'Thảm sát' ươi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng loạt cây ươi cổ thụ bị nhiều nhóm 'làm ươi' triệt hạ, cưa trụi cành lá để tận thu quả lấy hạt.

'Thảm sát' ươi rừng
'Thảm sát' ươi rừng


Hàng loạt cây ươi cổ thụ nằm trong lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp (H.Bù Đốp, Bình Phước) bị nhiều nhóm “làm ươi” triệt hạ, cưa trụi cành lá để tận thu quả lấy hạt. Mỗi cây bị đốn khiến cả khoảnh rừng đổ rạp.

Từ thông tin bạn đọc về tình trạng cây ươi ở khu vực rừng các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập (Bình Phước) đang bị triệt hạ không thương tiếc để tận thu hạt, PV Thanh Niên đã vào cuộc điều tra.

Tan hoang suối Bài Thơ

Giữa tháng 4 là thời điểm cây ươi ở rừng Bình Phước vào độ quả chín rộ. Khu vực tập trung ươi nhiều nhất là đầu nguồn sông Đắk Huýt, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp. Thời tiết năm nay khá thuận lợi nên cây ươi ra bông và đậu quả rất nhiều. Mỗi cây có thể cho từ 50 - 70 kg trái tươi, thậm chí cây cổ thụ cho trên 150 kg trái. Giá hạt ươi bay (loại đã chín, rụng xuống) khoảng 220.000 đồng/kg, còn ươi tươi phơi khô khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ hạt ươi mang lại khá cao đã thôi thúc rất nhiều người địa phương và vùng lân cận tìm cách vào rừng khai thác trộm.


 

Lán trại nhóm người “làm ươi” dựng lên ở khu vực suối Bài Thơ
Lán trại nhóm người “làm ươi” dựng lên ở khu vực suối Bài Thơ


Theo chân Tr. (một người địa phương), PV bắt đầu xâm nhập vào khu vực rừng ươi bị đốn hạ để ghi nhận thực tế. Ngay tại đồi Ngành Ngạnh (xã Phước Thiện, H.Bù Đốp), chúng tôi bắt gặp một người tên Th. đang ngồi đợi bên đường để “chỉ điểm” cây ươi cho hai người khác đi đốn hạ. “Lát em dẫn bọn nó vào cắt mấy cây ở gần Đồn biên phòng 787. Có người chỉ bãi cây lớn ở họng suối Bài Thơ, bông đặc nghẹt luôn nhưng em chưa đi được. Còn đám ông K. thì đang làm bên cột mốc 62, gần cửa rừng ấy. Riêng cánh bên này bọn nó “ăn” hết rồi”, Th. chỉ vào khu vực rừng gần đồi Ngành Ngạnh nói.

 

Một vạt rừng ở suối Bài Thơ bị phá tan để khai thác ươi
Một vạt rừng ở suối Bài Thơ bị phá tan để khai thác ươi



Khoảng 20 phút sau, hai người đi “làm ươi” đến và Th. dẫn cả nhóm lủi nhanh vào rừng.

PV tiếp tục di chuyển vào khu vực rừng giáp biên giới tỉnh Mondulkiri (Campuchia, ngay gần cột mốc 63). Tại đây, có 2 căn nhà tạm của một nhóm người “làm ươi”. Lúc PV tới, nhóm bốn người cả đàn ông và phụ nữ đang trải nhiều tấm bạt, đổ các bao hạt ươi ra phơi. Hạt ươi bay, ươi non... có đủ các loại, được phơi tràn trên khu đất rộng lớn. Một người đàn ông trong nhóm cho hay: “Tôi mới làm được ba hôm nay. Mấy bữa nhóm ông T. còn làm sát đường bê tông, gần đồn 783. Ươi non gì nó cũng chặt từa lưa hết”. Theo nhóm người này, đây là điểm tập kết ươi của những người “làm ươi” nhỏ lẻ. Họ mang ươi hái được về đây phơi và đều phải nhờ đến P., một “trùm” vận chuyển, chở “chiến lợi phẩm” qua các chốt bảo vệ rừng để ra ngoài bán.

