Thái Lan: Liên minh 8 đảng chưa thống nhất về ghế Chủ tịch Hạ viện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đảng Tiến bước muốn nghị sỹ Phitsanulok Padipat Suntiphada trở thành Chủ tịch Hạ viện tiếp theo, trong khi đảng Pheu Thai bảo vệ quan điểm rằng họ nên có được ghế đứng đầu cơ quan lập pháp.
Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) đồng thời là ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan, phát biểu với báo giới tại Bangkok, ngày 22/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) đồng thời là ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan, phát biểu với báo giới tại Bangkok, ngày 22/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh 8 đảng với nòng cốt là đảng Tiến bước (MFP) và đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) vẫn chưa đạt được đồng thuận về vị trí Chủ tịch Hạ viện Thái Lan trong cuộc họp 8 bên tại trụ sở đảng MFP ngày 2/7, tuy nhiên các bên kỳ vọng vấn đề này sẽ được giải quyết trong ngày 3/7.

Sau cuộc họp trên, lãnh đạo đảng MFP Pita Limjaroenrat cho biết 8 bên đã thảo luận về vị trí Chủ tịch Hạ viện và các cuộc đàm phán diễn ra tích cực.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh MFP vẫn đang chờ câu trả lời dứt khoát từ đảng Pheu Thai.

Trước đó, MFP nhấn mạnh đảng này muốn nghị sỹ Phitsanulok Padipat Suntiphada trở thành Chủ tịch Hạ viện tiếp theo, trong khi đảng Pheu Thai bảo vệ quan điểm rằng họ nên có được ghế đứng đầu cơ quan lập pháp.

Cùng ngày, lãnh đạo đảng Pheu Thai Cholnan Srikaew cho biết nội bộ đảng này sẽ thảo luận các nội dung đưa ra tại cuộc họp trên trong ngày 3/7 và hy vọng đảng của ông sẽ có thể thống nhất đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông Cholnan Srikaew tin tưởng rằng các bất đồng sẽ được giải quyết trước khi Hạ viện Thái Lan tiến hành nhóm họp để bầu vị trí Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch dự kiến diễn ra vào ngày 4/7 tới.

Trước đó, Phó lãnh đạo đảng Pheu Thai Phumtham Wechayachai ngày 18/6 cho biết đảng này đã quyết định nhường chức Chủ tịch Hạ viện cho đảng MFP nhằm chấm dứt tranh chấp giữa hai đảng về vấn đề trên.

Ông Phumtham nói cho đến nay Pheu Thai vẫn giữ quan điểm của mình rằng vì MFP sẽ đảm nhiệm chức vụ thủ tướng - người đứng đầu cơ quan hành pháp, thì Pheu Thai nên được trao chức vụ Chủ tịch Hạ viện - người đứng đầu cơ quan lập pháp.

Tuy nhiên, 2 bên đã bất đồng quan điểm về vấn đề này, trong đó MFP kiên quyết giành cả hai vị trí dẫn đầu.

Để vượt qua bế tắc, ông Phumtham cho biết Pheu Thai quyết định sẽ nhường chức Chủ tịch Hạ viện cho MFP, đảng giành được nhiều ghế nghị sỹ nhất sau cuộc tổng tuyển cử hôm 14/5 vừa qua.

Tổng thư ký Hạ viện Thái Lan Pornpit Petchcharoen ngày 29/6 đã gửi thư mời tới tất cả các nghị sỹ mới được bầu và các thượng nghị sỹ tham dự lễ khai mạc quốc hội khóa mới vào ngày 3/7, dưới sự chủ trì của Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan.

Ban thư ký Hạ viện cũng gửi thư đề nghị tất cả các nghị sỹ tham dự phiên họp đầu tiên của Hạ viện vào ngày 4/7 để bầu chọn Chủ tịch Hạ viện mới.

Trang web chính thức của Hạ viện cho biết việc bầu chọn một chủ tịch và 2 phó chủ tịch sẽ nằm trong chương trình nghị sự của phiên họp đầu tiên.

Theo Phó Thủ tướng tạm quyền Wissanu Krea-ngam, Chủ tịch Hạ viện mới và 2 phó chủ tịch phải được chọn trong vòng 10 ngày kể từ ngày khai mạc Quốc hội hoặc trước ngày 13/7, ngày Quốc hội dự kiến bầu thủ tướng.

Ông Wissanu cho rằng không nên kéo dài việc lựa chọn Chủ tịch Hạ viện mới vì chỉ cần sự ủng hộ của đa số ở Hạ viện, trong khi tân thủ tướng sẽ cần sự ủng hộ của cả nghị sỹ và thượng nghị sỹ.

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.