Lan man chuyện...xe lam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội để phòng-chống dịch Covid-19, đường Lê Hồng Phong (TP. Pleiku) gần như không có bóng người lại qua, chỉ có các loại ô tô đậu trước nhà riêng, dưới lòng đường, trên vỉa hè... Thấy sự chấp hành nghiêm túc của mọi người, tôi chụp cảnh ấy đưa lên mạng xã hội. Một số bạn bè từ những nơi xa comment (bình luận) khen người dân ở phố tôi chấp hành lệnh trên quá tốt, không quên “ngỏ” thêm lời khen bà con nơi đây khi thấy hàng dãy xe con toàn loại đắt tiền... Chuyện này gợi nhớ trong ký ức của tôi về những chiếc xe lam thời sau 1975. Ngày ấy, Phố núi của tôi còn nghèo.
1. Nói chuyện với anh tài xế xe lam cùng khối phố, anh bảo, xe anh mua cách nay chừng... hơn 40 năm, tới hơn chục cây vàng. “Nó nuôi sống cả gia đình tôi, giúp các con tôi được học hành đấy”-anh nói thế. Cách nay hơn chục năm, nhiều địa phương đã không cho phép loại xe này lưu hành nữa. Tuy nhiên, đâu đó nó vẫn còn có ích cho người nghèo trong việc vận chuyển hàng hóa lặt vặt chặng gần, miễn là đảm bảo an toàn giao thông. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nghe nói ở các tỉnh Nam Bộ nhập khẩu khá nhiều xe lam, rồi sau đó là các tỉnh Nam Trung Bộ. Sau ngày giải phóng cho đến suốt thời kỳ bao cấp, loại phương tiện này vẫn còn hữu ích, không chỉ vận chuyển hàng hóa đường ngắn mà còn vận chuyển hành khách. Người ta cải tiến nó bằng nhiều hình thức, có thể chở từ 10 người trở lên.
Không chỉ có xe lam 3 bánh mà còn có loại sang hơn là xe lam 4 bánh, ở Pleiku rất nhiều loại xe này. Hồi vừa chân ướt chân ráo từ căn cứ ra, chưa quen với động cơ “xé nát không gian” của hàng chục chiếc xe lam 3 bánh, tôi rất khó chịu khi mới 2, 3 giờ sáng, những ông chủ xe đã “khởi động” và chạy khắp các nẻo đường của Phố núi. Nhưng dần rồi cũng quen và thấy có ích, đôi khi đi công tác các tuyến đường gần mua được vé đi xe lam là mừng lắm, còn hơn phải đi bộ hoặc xe đạp. Còn chuyện xe máy, ô tô con với anh chị em nhân viên chúng tôi là... chuyện trong mơ.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
2. Ngày trước, ông chú họ của tôi tên Đoàn Thắng có chiếc xe lam 3 bánh. Ông cũng là người duy nhất ở xã Cửu Đạo (An Khê cũ) có loại xe này. Hồi tôi còn rất nhỏ, thỉnh thoảng từ quê ở Bình Định lên An Khê, được ông chở đi chơi bằng chiếc xe lam là mừng hết lớn. Sau này, tôi mới nghe chú kể, với cái mác “ông Hội đồng”, ông đã qua mắt bọn thám báo, mật vụ, chỉ điểm, thường xuyên dùng chiếc xe lam của mình làm phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng.
Vùng Cửu Đạo, An Xuân trước đây, đặc biệt là Tú Thủy (An Túc-địa danh cũ, An Khê ngày nay) là nơi có truyền thống chống giặc ngoại xâm. Khi chiếm An Khê từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, giặc Pháp đã xây dựng đồn bốt, tăng cường quân lính ở đây. Dù vùng đất này còn khá hoang sơ, nhưng người thưa, đất rộng, làm ăn khá thuận lợi, đa số bà con có của ăn của để. “Đất lành chim đậu”, tất nhiên cả chim “khôn” và chim “dữ”. Và do đặc điểm ấy, phía cách mạng cũng ra sức xây dựng phong trào ở đây phát triển mạnh.
