"Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Động viên nhau cùng nỗ lực vượt khó, chắt chiu niềm vui, gạt bỏ nỗi buồn, họ càng lúc càng cảm nhận mọi thứ mình có được thật xứng đáng và cũng thật tuyệt vời khi cuộc sống có nhau. Đó là những đôi vợ chồng khác dân tộc, chọn Gia Lai làm quê hương thứ 2 để xây tổ ấm.
1.Tôi quen biết, trở nên thân thiết, cảm mến vợ chồng ông Châu Hồng Khương-bà Đinh Thị Dem (tổ 11, phường Hội Phú, TP. Pleiku) bởi tấm lòng chân thực, tình cảm ấm áp dễ cảm nhận ngay lần tiếp xúc đầu tiên. Trên hết là sự cảm phục người chèo lái “nếp nhà” yên ấm, con cái trưởng thành, xóm giềng quý mến… Hộ ông Khương-bà Dem đã được UBND TP. Pleiku tặng giấy khen danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Gia đình hiếu học tiêu biểu xuất sắc”.
Ông Châu Hồng Khương, tên thường gọi Hai Khương sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Năm 1964, khi vừa tròn 17 tuổi, ông Khương thoát ly gia đình theo cách mạng hoạt động ở vùng căn cứ Khu 10 (huyện Kbang). Trong quá trình công tác, ông gặp rồi nảy sinh tình cảm với cô gái Đinh Thị Dem, dân tộc Bahnar, mồ côi cả cha lẫn mẹ, quê ở huyện Kông Chro. Bà Dem thoát ly từ năm 15 tuổi, lúc ấy là cấp dưỡng của đơn vị. Được tổ chức cho phép, đầu năm 1968, giữa núi rừng Ka Nak, đám cưới của họ được tổ chức trong không khí ấm áp nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Cũng tại nơi đây, 2 người con trai Châu Minh Phương (SN 1968) và Châu Hồng Nam (SN 1972) lần lượt ra đời giữa tiếng suối nguồn, chim muông chào đón cùng sự sẻ chia ấm tình đồng đội.
Đất nước thống nhất, ông Khương được điều về Phòng Cảnh sát Bảo vệ, bà Dem công tác ở Phòng Hậu cần (Công an tỉnh) cho đến lúc về hưu. Kể về câu chuyện nuôi dạy 4 người con (3 trai, 1 gái) trưởng thành, ông Hai Khương chuyển giọng thâm trầm: “Vợ chồng tôi sống đơn giản, nặng nghĩa tình. Thằng Phương luôn là người anh chuẩn mực từ ngày tấm bé, các em của nó theo nếp đó mà học hành, đều tốt nghiệp đại học, sau đại học. Suốt thời gian công tác, các con đều là những cán bộ, công chức mẫu mực. Vợ Phương-Rcom Sa Duyên (dân tộc Jrai), hiện giữ chức Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, là người hiếu thuận, làm chiếc cầu nối hòa hợp các thành viên trong gia đình”.  
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
2. Chị Trịnh Thị Thu (dân tộc Mường, quê xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa nên duyên vợ chồng cùng anh Ksor Nhật-Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Krông Pa từ năm 2007. Trong ngôi nhà xây khang trang ở thị trấn Phú Túc, anh Nhật kể tình yêu, về đời sống hôn nhân của mình: “Chúng tôi yêu nhau từ thời sinh viên, cùng Khoa Quản lý văn hóa các dân tộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp vào tháng 11-2005, theo tiếng gọi trái tim, Thu vào Tây Nguyên công tác, là cán bộ dự bị tăng cường xã Phú Cần, huyện Krông Pa. Qua hơn 10 năm, chúng tôi có với nhau cậu con trai tròn 5 tuổi. Đó cũng là ngần ấy thời gian cùng nhau tổ chức, sắp xếp thời gian lo công việc, nuôi dạy con, sẻ chia, phấn đấu để cùng phát triển”.
3. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện lực Hà Nội, anh Ngô Văn Lượng (SN 1989, xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) vào Tây Nguyên làm công nhân Công ty Cà phê Gia Lai. Trong những chuyến thu mua nông sản ở huyện Đak Đoa, anh gặp Ái (SN 1993), cô nữ sinh Bahnar lớp 12, Trường THPT Lê Hồng Phong. Lần gặp đầu tiên, Lượng như bị hút hồn trước đôi mắt đen nhánh tròn xoe, hàng mi cong vút cùng đôi mày lá liễu đậm nét rất tự nhiên. Trái tim chàng thanh niên còn lỗi nhịp trước dáng người thon gọn, làn da trắng sáng, nụ cười ngây thơ thay lời nói của cô thiếu nữ. Sau những lần hẹn hò, trước tình cảm chân thành của Ái, Lượng nhận ra đây chính là một nửa của cuộc đời mình.
“Gần 1 năm sau khi Ái tốt nghiệp THPT, tháng 4-2012, chúng tôi nên duyên chồng vợ, đám cưới được tổ chức theo phong tục Bahnar, có lễ ra mắt cơ quan. Cũng theo phong tục, tôi chung sống cùng gia đình vợ ở làng Kon Mahar (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa); tham gia công tác địa phương, đảm nhận chức danh Phó Trưởng Công an xã Hà Đông từ đó đến giờ”-anh Lượng kể.
Nhờ khoản vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cộng với ít vốn liếng sẵn có, vợ chồng anh Lượng mở quầy tạp hóa, bán kèm cà phê, nước giải khát và cả nấu bữa cơm đãi khách hay chế biến thức món khi anh em có nhu cầu. Mấy năm sau, nhờ chi tiêu tằn tiện, vợ chồng anh được lưng vốn. Vay mượn thêm từ gia đình, bạn bè họ tậu mảnh đất 3,5 sào, dựng ngôi nhà nhỏ ven đường, mua máy xay xát gạo đầu tiên ở làng Kon Mahar. 2 vợ chồng còn có cả xe công nông chuyên chở nông sản, xe nước mía phục vụ bà con, khách qua đường nghỉ chân.
Tận dụng nguồn phụ phẩm từ máy xát gạo, từ lò nấu rượu, anh nuôi gà, vịt siêu thịt, ngan. Từ nguồn cung gà vịt trong chuồng, con cá dưới ao, vườn rau diện tích 4 sào trồng bên suối bán cho dân cả làng, lại tự tin vào tay nghề nấu ăn, anh trưng hẳn bảng hiệu tự viết tay “Vịt Lượng” treo trước hiên nhà. Tín nhiệm tay nghề dao thớt, tin vào nguồn thực phẩm sạch nhà anh Lượng, bữa cơm đãi khách phương xa quy mô đông người, cỗ bàn liên hoan của xã, của các cơ quan đóng chân tại địa bàn xã đều nhờ đến vợ chồng anh. Thế nên, không lạ khi Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Đak Đoa khen tặng vợ chồng anh Ngô Văn Lượng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2019.
Hỏi về dự định tương lai, anh Lượng chừng như trở thành con người khác. Anh cung kính nâng chén rượu mời, đọc câu thơ: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Vâng, thì tôi mượn luôn câu này trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên để viết tiếp cuộc tình đẹp như thơ của những cặp đôi như thế!   
ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.