Thắp lửa cho Làng Hy Vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hơn 30 năm, đó là một hành trình dài cho những mảnh đời cơ nhỡ, những hoàn cảnh éo le của nhiều số phận trẻ em ở địa chỉ này. Tình thương và trách nhiệm, lòng yêu thương và sự sẻ chia, tâm tư và cả những hy vọng đều có ở Làng Hy Vọng này.

Nơi hồi sinh cho những “mảnh đời vỡ”

Hàng trăm đứa trẻ mồ côi, hay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã đến, đã lớn lên, đã trưởng thành ở đây, nơi đã hơn 30 năm gieo những mầm yêu thương cho nhiều thế hệ ở chốn này. Làng Hy Vọng (số 209 Dũng Sỹ Thanh Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) là tên thường gọi của Trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn thành phố Đà Nẵng, trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, thành lập năm 1993. Nơi này hơn 30 năm qua đã đón và chăm sóc cho hàng trăm đứa trẻ mồ côi, hay những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật của khắp các địa phương của Đà Nẵng và Quảng Nam.

Hơn 30 năm qua, Làng Hy Vọng đã thực sự trở thành mái ấm, gia đình của trẻ em mồ côi, khuyết tật, trở thành địa chỉ của tình thương và hy vọng





Hơn 30 năm qua, Làng Hy Vọng đã thực sự trở thành mái ấm, gia đình của trẻ em mồ côi, khuyết tật, trở thành địa chỉ của tình thương và hy vọng

Trong làng Hy Vọng này, các gia đình nam có tên là “Vành Khuyên”, các gia đình nữ tên là “Sơn Ca”. Các em khiếm thính được học văn hóa ngay tại Làng cho đến hết lớp 5, các em được quan tâm, ưu ái trong học nghề để lớn lên có cơ hội tìm việc làm. Các em đến đây đều là những mảnh đời có hoàn cảnh đáng thương. Đến với làng trẻ Hy Vọng này, mỗi em nhỏ đều có một cảnh đời khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là cần nơi nương tựa, cần tình thương, che chở. Một số em do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một số bị khuyết tật, lại có những em khi vừa sinh ra đã không biết được đâu là bố mẹ ruột, có em thì lại bị bỏ rơi nơi cổng bệnh viện, hay có em lại bị chính người thân, họ hàng “gửi gắm” ở nơi này. Trong sự yêu thương của mình, chị Lê Phương Thảo tại làng đã không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại những cảnh đời hết sức đáng thương của những đứa trẻ tại làng biển Bình Minh (Quảng Nam) sau cơn bão Chanchu năm 2006. Như trường hợp của em Võ Thị Bin ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Gia đình em rất nghèo, nhà có ba con nhỏ, Bin là chị cả. Hằng ngày mẹ đi bán dạo ở xóm, còn bố đi làm thuê trên tàu cá. Trong cơn bão Chanchu, bố Bin đi mãi không trở về, bỏ lại vợ và 3 đứa con thơ. Hiểu hoàn cảnh gia đình, Bin đã đăng ký vào ở làng Hy Vọng với mong ước được nhẹ gánh cho mẹ, để mẹ dồn sức lo cho 2 em nhỏ.

Những đứa trẻ kém may mắn tại làng hy vọng

Những đứa trẻ kém may mắn tại làng hy vọng

Trường hợp của Đỗ Thị Thúy Ngân, cô bé này luôn ước được một lần gọi mẹ. Ngân kể: Sau ngày sinh Ngân, mẹ em bệnh nặng phải nằm bệnh viện suốt gần một năm rưỡi rồi qua đời. Ngân được đưa về sống với ông bà ngoại. Mỗi lần nghe đám bạn hàng xóm gọi mẹ, em đều thắc mắc hỏi bà ngoại nhưng bà chỉ biết ôm em vào lòng và im lặng. Nhưng khi lớn dần, Ngân đã hiểu được nỗi bất hạnh của mình - mẹ mất sớm và không có bố. Ngân trở nên lặng lẽ, ít nói, ít tiếp xúc với bạn bè. Đến khi Ngân lên lớp 6, ngoại già yếu không thể nuôi nổi cháu nên đành gửi em vào làng Hy Vọng này. Tại đây, em đã gặp được người “mẹ” đầu tiên của mình, em đã được bà Tám gọi con và xưng mẹ. Ngân nói: “Dẫu muộn màng nhưng em vẫn có được tình thương của mẹ. Không phải dứt ruột sinh ra nhưng mẹ Tám vẫn chăm lo và yêu thương em như con ruột”. Cũng giống như Bin hay Ngân, làng Hy Vọng cũng là nơi nương tựa của hơn 20 em khác có hoàn cảnh tương tự. Sau cơn bão khốc liệt đó, tất cả các em đều thành trẻ mồ côi, và làng Hy Vọng này đã trở thành nơi để các em xóa bớt đi nỗi thiệt thòi của mình.

