Thanh âm vang vọng giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo phong tục tập quán từ bao đời nay, người Mông tại tỉnh Yên Bái thích ở trên những triền non cao của đại ngàn, để đón những dải nắng vàng được sớm hơn, hứng những giọt sương đêm đọng trên lá thêm phần nặng hạt. Ban ngày người Mông làm việc hết mình, tối về lại say sưa bên bát rượu ngô, điệu múa khèn cùng âm thanh độc đáo mà nhạc cụ này mang lại.

Tiếng khèn luôn xuất hiện trong tất cả ngày đặc biệt của người dân tộc Mông ở Yên Bái. Ảnh: Ngọc Huyền
Tiếng khèn luôn xuất hiện trong tất cả ngày đặc biệt của người dân tộc Mông ở Yên Bái. Ảnh: Ngọc Huyền


Cuộc sống gắn liền với tiếng khèn

Trong đời sống của người Mông tuy còn vất vả nhưng vô cùng phóng khoáng, phong phú và đầy màu sắc, chẳng thế mà những bộ váy áo của cô gái Mông lúc nào cũng rực rỡ như bông hoa đào rừng đương vào độ xuân chín, như con chim rừng đang mùa hót vui. Và có một thanh âm không bao giờ thiếu trong đời sống của người Mông chính là tiếng khèn, nhạc cụ này đã gắn bó với người Mông ở Yên Bái từ khi lọt lòng cho đến khi rời xa cõi đời.

Nhất là đối với đàn ông người Mông, cây khèn là vật không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Chàng trai nào múa khèn giỏi, thổi khèn vang sẽ được nhiều cô gái để ý, sẽ là những chàng trai “sáng giá” nhất bản. Vì để thổi và múa được khèn Mông, đòi hỏi những người đàn ông phải là người vừa khéo léo, tài giỏi lại có sức khỏe. Và hơn hết những chàng trai yêu khèn Mông đều là những người yêu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình nên sẽ được cả bản làng yêu mến và trân trọng.

Tiếng khèn như tiếng lòng của người con trai Mông vang vọng giữa đại ngàn, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Rộn rã như tiếng khèn ngày hội vui, bước nhún, bước nhảy, bước quay, tay ôm khèn vừa thổi vừa múa, hay da diết tự tình như thay lời yêu trong phiên chợ cuối tuần mang chút rộn ràng của nhịp chân gọi bạn, lúc thì có chút hờn dỗi của lứa đôi tuổi trăng vừa tròn, có khi lại pha chút phiêu bồng của hơi men bát thắng cố.

Không chỉ dùng trong dịp lễ Tết, giao duyên tỏ tình, mà tiếng khèn còn xuất hiện trong những dịp ma chay, tiếng khèn như gợi lại cả cuộc đời của người đã mất lần cuối trước khi về hòa mình vào đá rừng, mưa suối. Thế mới biết khèn không chỉ đơn giản là một loại nhạc cụ, không chỉ là đôi tai để nghe tiếng lòng, mà khèn còn là đôi mắt thu trọn mấy mươi năm cuộc đời của người Mông rồi cất lên tiếng nói bằng âm thanh của chính mình.

Cũng như các loại nhạc cụ dân tộc khác, khèn Mông được làm tỉ mỉ và rất công phu, tận dụng những sản vật của núi rừng như tre và gỗ, người Mông đã sáng tạo ra một loại nhạc cụ vừa đẹp mắt lại có âm thanh phong phú. Khèn có hai bộ phận chính là bầu khèn và ống khèn.

Bầu khèn được làm bằng gỗ, thường loại gỗ được chọn làm bầu khèn phải là những loại gỗ tốt, thớ gỗ đẹp có hương thơm như gỗ thông, gỗ pơ mu hay kim giao những khúc gỗ này được người Mông gọi là những khúc gỗ “sáng” nhất rừng già. Vì để tạo ra được những thanh âm trong trẻo, trầm bổng cây gỗ cũng cần có những linh tính vì theo quan niệm của người Mông những cây gỗ vững chãi, trải qua mưa gió của đại ngàn mới đủ thấu hiểu để cất lên những âm thanh trọn vẹn đủ đầy.

Bầu khèn được ghép lại từ 2 mảnh gỗ, phần dưới bầu ra được khoét rỗng rồi thuôn dài dần lên trên. Người Mông dùng những thanh kim loại tròn để cuốn quanh 2 mảnh gỗ, vừa là để trang trí khèn, vừa mang ngụ ý con cái như những vòng tròn cuốn lấy bố mẹ, là vòng tròn kết nối, ghì chặt hai mảnh ghép giúp tình cảm gia đình thêm khăng khít.