Đồn Tú Thủy là một trong những nơi quân Pháp xây dựng và bố trí lực lượng canh phòng vô cùng chặt chẽ nhằm một mặt đàn áp các cơ sở cách mạng, mặt khác hòng ngăn chặn cửa ngõ của lực lượng cách mạng qua lại giữa vùng tự do Bình Định lên Tây Nguyên và An Khê để vào vùng hậu cứ Đông Bắc Pleiku. Rất nhiều lần quân ta đã đánh đồn Tú Thủy, trong đó có trận đánh do Trung đoàn trưởng Vi Dân chỉ huy vào rạng ngày 14-3-1947. Tuy nhiên, trong trận này, chúng ta không đạt được ý đồ tác chiến. Sau gần 1 tuần củng cố, tăng cường lực lượng, sáng 22-3-1947, bọn lính Pháp từ đồn Tú Thủy đã tung quân phản công, càn quét lên phía Tây sông Ba, vào làng Tân Lập (xã Đak Hlơ, huyện Kbang ngày nay). Chúng tiến hành cuộc thảm sát vô cùng tàn bạo, dã man đối với 368 người già, trẻ em và phụ nữ, đốt phá không sót một ngôi nhà... Sang thời chống Mỹ, vùng đất Tây Bắc An Khê này vẫn phát huy được truyền thống xưa. Năm 1969, Đào Văn Mỹ-một cán bộ của K8 đã đầu hàng giặc khai báo toàn bộ mạng lưới cơ sở ngầm của cách mạng trong vùng. Chú tôi-ông Hội đồng Đoàn Thắng, một trong những người nằm trong danh sách cơ sở ngầm của cách mạng bị giặc bắt. Tất nhiên một số tài sản, phương tiện của ông có liên quan đến hoạt động cách mạng cũng bị tịch thu, trong đó có chiếc xe lam.
3. Trở lại chuyện xe lam ở Phố núi. Khi đó, dù rất nhiều xe lam hoạt động đúng kiểu “dù” và “cóc” nhưng lại rất trật tự, có một số chủ xe đã tập hợp lại với nhau thành các tổ hợp tác vận tải, chia sẻ nhau công việc và hành khách, tuyến đường, chưa có chuyện cạnh tranh, giành khách, giành chuyến... Nhiều chủ hàng nhỏ, lẻ làm quen hẳn một ông chủ xe lam, thế là việc chuyên chở, bán mua, đổi chác đâm ra thuận tiện.
Một hôm có công việc, tôi đi một trong những xe loại này từ Pleiku lên Kon Tum. Xe cũ và yếu, lại chở nặng nên ì ạch gần 2 tiếng đồng hồ mới đến được Kon Tum. Trên đường, ngồi cạnh bác tài vui tính, tôi nghe anh kể về những chiếc xe lam. Anh bảo, xe lam là mình gọi theo tiếng Việt, chứ thực ra nó là dòng xe Lambretta 3 bánh, sản xuất từ đâu bên Tây, chỉ người nghèo mới đi xe này, chủ yếu là chở hàng nông sản, hàng chợ. Anh kể thêm, thời điểm binh lính Việt Nam Cộng hòa tháo chạy khỏi Gia Lai, Kon Tum giữa tháng 3-1975 anh cũng tham gia “di tản”. May mắn hơn nhiều gia đình khác, anh không bị lính Việt Nam Cộng hòa cướp xe để chạy loạn.
Mới đó mà đã non nửa thế kỷ, ký ức lan man chuyện về một thời xe lam ấy ngẫm ra cũng nhiều điều để nói. Phấn đấu để đất nước có nền công nghiệp phát triển vào năm 2020 là mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ cách đây hàng thập kỷ của nước ta. Nhưng phấn đấu mãi, nền công nghiệp xe hơi cũng chỉ dừng lại ở mức... lắp ráp. Phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa tất nhiên giờ đã rất tiên tiến, hiện đại, thuận lợi bội phần so với thời xe lam. Nhưng dù sao, cái thời khó khăn ấy, xe lam đã phát huy tác dụng của mình trong vận chuyển hành khách, hàng hóa, có người chở cả đồ tiếp tế cho cách mạng trong thời chiến, như chú tôi...
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.