Nơi này, các em sinh hoạt và học tập như một gia đình. Ở làng Hy Vọng, những đứa trẻ luôn đối xử với nhau như anh chị em ruột thịt. Đứa lớn đỡ đứa nhỏ, các em dìu dắt nhau trong học tập và sinh hoạt. Mỗi một phòng có khoảng 10 em, trong đó 1 em được bầu là gia đình trưởng. Gia đình trưởng quán xuyến việc học tập, sinh hoạt, phân công công việc phù hợp độ tuổi. Có em quét dọn, lau chùi, có em rửa chén, nhặt rác. Các em yêu thương nhau như anh em một nhà. Dường như các em hiểu rằng các “mẹ” khó lòng đảm đương hết việc lo cho cả bầy con đông đúc. Nỗi bất hạnh tuổi thơ như một động lực để các em biết nghĩ cho nhau, yêu thương và nhường nhịn nhau để cùng tìm cảm giác ấm áp, bình yên dưới mái nhà chung. Chính tình thương hồn nhiên ấy đã giúp những đứa trẻ tự tin bước vào đời và giành kết quả cao trong học tập. Từ “ngôi nhà hy vọng” này, các em đã được yêu thương và trưởng thành. Và cũng chính nhờ sự yêu thương đó mà các em dù đi đâu, ở đâu, nếu có dịp, vẫn quay trở lại ngôi nhà của mình để tiếp tục san sẻ yêu thương...

Những đứa trẻ được nuôi dạy và đi học từ lớp 1 đến lớp 12, được học nghề (mộc, thêu, may, vẽ, vi tính ...) để có thể tạo cuộc sống tự lập sau khi học hết phổ thông. Em nào thi đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp thì được tiếp tục nuôi cho đến khi tốt nghiệp, trong đó một số em đã xuất sắc nhận được học bổng du học ở các nước Nhật, Mỹ, Australia. Điều đáng mừng là từ mái ấm làng Hy Vọng, một số em đã đi du học, nhiều em đã lập gia đình, có việc làm ổn định. Như Trần Văn Nhỏ (sinh năm 1981, quê Điện Bàn) hay Lê Ngọc Chẩn (sinh năm 1983, quê Đại Lộc). Cả Nhỏ và Chẩn đều bị câm điếc. Nhỏ là con ngoài giá thú, mồ côi mẹ, và được gửi vào làng từ năm 1997. Bây giờ, dù đã có gia đình riêng nhưng Nhỏ và Chẩn vẫn gắn bó với làng và thường xuyên trở lại làng dạy nghề mộc mỹ nghệ cho các em đồng cảnh ngộ với mình trước đây. Hay trường hợp của Nguyễn Hữu Công (sinh năm 1981, quê Điện Thắng, Điện Bàn) mồ côi cha mẹ, nay đã học thành tài, có việc làm ổn định ở sân bay Đà Nẵng và hàng ngày Công vẫn dạy kèm lớp 12 cho các em ở làng.

Nghĩa tình 30 năm

Hơn 30 năm qua, những giáo viên và cán bộ công nhân viên của làng Hy Vọng vẫn luôn miệt mài xây đắp ước mơ và truyền lửa hy vọng tương lai tươi sáng từ kiến thức cho các em nhỏ khiếm thính. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, lửa nhiệt huyết và tình yêu tràn đầy của những thầy cô nơi đây đã góp phần không nhỏ trong việc thắp sáng và thay đổi tương lai của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Thầy Phan Thanh Vinh - Giám đốc Làng Hy Vọng này là người đã từ bỏ nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp để tình nguyện ở lại Làng, giúp đỡ, chăm lo cho các em trong nhiều năm qua.

Thầy Phan Thanh Vinh (ngoài cùng bên phải) cùng các cán bộ, nhà hảo tâm trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Làng Hy Vọng

Thầy Phan Thanh Vinh (ngoài cùng bên phải) cùng các cán bộ, nhà hảo tâm trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Làng Hy Vọng

Em Nguyễn Thị Quỳnh Như (12 tuổi), bày tỏ niềm vui đối với các hoạt động và những sự chăm sóc của các thầy cô, các cán bộ nhân viên tại làng mà em được nhận. “Em rất thích đọc sách, đặc biệt là những cuốn viết về không gian và vũ trụ”, Như hào hứng chia sẻ. Cũng giống Như, em Trần Bảo Khánh Băng (15 tuổi) rất mê sách. Niềm vui của Băng không chỉ từ việc có thêm sách mới mà còn là những giây phút được hòa mình cùng với anh chị và các bạn.