Rời điểm tập kết ươi, PV luồn rừng vào khu vực ở suối Bài Thơ (tiểu khu 55, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp), nơi đang là điểm nóng khai thác ươi. Men theo đường mòn chằng chịt trong rừng, chúng tôi phát hiện hai lán trại của những người khai thác ươi. Bên trong lán ngổn ngang xoong chảo, vật dụng sinh hoạt. Phía ngoài vứt đầy vỏ chai, thùng mì tôm, bếp đun nấu với than còn ấm. Đi một vòng quan sát các dấu vết để lại, Tr. cho biết hai lán trại này có khoảng hơn 10 người ở và kết luận: “Có khả năng họ mới vận chuyển ươi ra ngoài khoảng hai ngày trước”.

Theo Tr., các nhóm “làm ươi” thường chọn nơi có nhiều cụm cây ươi để hạ trại. Họ ở nhiều ngày liền trong rừng để chặt hạ và thu hái quả đến lúc nào gom đủ số lượng mới ra. Quả ươi cũng được phơi luôn trong rừng, đến lúc khô mới đưa ra ngoài.

Kiểm tra khu vực xung quanh lán trại chừng 100 m, PV phát hiện một vạt rừng rộng lớn bị cắt phá tan hoang. Hàng loạt cây ươi cổ thụ bị đốn hạ còn trơ gốc, nằm cách nhau chỉ vài mét. Thậm chí, có những cây cổ thụ đường kính hơn 2 m, gốc bạnh to xù xì. Dấu vết để lại là những đường cắt ngọt lịm của cưa máy trên gốc, từng mảng thân cây bị chẻ toác, nhựa ứa thâm đen. Quanh gốc cây vừa đốn hạ, hàng loạt nhánh cây lớn bị vứt bỏ ngổn ngang với cành lá khô héo. Gỗ, cành ươi bị cắt phá vứt tràn lan từ sườn đồi xuống lòng suối Bài Thơ.

 

 Xe máy của “lâm tặc” để lại ở thác lớn Sáu Chình (cách cầu Đắk Huýt khoảng 2 km)
Xe máy của “lâm tặc” để lại ở thác lớn Sáu Chình (cách cầu Đắk Huýt khoảng 2 km)



Cạnh những cây lớn vừa bị đốn hạ, nhiều cây ươi nhỏ hơn bị cắt trụi cành, đứng trơ trụi như cây cọc đâm thẳng giữa trời. Hàng loạt cây bị đốn hạ để lộ một khoảng rừng trống trải dài cả trăm mét.

Tr. nói: “Cây ươi thường mọc theo cụm. Chỗ nào có cây cổ thụ thì xung quanh sẽ có các cây con nên chỗ này mới tập trung nhiều ươi như vậy. Không những đốn hạ để lấy hạt, những thân cây ươi cổ thụ ở đây cũng bị lâm tặc vận chuyển đi hết rồi”.

Rời suối Bài Thơ, chúng tôi tiếp tục đi vào khu vực thác lớn Sáu Chình, cách cầu Đắk Huýt chừng 2 km. Trong rừng chi chít đường mòn, dấu vết của “lâm tặc” đi qua. Tại đây, PV cũng phát hiện cả xe máy và lán trại của người khai thác ươi để lại. Quanh khu vực này, nhiều cây ươi nhỏ bị đốn hạ ngang thân, phần từ gốc đến điểm cưa cao gần cả mét. Những cây lớn thì bị cưa máy cắt ngang gốc, cành vứt ngổn ngang, đè dập một vạt rừng.