Trên bầu khèn sẽ được khoét 6 lỗ tròn để ống tre xuyên qua, ống tre làm khèn phải là những cây tre già, ống tròn và đanh, mắt tre phải thưa và đều, các ống tre được ghép thành đôi có độ dài ngắn khác nhau được uốn hơi cong, nhìn thoáng qua chiếc khèn giống như một chiếc cung tên. Trên các ống tre có khoét lỗ và gắn 1 lá đồng để tạo âm thanh, riêng ống to và ngắn nhất gắn 2 lá đồng. Người làm khèn có thể chưa từng học qua một lớp nhạc lý hay ký xướng âm nào, nhưng bằng kinh nghiệm cha ông để lại, các nghệ nhân làm khèn có thể làm một chiếc khèn mà âm thanh có thể trầm, bổng, lúc mượt mà, khi lại cao vút tùy thuộc vào độ dài hay ngắn của ống tre.


 

Cách chế tạo loại nhạc cụ đặc biệt này vẫn được những thế hệ trước truyền lại cho con cháu. Ảnh: Ngọc Huyền
Cách chế tạo loại nhạc cụ đặc biệt này vẫn được những thế hệ trước truyền lại cho con cháu. Ảnh: Ngọc Huyền


Gìn giữ "linh hồn" của người Mông

Tùy vào tính cách, mà những chàng trai Mông sẽ chọn cho mình một cây khèn phù hợp, những chàng trai hiền lành đơn thuần sẽ chọn cho mình cây khèn có âm thanh trầm và vang, những thanh niên nhanh nhẹn hoạt bát sẽ phù hợp với những cây khèn có âm thanh thánh thót, cao vút. Vì vậy mà các cô thiếu nữ Mông chỉ cần nghe tiếng khèn cũng biết được tính cách của đối phương trong những phiên chợ tình, để chọn cho mình những chàng trai phù hợp.

Nghệ nhân Giàng A Dao (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) năm nay hơn 40 tuổi nhưng đã có gần 25 năm làm khèn. Anh được bố mình truyền dạy cho cách làm khèn từ khi còn là thiếu niên, tiếng khèn như ngấm vào máu thịt của anh. Anh vừa có thể làm khèn đẹp vừa có thể thổi khèn hay.

Anh Dao nói: “Từ bé mình đã rất yêu thích tiếng khèn, nhờ tiếng khèn mình có được vợ, tiếng khèn còn giúp cho mỗi dịp lễ hội của bản làng mình thêm vui tươi. Nhưng giờ càng ngày càng ít người biết làm khèn, bản thân mình rất mong muốn truyền lại cách làm khèn mọi người, nhất là hế hệ trẻ sau này để các con các cháu giữ được âm thanh này nhiều đời về sau nữa”.

Từ trăn trở của anh Giàng A Dao, huyện Trạm Tấu cũng đã có những hành động thiết thực nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát triển những nét đẹp trong văn hóa trong đời sống của người Mông Trạm Tấu (Yên Bái) nói chung và khèn Mông nói riêng.

Bà Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa huyện Trạm Tấu cho biết: “Để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của khèn Mông, huyện Trạm Tấu đã khôi phục lại nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, đưa múa khèn, thổi lá dân tộc vào các giờ học ngoại khóa để cho các em học sinh tìm hiểu và hứng thú với những nhạc cụ dân tộc, tại xã Bản Mù đã thực hiện các buổi học làm khèn và thổi khèn do các nghệ nhân truyền dạy cho các bạn trẻ. Đặc biệt huyện Trạm Tấu có kế hoạch gắn những nét đẹp văn hóa dân tộc độc đáo mang tính bản sắc với việc phát triển du lịch, vừa để giữ gìn văn hóa, vừa để thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế”.

Mặc dù đời sống ngày càng phát triển, cuộc sống của người Mông có những thay đổi và hội nhập nhất định, cũng đã có những kho tàng văn hóa bị mai một ít nhiều, nhưng với tầm quan trọng và linh thiêng của khèn Mông, người Mông vẫn đang cố gắng nỗ lực từng ngày để gìn giữ âm thanh của tiếng khèn cũng như cách người Mông giữ hồn của mình trên non.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thanh-am-vang-vong-giua-dai-ngan-1062787.ldo

Theo NGỌC HUYỀN (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.