Thay đổi để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làm thế nào để đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững vẫn còn là điều khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trăn trở. Với một huyện nghèo, dân số phần đông là người Bahnar như Kông Chro, vấn đề này càng thực sự trở nên bức thiết.

Ghé thăm các làng đồng bào ở huyện Kông Chro hôm nay, dẫu vẫn chưa thể gọi là giàu có, song ắt hẳn ai cũng sẽ nhận thấy một sự đổi thay rõ rệt. Hình ảnh đói khát, nheo nhóc, nghèo nàn thuở nao dường như đã chẳng còn hiện hữu nữa. Thay vào đó, phần lớn là những mái nhà sàn, nhà xây khang trang; những con đường bê tông, cấp phối êm thẳng; những bãi mía, nương bắp trải dài tít tắp theo sườn đồi và cả cánh đồng lúa nước mênh mông đang dần thế chỗ cho cây lúa rẫy bao đời bám rễ.

Các ngôi làng ở huyện Kông Chro đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hồng Thi
Các ngôi làng ở huyện Kông Chro đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hồng Thi

Làng Tnùng 2 (xã Ya Ma) là một trong những ngôi làng như thế. Trò chuyện cùng tôi, ông Đinh Huêh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ya Ma, cũng là một người con của làng Tnùng 2, không giấu được niềm phấn khởi: “Làng mình trước đây nghèo lắm, dân làng không biết cách làm ăn, trồng lúa rẫy cứ chọc tỉa bằng tay rất mất thời gian. Nay thì ai cũng đã biết nghe cán bộ, học theo người Kinh trồng cỏ nuôi bò, đào ao thả cá, rồi trồng cây mía, biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nữa. Nhiều hộ trong làng đã có mức thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm. Những phong tục tập quán lạc hậu cũng dần được xóa bỏ”.

Khác với các làng ở vùng xa, người dân làng Nghe Lớn (thị trấn Kông Chro) có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thay đổi nếp nghĩ lẫn cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Vừa phụ thợ dựng ngôi nhà sàn mới, ông Đinh Tha vừa vui vẻ khoe với tôi: “Nhà này mình làm ăn tích góp để xây đấy, rộng hơn 60m2, chi phí ước chừng 70 triệu đồng. Ngôi nhà xây trước đây tuy còn mới nhưng hơi chật nên mình dựng thêm cái nữa. Ti vi, xe máy cũng đã sắm được hết rồi. Tất cả đều nhờ vào 4 ha mì, lúa và 20 con dê, con bò cả đấy. Chỉ cần siêng làm kinh tế, chi tiêu tiết kiệm lại là gia đình mình bớt khổ thôi”.

Ông Đinh Tha (bìa phải) trao đổi với thợ để hoàn thiện ngôi nhà mới. Ảnh: Hồng Thi
Ông Đinh Tha (bìa phải) trao đổi với thợ để hoàn thiện ngôi nhà mới. Ảnh: Hồng Thi

Sự đổi thay ấy xuất phát từ quyết tâm xóa đói giảm nghèo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Trong đó, đáng chú ý là cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện suốt gần 6 năm qua. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao tỷ lệ hộ khá và giàu.

Ông Hà Tôn-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kông Chro cho biết: Muốn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người đồng bào không phải là chuyện dễ dàng một sớm một chiều bởi nó đã ăn sâu cố hữu trong họ. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết chuyển đổi cây trồng cho thu nhập thấp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Hồng Thi
Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết chuyển đổi cây trồng cho thu nhập thấp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Hồng Thi

Cụ thể, trong những năm qua, Mặt trận huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT xuống tận các xã, thị trấn để tuyên truyền, định hướng cho nhân dân trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng cũng như điều kiện kinh tế gia đình; Trạm Khuyến nông hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nhân dân; ngành y tế tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đến cơ sở y tế khám-chữa bệnh khi ốm đau và đăng ký thực hiến chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt. Các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế ra đời đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương vươn lên thoát nghèo và có tích lũy.

Ngoài ra, huyện còn không ngừng vận động bà con dần xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, lãng phí trong việc cưới, việc tang…; đồng thời tích cực học tập để nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Ông Tôn cho hay thêm: Năm 2016, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, 4 hộ Bahnar nghèo ở xã Đak Pling đã được Mặt trận huyện hỗ trợ 4 con bò cái sinh sản trị giá 60 triệu đồng; hướng dẫn cách làm chuồng và kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, bò đã cho thêm 2 bê con. Năm 2017, cũng từ nguồn quỹ này, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ thêm 4 hộ thuộc 2 xã Yang Nam và Đak Kơ Ning, mỗi hộ 10 triệu đồng để nuôi dê vì đây là loại vật nuôi khá thích hợp với khí hậu và điều kiện tự nhiên của địa phương.

Hỗ trợ giống vật nuôi cũng là một trong những giải pháp giúp các hộ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hồng Thi
Hỗ trợ giống vật nuôi cũng là một trong những giải pháp giúp các hộ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hồng Thi

Tuy nỗ lực là thế nhưng việc giảm nghèo trong nội bộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kông Chro vẫn cho thấy sự thiếu bền vững, luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo. Nhận thức và tâm lý trông chờ ỷ lại của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nặng nề, thiếu sự chủ động, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng cuộc vận động ở một số cơ sở chưa thường xuyên, liên tục, không sát thực tiễn, tính lan tỏa chưa mạnh.

Vậy nên, theo ông Tôn, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền hơn nữa; đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.