì quả thật đời sống của anh em kiểm lâm nơi rừng sâu này còn rất nhiều khó khăn. Biết vậy, nhưng với họ nhiệm vụ là trên hết. Dù có những lúc các anh đều có những giây phút thấy lòng mình chùng lại vì những điều rất riêng tư trong tâm hồn. Nhưng, trên hết, vẫn là tình yêu với với rừng xanh.

Lực lượng tuần tra bảo vệ chuyên trách thuộc khu bảo tồn sao la Quảng Nam có 25 người, với nhiệm vụ ngăn chặn các mối đe dọa môi trường sống của loài sao la như phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy, săn bắn thú rừng. Mục tiêu là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể sao la và các loài động, thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọa, các loài đặc hữu của vùng núi miền Trung - Trường Sơn, duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông lớn. Đồng thời, rừng còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của dân cư sống quanh vùng bảo tồn.

Trèo núi, lội suối, vượt thác ghềnh để tuần tra bảo vệ rừng.

Trèo núi, lội suối, vượt thác ghềnh để tuần tra bảo vệ rừng.

Thành lập vào tháng 3/2011, lực lượng tuần tra của khu bảo tồn sao la đã thực hiện hàng nghìn đợt tuần tra trên khắp diện tích của khu bảo tồn, qua đó đã kịp thời tháo gỡ, phá hủy hơn 10.000 bẫy thú các loại cùng hàng nghìn mét rào bẫy; phá hủy hàng trăm lán trại và đẩy đuổi nhiều lượt người vào rừng khai thác trái phép. Song song với công tác tuần tra, bảo vệ trong khu bảo tồn, đơn vị cũng phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền giáo dục cho bà con nhân dân vùng đệm của khu bảo tồn nhằm tránh những xâm hại đến rừng.

Anh Huỳnh Công Huy, thành viên tổ tuần tra chia sẻ: “Nhiệm vụ của tổ tuần tra là ngăn chặn, phá hủy tất cả nguy cơ gây hại đến môi trường sống của sao la và các loài động, thực vật. Nếu gặp người dân, chúng tôi cũng thực hiện tuyên truyền tại chỗ giúp họ hiểu và không vào rừng nữa”. Những năm gần đây, Ban quản lý khu bảo tồn sao la Quảng Nam đã áp dụng ứng dụng Locus Map Free trong công tác quản lý, tuần tra rừng. Với tính hiệu quả cao, áp dụng mọi địa hình nên ứng dụng này được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam triển khai rộng khắp cho lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý rừng khác trên địa bàn.

Được biết, hiện nay, theo thống kê, số lượng sao la ở khu vực Tây Bắc Quảng Nam còn khoảng 40-50 cá thể đang sinh sống, phân bố ở các khu vực Tà Lu, Sông Kôn (huyện Đông Giang) và A Vương, Bhalêê (huyện Tây Giang). Nếu không bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sống của sao la thì tương lai không xa loài động vật được mệnh danh là “linh hồn của dãy Trường Sơn” sẽ tuyệt chủng.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.