Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện mưa đá trên diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tối 22/8, tại khu vực phía đông Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện mưa đá xảy ra trên diện rộng; đa phần hạt mưa bằng khoảng một đốt ngón tay, kích thước từ 1-1,5cm.

 

 Những hạt đá có kích thước khoảng 1-2cm. (Nguồn: baotintuc)
Những hạt đá có kích thước khoảng 1-2cm. (Nguồn: baotintuc)


Tối 22/8, tại khu vực phía đông Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện mưa đá xảy ra trên diện rộng.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mưa đá thời điểm này là bất thường.

Vào khoảng 18 giờ ngày 22/8, trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện cơn mưa dông diện rộng với lượng mưa trung bình 30-60mm, nhiệt độ dao động 27-30 độ C. Tiếp theo đó, mưa đá xuất hiện tại một số khu vực, chủ yếu tập trung tại thành phố Thủ Đức.

Đa phần hạt mưa bằng khoảng một đốt ngón tay, kích thước từ 1-1,5cm, nhưng cũng có những thời điểm hạt mưa đá to gần 3cm. Mưa đá diễn ra trong khung giờ hạn chế ra đường của Thành phố Hồ Chí Minh nên cơ bản không ảnh hưởng đến an toàn lưu thông của người dân nhưng việc mưa đá xuất hiện bất ngờ cũng khiến nhiều người lo lắng.

Chị Nguyễn Ngọc Phương Quỳnh (trú tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết khoảng hơn 18 giờ tối nay, trời bắt đầu tối sầm và có dấu hiệu mưa. Lúc này chị Quỳnh cùng gia đình đang ngồi trong nhà nghe mưa rơi lộp độp trên mái tôn với tiếng động lớn bất thường. Khi gia đình chị ra kiểm tra thì phát hiện có mưa đá với những hạt to bằng ngón tay, có hạt to gần bằng nửa lòng bàn tay.

“Hạt mưa rất to và rơi dày đặc nên gia đình tôi rất lo mái tôn sẽ bị hỏng, may là mưa đá chỉ xảy ra khoảng 5 phút thì chuyển sang mưa bình thường. Tuy nhiên, xe hơi của chúng tôi đậu ngoài sân thì bị trầy xước cả, một số chậu hoa cảnh cũng bị dập nát,” chị Quỳnh kể.

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ nhận định đây là cơn mưa đá bất thường ở Thành phố Hồ Chí Minh vì mưa đá hiếm xảy ra ở thời điểm này. Thông thường, các cơn mưa đá sẽ xuất hiện vào đầu hoặc khi kết thúc mùa mưa, tức là đầu tháng Năm và Sáu hoặc cuối tháng 10, chứ hiếm khi xảy ra vào tháng Tám.

Lý giải nguyên nhân có cơn mưa đá chiều tối nay, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết có hai nguyên nhân. Một là do mây đối lưu phát triển mạnh, hai là tuần vừa qua, Nam Bộ chủ yếu ngày nắng oi, mưa muộn, gây ra hiện tượng mây đối lưu nhiệt.

"Độ dày của mây đối lưu này phát triển lên cao đến 5-6km, khi lên càng cao ổ mây càng lạnh. Chính vì vậy các hạt nước trong đám mây khi đến đỉnh mây sẽ đông thành nước đá. Hạt đá sẽ di chuyển lên xuống trong đám mây cho đến khi đạt được độ lớn đủ để thắng được lực trọng trường thì rơi xuống đất. Các hạt này rơi từ chân mây xuống đất thành hạt bằng khoảng đầu ngón tay, gọi là mưa đá," bà Lan giải thích.

Dự báo trong 24 giờ tới, tại Nam bộ, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 26-28 độ Vĩ Bắc có cường độ ít thay đổi. Trên cao áp cao cận nhiệt đới suy yếu, gió mùa Tây Nam có cường độ không mạnh.

Trong tuần tiếp theo, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ duy trì thời tiết ngày nắng, chiều tối mưa. Cường độ nắng ban ngày không quá mạnh, nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 30-33 độ C.

Chiều tối, mây đối lưu sẽ dần phát triển nhiều hơn, gây mưa dông trên khoảng một nửa diện tích khu vực Nam Bộ. Có nơi xuất hiện mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Theo Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm