Thầy giáo chiếu phim bãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyện tôi kể dưới đây diễn ra vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Bấy giờ, tôi đang công tác tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Là giáo viên nhưng đã có lúc chúng tôi phải kiêm thêm công việc chiếu phim phục vụ người dân trong xã. Chỉ duy trì trong 2 năm học và mỗi tháng đôi lần, trừ những tháng hè, song các đêm chiếu phim của chúng tôi đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương.
Xã Ia Dêr nằm ven TP. Pleiku, gần đến mức người dân trong xã ra phố gần hơn lên thị trấn huyện. Vậy là bao nhiêu nông sản thuộc hàng cây nhà lá vườn từ rau xanh cho đến trái cây rồi gà, vịt, thậm chí ngày trước có người đi rẫy bắt được con nhím, con dúi… cũng đều mang ra cung ứng cho thành phố. Tuy đời sống của người dân trong xã lúc này còn khó khăn nhưng đối với sự học của con em, bà con rất quan tâm. Không gia đình nào buộc con phải nghỉ học, mặc dù nhà nào cũng rất cần lao động bởi rẫy xa làng, hầu hết đều nằm trên khu vực Ia Châm và Ia Hrung cách đó hàng chục cây số. Sáng sáng, từng đoàn xe bò từ các làng Klă, Blang, Breng, Jut… nối đuôi nhau lên đường, xế chiều lộc cộc về, trên xe chất đầy củi. Lúc này điện sinh hoạt chưa có nên phần lớn người dân đều tranh thủ ăn cơm chiều trước khi trời tối, đèn dầu dành cho việc học của con em.
Ảnh minh họa: Internet
Một buổi chiếu phim bãi. (Ảnh Internet)
Tiếng là gần đô thị song “món ăn tinh thần” tối thiểu là nhu cầu xem phim nơi đây cũng thiếu thốn không kém gì vật chất, ít khi bà con được xem. Đội điện ảnh xung kích của huyện ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, mà nếu có quay vòng thì địa bàn huyện rất rộng, một năm may lắm mới được xem phim một hai lần, thường là phim màn ảnh rộng, chiếu ở bãi, có người thuyết minh.
Năm học 1988-1989, tôi công tác tại Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Dêr. Đây là trường điểm về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh lúc bấy giờ. Xin được nói thêm một chút về tên trường phổ thông cơ sở. Mô hình này chỉ có vào những năm cuối thập niên 70 và thập niên 80 của thế kỷ trước, bởi trong một nhà trường có đủ 3 cấp: mẫu giáo, cấp I và cấp II (chưa gọi là tiểu học và THCS). Ngày ấy, vì là trường điểm của tỉnh nên nhà trường được trang bị khá đầy đủ, phòng học kiên cố, có cả thư viện, các phòng chức năng và ti vi 45 inch.
Năm học đó, nhà trường được ngành Giáo dục và Đào tạo cấp cho 1 máy điện của Liên Xô trong chương trình hợp tác giữa 2 nước. Máy rất lớn, chiếm cả một góc thư viện. Hiểu được nguyện vọng của bà con trong xã, được sự đồng tình của chính quyền địa phương cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Ban Giám hiệu nhà trường họp giáo viên và đi đến thống nhất: Hàng tháng sẽ tổ chức chiếu phim 1 đến 2 lần cho dân xem. Nơi chiếu là sân cụm trường chính ở làng Breng 2. Máy điện và ti vi nhà trường đã có sẵn, chỉ cần ra Pleiku thuê đầu video và băng hình về.
Cứ tới đêm chiếu phim, nhà trường lại nhờ vài cô giáo đi chợ nấu cơm chiều cho “tổ chiếu phim”. Vài lát cá kho, ít thịt heo, rau xanh nhưng với chúng tôi ngày ấy đó là những món ngon tuyệt trần. Ban Giám hiệu phân công 2 giáo viên là Nguyễn Đình Thi và Lê Đình Ban phụ trách máy điện, ánh sáng; 2 cô giáo Lê Thị Mai và Trần Thị Tú bán vé, tất nhiên là giá cũng rất tượng trưng; các giáo viên nam khác như: Nguyễn Ngọc Thanh, Rơchăm Tul, Phan Phước Hưng, Puih Nheng thay phiên nhau gác cổng, soát vé. Hiệu trưởng Đặng Quang Vinh lo ti vi và đầu video. Tôi thì chạy vòng ngoài… Ngày ấy, chúng tôi cũng rất cẩn thận, luôn chọn những bộ phim có nội dung tốt để chiếu.
Mới chừng hơn 6 giờ tối, người dân từ các làng đã lục tục đến trước cổng trường. Họ địu con, dắt theo con nhỏ. Có chuyện vui là một vài người bế con theo năn nỉ vào sân để: “Cho con mình xem, chứ mình không xem!”. Hoặc bác hàng xóm gần trường nhắc: “Hồi chiều, mình mới cho cô Mai mấy cái củ mì mà!”. Tất nhiên là sau đó không ai lại nỡ để họ đứng ngoài.
Máy điện nổ, đèn bật sáng cả một khoảng sân rộng và con đường làng phía trước trường. Người dân lũ lượt kéo đến, sân trường đông kín. 2 chiếc loa phóng thanh treo trên nóc phòng học cũng “A lô 1-2-3-4, mời bà con các làng về sân trường làng Breng 2 xem phim”… Sau lời giới thiệu nội dung, chúng tôi bắt đầu chiếu phim. Màn hình khá nhỏ nhưng không sao. Thôi thì đủ cung bậc và giai điệu âm thanh của khán giả hòa nhập vào các tình huống trong phim. Có lẽ, những ai đã từng xem phim video ngày ấy chắc không quên được cảm giác thích thú khi xem phim màu, người và cảnh vật sống động không như phim trắng đen trước kia. Thêm một chi tiết vui vui nữa là vì sợ đầu video nóng nên phải đặt một chiếc quạt thổi gió vào máy, băng hình thì thỉnh thoảng lại nghẽn nghe tiếng nói của nhân vật cứ nheo nhéo.
Cho đến hơn 23 giờ, sau khi dọn dẹp các thứ đâu vào đó, chúng tôi mới trở về nhà. Tất nhiên là trước đó cũng quyết toán công khai: tiền mua xăng chạy máy điện, tiền thuê đầu video và băng hình, tiền gạo và thức ăn cho bữa cơm chiều, còn dư chút ít mới sung vào quỹ hoạt động chung của trường. Nhọc nhằn nhưng vui, hôm nào chưa kịp chiếu thì bà con đã đến trường hỏi: “Ơ, thầy Vinh, thầy Phong chưa chiếu phim à?”.
Sau năm học 1989-1990, anh Đặng Quang Vinh chuyển sang huyện mới Chư Pah, tôi chuyển công tác về Báo Gia Lai, một số giáo viên được điều đi các trường khác. Xã Ia Dêr cũng có nhiều đổi thay. Xã đã có điện lưới quốc gia, tất cả đường làng đều được trải nhựa hoặc bê tông. Ti vi thì nhà ai cũng có. Sự học cũng rất phát triển. Toàn xã có 1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS. Có dịp gặp các thầy-cô giáo cũ, nhiều người dân còn nhắc: Còn nhớ hồi trường mình chiếu phim không? Vui thiệt!
 THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.