Đốn cây sát đường tuần tra

Qua cầu Đắk Huýt, tiến vào rừng thuộc địa bàn xã Đắk Ơ (H.Bù Gia Mập), chúng tôi phát hiện thêm nhiều cụm cây ươi bị đốn hạ. Có cây bị cưa gần đứt gốc nhưng không chịu ngã đổ, khiến “lâm tặc” phải trèo lên chặt trụi cành. Cách đó vài chục mét là cụm nhiều cây ươi cao trên 30 m bị cắt trụi cành lá trên ngọn. Từ dưới gốc lên ngọn những cây này, “lâm tặc” đóng chi chít hai hàng đinh lớn làm bàn đạp để leo lên cắt cành. Cành ươi bị cắt đổ xuống đè dập nhiều lồ ô, cây nhỏ xung quanh để lộ một khoảng rừng trống hoác. “Bị cắt trọc trụi vậy thì chẳng bao lâu cây ươi sẽ chết vì không có lá để quang hợp. Nếu may mắn sống thì cây cũng còi cọc, không phát triển để mà ra hoa đậu quả được nữa”, Tr. ngao ngán nói.


 

 Nhóm người khai thác ươi ở dốc 7 tầng, đang chở hạt ươi ra khỏi rừng
Nhóm người khai thác ươi ở dốc 7 tầng, đang chở hạt ươi ra khỏi rừng




Đi dọc theo đường tuần tra biên giới, có hàng loạt đường mòn mà nhóm người đi chặt ươi, lồ ô, hái lá và khai thác lâm sản thường xuyên ra vào. Bám theo một trong các đường mòn vào rừng, PV phát hiện một cây ươi cổ thụ, đường kính gần 1 m bị đốn hạ nằm rạp một góc rừng. Chiều dài thân cây chừng 35 m đổ xuống đè bẹp một vạt rừng rộng lớn, kéo theo nhiều cây xung quanh bị gãy rạp. Điều đáng nói, cây ươi này chỉ cách đường tuần tra bảo vệ biên giới khoảng 50 m.

Chạy dọc đường tuần tra biên giới, PV tới khu vực rừng đồn biên phòng 783. Tại barie trước cửa đồn, một nhóm 6 người đi từ phía rừng H.Bù Gia Mập đang đợi xin biên phòng cho qua H.Bù Đốp. Họ cho biết thuộc nhóm do ông T. cầm đầu, là một trong những nhóm “làm ươi” lớn nhất trong vùng, đi làm mấy hôm nay giờ đang trên đường trở về. Ông T. thuê cả người địa phương và Đồng Nai lên, tổng cộng gần 20 người, chia làm nhiều nhóm đi vào càn quét rừng khắp vùng để khai thác ươi. Qua đồn biên phòng khoảng 2 km, PV tiếp tục gặp một nhóm 3 người đang tìm cách sang rừng H.Bù Đốp để khai thác hạt ươi.

Một “lâm tặc” cho hay ươi khu vực rừng H.Bù Gia Mập bị nhiều nhóm càn quét mấy năm nay đã cạn kiệt. Giờ chỉ có khu vực rừng dọc hai bên sông Đắk Huýt là có ươi chín. Các nhóm bắt đầu đổ quân tấn công vào rừng H.Bù Đốp mà điểm nóng là thượng nguồn sông Đắk Huýt.  

Cây ươi 15 năm mới cho trái

Lương y Nguyễn Công Đức, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết một cây ươi phải mất 15 năm mới có thể cho trái nhưng chờ rụng xuống nhặt lấy hạt thì rất ít. Do vậy, người ta vì lợi nhuận kinh tế mà mang cưa máy lên rừng cưa cây, đua nhau cưa ươi để lấy cho nhiều. Hiện nay, cây ươi gần như tiệt chủng, chỉ còn ở vùng Bù Đăng, Bù Đốp (Bình Phước).

Hạt ươi khô rất bé, khi gặp nước nở ra gấp nhiều lần, người ta thường dùng pha đường để ăn, uống. Trong y học cổ truyền, hạt ươi là bài thuốc có công dụng giúp nhuận trường, lợi tiểu, thanh lọc cơ thể, giải độc gan. Trên thực tế, hạt é cũng có công dụng tương đương hạt ươi, trong khi nguồn ươi đang dần cạn kiệt, nên lương y Đức khuyến cáo bà con nên chuyển qua dùng hạt é thay thế nhằm bảo vệ rừng ươi.

Duy Tính
 


Tiểu Thiên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.