Thái Lan bước vào tuần căng thẳng chính trị, xử 4 vụ lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thái Lan đối mặt với một tuần xét xử quan trọng, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á khi số phận của thủ tướng và phe đối lập chính đang bị đe dọa.

Theo truyền thông Thái Lan, 4 vụ án được đưa ra xét xử trong ngày 18-6 liên quan đến các chính trị gia quyền lực nhất Thái Lan gồm Thủ tướng Srettha Thavisin, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, các nghị sĩ đảng Tiến bước đối lập và các nhà lập pháp thượng viện.

Thủ tướng Srettha Thavisin. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Srettha Thavisin. Ảnh: Reuters

Công ty ANZ Research cho biết: "Những vụ việc này nêu bật sự mong manh và phức tạp của môi trường chính trị Thái Lan. Về mặt kinh tế, mối lo ngại trước mắt là khả năng xảy ra các cuộc biểu tình gây rối và trì hoãn việc thực thi chính sách tài khóa".

Thủ tướng Srettha Thavisin, người nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái, bị cáo buộc vi phạm hiến pháp khi bổ nhiệm một cựu luật sư có tiền án vào nội các của mình.

Ông Srettha, người phủ nhận mọi hành vi sai trái, có thể bị cách chức nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết chống lại ông.

Nếu ông Srettha bị cách chức, chính phủ mới phải được thành lập và đảng Pheu Thai cầm quyền cần đề cử ứng cử viên mới cho chức thủ tướng để quốc hội bỏ phiếu. Tòa án có thể sẽ công bố ngày xét xử hoặc tuyên án tiếp theo trong ngày 18-6.

Cùng ngày 18-6, ông Thaksin sẽ bị truy tố tại tòa án hình sự ở Bangkok vì cáo buộc xúc phạm hoàng gia và các tội danh khác liên quan đến cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài hồi năm 2015.

Sau đó, tòa án sẽ quyết định liệu có cho phép ông Thaksin, người luôn khẳng định mình vô tội, được bảo lãnh hay không. Luật khi quân của Thái Lan là một trong những luật nghiêm khắc nhất thế giới và quy định mức án tù tối đa lên tới 15 năm cho mỗi hành vi xúc phạm hoàng gia.

Một vụ xét xử khác có thể dẫn đến việc giải tán Đảng Tiến bước, đảng chiếm 30% số ghế ở hạ viện sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sít sao năm ngoái. Việc giải tán đảng tiền thân của Đảng Tiến bước vào năm 2020 - với lý do vi phạm tài trợ chiến dịch tranh cử - vốn là một trong những yếu tố gây ra các cuộc biểu tình lớn khi đó.

Tòa án Hiến pháp đang xem xét khiếu nại của Ủy ban Bầu cử quốc gia cáo buộc Đảng Tiến bước vi hiến vì chiến dịch bầu cử từng kêu gọi cải cách luật khi quân. Tòa án dự kiến sẽ công bố ngày xét xử hoặc tuyên án tiếp theo trong ngày 18-6.

Bên cạnh đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng sẽ đưa ra phán quyết trong ngày 18-6 về bầu cử Thượng viện khóa mới gồm 200 thành viên, sau khi chấp nhận đơn khiếu nại về nghi vấn liệu các thành phần được bầu chọn có hợp pháp hay không.

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.