Thanh xuân nơi vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bỏ phố, bỏ những cơ hội tốt, hai cô giáo trẻ Riáh Uối và Trà Thị Thu đã tình nguyện gắn tuổi thanh xuân của mình nơi đỉnh núi Ngọc Linh, dùng tâm sức đưa con chữ đến gần hơn với những trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.



1.



Trường Mẫu giáo Phong Lan thuộc điểm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập tọa lạc nóc Tắk Pổ (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), nơi có khoảng đất rộng trống trải và những thân cau yên bình. Nơi đó, mỗi sáng chiều lại rộn ràng tiếng học bài ê a của 34 học sinh bậc mẫu giáo, nhóm trình độ 1 (lớp 1) và nhóm trình độ 2 (lớp 2).

Gần một năm nay, cô giáo trẻ Riáh Uối (23 tuổi) về đứng chân ở đây cùng các em học sinh đồng bào Ca Dong. Là người Cơ Tu sinh ra và lớn lên tại xã Chơ Chun, huyện Nam Giang, Quảng Nam, cô gái trẻ Riáh Uối đã tình nguyện vượt hơn 200km để đến điểm trường trên nóc Tắk Pổ. “Tôi là người Cơ Tu nên cảm nhận được những khó khăn mà trẻ em đồng bào thiểu số gặp phải, nhất là trong việc học tập. Ngay từ nhỏ, mình đã mong muốn làm cô giáo để mang cái chữ truyền đạt lại cho các em”, cô Riáh Uối chia sẻ. Do điều kiện đường sá đi lại khó khăn, thi khoảng một tháng Riáh Uối mới về nhà một lần, cũng có khi 2 tháng mới về.

Năm học mới này, cô Riáh Uối được phân công dạy mầm non tại điểm Trường Mẫu giáo Phong Lan. Nói là điểm trường nhưng đây chỉ là một ngôi nhà nhỏ được ngăn thành 2 lớp học: mẫu giáo và lớp ghép 1, 2. Vì độ tuổi khác nhau nên việc dạy cũng khác nhau; những bé 3 tuổi chủ yếu vui chơi, làm quen với việc đi học và tập phát âm cho đúng (chuyển từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Việt); những em 4 tuổi thì học đọc chữ số, tìm biết đồ chơi ở các góc; những em 5 tuổi học chữ cái, số từ 0 - 10, tập cầm bút…

Vì mới lên vùng cao dạy hợp đồng năm thứ 2 nên thu nhập của cô Riáh Uối chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng điều đó không làm cô giáo trẻ nghĩ ngợi nhiều. Với cô Riáh Uối, được đứng lớp, được dạy dỗ cho các em là thỏa niềm mơ ước tuổi trẻ. “Tôi biết vẫn còn rất nhiều điểm trường, nhiều giáo viên còn khó khăn hơn. Chỉ cần thấy các em biết đọc biết viết, vui vẻ đến trường là tôi hạnh phúc rồi”, cô Riáh Uối tâm sự.  

2.

Cô Trà Thị Thu khá xinh xắn. Mới gặp, không ai nghĩ cô có thể gắn bó với những khổ cực của núi rừng. Quê ở xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sư phạm tiểu học, tháng 10-2014, Trà Thị Thu tình nguyện lên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập dạy học. 5 năm ở Trà Tập cũng là chừng ấy thời gian cô Thu gắn bó với hàng trăm học sinh tại các nóc nơi đây. “Năm 2014, lần đầu tiên lên núi thấy phòng lớp xập xệ, mưa dột, ván mục, học sinh nheo nhóc... tôi nản lắm. Đáng sợ nhất là buồn và cô đơn, không có gì để giải trí. Nó khác xa với những suy nghĩ của mình khi còn ở nhà. Nhưng rồi, mỗi ngày trôi qua, nhìn những khuôn mặt ngây thơ của các em, sự nhiệt tình quý mến của bà con, tôi nghĩ, mình còn trẻ phải xông pha trải nghiệm...”, cô Thu thổ lộ.


 

 Cô giáo Riáh Uối và cô Trà Thị Thu cùng các học sinh của mình
Cô giáo Riáh Uối và cô Trà Thị Thu cùng các học sinh của mình



Nóc Tắk Pổ nằm trên đỉnh Ngọc Linh với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Toàn nóc có khoảng 35 hộ dân, chủ yếu là người Ca Dong, đời sống vô cùng khó khăn. Dù chỉ cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng 10km đường chim bay, nhưng do địa hình đồi dốc nên việc đi lại rất khó khăn, để vào nóc chỉ có một con đường duy nhất nhưng thẳng đứng hiểm trở, trời mưa mọi hoạt động đi lại dường như tê liệt do đường trơn trượt, dễ rơi xuống núi. Chưa kể, để lên đến nóc phải vượt qua 3 khe suối nước lớn chảy xiết. Cô Trà Thị Thu kể, thức ăn phải nhờ các cô dưới xã mua giúp và gửi nhà dân đầu lối đi lên, có khi tự xuống lấy. “Bà con ở đây rất tình nghĩa và yêu thương cô giáo. Người đến bắt điện, người kéo nước, người cho củi… Cô giáo cần gì là người dân giúp đỡ. Đôi lúc mình thiếu gạo bà con cũng cho, nhưng mà ai cũng nghèo nên mình cũng không đành lòng nhận”, cô Thu tâm sự.


3.

Không chỉ điều kiện cuộc sống khổ cực, việc dạy học cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hầu như tất cả đồ dùng trang trí, dụng cụ học tập cho đến vệ sinh lớp học, 2 cô đều phải tự làm. Những lúc ốm đau cũng chỉ 2 cô chăm sóc lẫn nhau. Năm 2016, nóc có điện nhưng chập chờn lúc có lúc không. “Mỗi khi về quê, thấy bạn bè làm việc ở những nơi có điều kiện hơn, thu nhập cao, nghĩ lại công việc của mình, rồi chuyện chồng con, tương lai... thấy cũng chạnh lòng. Nhưng tất cả những khó khăn đó không thể so sánh với cái khổ của hơn 35 hộ dân sống trên nóc này. Nếu có điều ước, tôi chỉ mong có một con đường rộng rãi, chắc chắn để người dân bớt khổ hơn”, cô Thu ao ước.

Cô Thu hiện dạy nhóm trình độ 1 và 2, mỗi lớp 6 học sinh (lớp ghép 1, 2). Buổi sáng cô Thu dạy chính và buổi chiều phụ đạo thêm cho các em. Không ít lần, 2 cô phải đến từng nhà để dỗ học sinh và thuyết phục phụ huynh cho con đến trường. Cũng như cô Uối, mỗi tháng cô Thu lại tranh thủ về quê một lần, nhưng có khi cũng không về được vì bận công việc hoặc đường sá mưa gió.

Hai cô giáo trẻ Riáh Uối và Trà Thị Thu, sau bao năm sống cùng bà con, họ đã thành người con của nóc, của làng. “Chắc mình sẽ khó rời xa nơi này bởi những yêu thương mà đồng bào và các em học sinh dành cho quá sâu đậm. Học sinh, đồng bào cần chúng tôi. Chúng tôi sẽ ở lại, đây cũng là cách để mình tri ân và thể hiện khát vọng tuổi trẻ không lùi bước trước mọi gian nan thử thách”, cô Thu tâm sự.

NGỌC PHÚC (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.