Không chỉ học tập tốt mà tại đây còn có những hình thức sinh hoạt, giải trí phong phú cho các em, như sinh hoạt văn nghệ, học tiếng Anh, giao lưu vào cuối tuần, tổ chức tham gia các trò chơi, các hoạt động thể thao... Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ ngây thơ, trong sáng, tuy rằng tuổi thơ bất hạnh nhưng trong các em luôn cháy bỏng những ước mơ, khát khao tìm chỗ đứng cho mình trong xã hội này. Ngôi nhà chung làng Hy Vọng đã trở thành nơi nhen nhóm và thổi bùng những đốm lửa tự tin vào tương lai tốt đẹp của các em.

Cũng có thời điểm, những nguồn tài chính bị suy giảm, nguồn hỗ trợ từ các đơn vị cũng hạn chế khiến những người quản lý tại đây đau đầu suy nghĩ. Phải làm sao có nguồn kinh phí ổn định để đảm bảo đời sống cho các em và các cán bộ nhân viên, phải làm sao kêu gọi nguồn tài trợ lâu dài để có những chương trình dài hơi cho việc chăm sóc và phát triển thể chất, tinh thần cũng như sự học hành của gần 140 em ở đây.

Điều đó khiến những người như thầy Phan Thanh Vinh, cô Lê Phương Thảo và nhiều cán bộ giáo viên khác phải trăn trở. Nhưng bằng tấm lòng của mình, cũng như sự tận tâm yêu thương và hướng tới những số phận trẻ em bất hạnh ấy, nhiều đơn vị cũng như doanh nghiệp đã hiểu thấu được những khó khăn, cùng chung sức để làng Hy Vọng tiếp tục thắp lên những hy vọng cho những đứa trẻ kém may mắn.

Đầu tháng 6/2023 vừa qua, làng Hy Vọng đã kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Trong 30 năm ấy đã chứa đựng biết bao gian khó, nhưng cũng để lại biết bao câu chuyện đẹp về tình người, tình mẫu tử, sự yêu thương vô bờ bến.

Hơn 30 năm qua, cơ sở vật chất của Làng Hy Vọng đã được đầu tư, xây dựng khang trang hơn

Hơn 30 năm qua, cơ sở vật chất của Làng Hy Vọng đã được đầu tư, xây dựng khang trang hơn

Thầy Phan Thanh Vinh chia sẻ, qua 30 năm hình thành và phát triển, với phương châm “Tất cả vì những mảnh đời bất hạnh, những gia cảnh khó khăn”, làng Hy Vọng đã thực sự trở thành mái ấm, gia đình của trẻ em mồ côi, khuyết tật; trở thành địa chỉ của tình thương và hy vọng, đúng với tên gọi “Làng Hy Vọng”. Đã có gần 800 lượt trẻ em mồ côi khó khăn, khuyết tật từ 6 đến 18 tuổi được chăm sóc, nuôi dạy tại Trung tâm. Hiện nay, đa phần các em đều đã lập gia đình, có được công việc ổn định, tự chăm lo cho bản thân, gia đình và cùng góp phần thành lập Hội cựu học sinh làng Hy Vọng giúp đỡ cho các em còn trong Làng cũng như các em mới ra Làng còn gặp nhiều khó khăn, đau ốm.

“Đến nay, chúng tôi có thể tự hào với những gì mình đã làm được, đó là sự phát triển về cơ sở vật chất, cải thiện môi trường văn hóa văn minh, theo kịp với xu hướng phát triển chung của xã hội về nhiều mặt. Và hơn tất cả, giờ đây chúng tôi đã có thêm một gia đình lớn hơn cùng chung tay đó là “Hội cựu học sinh làng Hy Vọng”, đây chính là thành tựu lớn nhất mà chúng tôi có được trong cuộc đời trồng người của mình - những đứa con trưởng thành!”, thầy Vinh cho biết.

Trong 30 năm qua, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khó khăn thành phố (Làng Hy Vọng) đã vận động tài trợ nguồn tiền và hiện vật hơn 91 tỷ đồng. Tỉ lệ học sinh khá giỏi tại Làng luôn đạt trên 65%; tỉ lệ học sinh hạnh kiểm tốt đạt trên 95%. Tính đến nay, có khoảng 80 em đỗ và theo học đại học; 85 em đỗ, theo học và tốt nghiệp hầu hết tại các trường đại học và cao đẳng tại Đà Nẵng; gần 300 em đã theo học nghề tại các trung tâm đào tạo nghề. Nhiều thế hệ cựu học sinh đã và đang du học, học tập và làm việc tại Nhật, Úc, Mỹ; các em đã có cuộc sống tự lập, tạo dựng gia đình riêng, có công việc ổn định.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.