Tây Nguyên - Nam Trung bộ ứng phó nguy cơ sa mạc hóa - Bài 2: Những cánh đồng hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưới cái nắng cháy bỏng, vùng đất khu Lê (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) trông giống như một “tiểu sa mạc” thu nhỏ. Hai bên đường, những đồi cát trải dài tít tắp.
 
Hạn hán kéo dài, sa mạc hóa ngày càng lan rộng khiến hàng loạt khu vực ở huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) không thể sản xuất. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Hạn hán kéo dài, sa mạc hóa ngày càng lan rộng khiến hàng loạt khu vực ở huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) không thể sản xuất. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Đến các tỉnh Tây Nguyên - Nam Trung bộ thời điểm này dễ gặp cảnh những cánh đồng khô khốc, đất đai nứt nẻ, phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Nhiều diện tích cây công nghiệp ở Tây Nguyên bị chết hoặc khô héo, mất trắng. Còn ở Nam Trung bộ, không chỉ ruộng đồng bỏ hoang, mà những loài vật nuôi vốn có sức chịu đựng với khô nóng như cừu, dê cũng bị chết hàng loạt. 
Ruộng nương hoang hóa
Dưới cái nắng cháy bỏng, vùng đất khu Lê (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) trông giống như một “tiểu sa mạc” thu nhỏ. Hai bên đường, những đồi cát trải dài tít tắp.
Bà Nguyễn Thị Cẩn đến khu Lê sinh sống cũng ngót nghét 40 năm, ngậm ngùi nhớ lại: “Hồi tôi mới tới đây sinh sống, khu này toàn là rừng, đất đai màu mỡ, muông thú hoang dã còn rất nhiều. Còn giờ đây, khu nhà tôi ở đã bị cát lấp kín, không trồng được cây gì, chỉ có mấy cây xương rồng là còn chịu đựng được thôi”.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết, ngày trước, nơi đây đất đai còn tốt, có thể trồng các loại hoa màu để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm sau này do hiện tượng thiếu nước, đất đai bị phong hóa, hiện tượng sa mạc hóa ngày càng lộ diện đã làm thay đổi khá rõ vùng đất này. Hiện nay không còn cây rừng, nguồn nước cạn kiệt nên các loài động thực vật không thể sinh sống. 
Tại khu vực xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), những cây bụp giấm, khoai mì đã nhường chỗ cho những trụ điện gió, tấm pin năng lượng mặt trời. “Ở đây bây giờ chỉ có “cây” điện gió là sống được thôi, những cây khác dù có sức chịu hạn cao nhưng may ra chỉ trồng được vào mùa mưa, còn đến tháng hạn thì dù có khoan giếng sâu hàng chục mét cũng không đủ nước để cho chúng tồn tại”, ông Tư Cần, người sinh sống gần 20 năm ở đây, chia sẻ. 
Còn tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), những đồi cát rộng hàng ngàn hécta cứ ngày một rộng ra, lấn sâu vào đất của người dân. Ông Nguyễn Văn Mến chỉ tay về khu đất toàn cát, nhớ lại: “Ngày trước, người dân trong xã vẫn trồng hoa màu bình thường, nhưng bây giờ hiện tượng cát bay, cát nhảy diễn ra nhanh quá nên đất bị hoang hóa hết, không cây hoa màu gì có thể mọc trên lớp cát bỏng rát”.
Không chỉ vùng đất nắng gió Ninh Thuận, Bình Thuận, đến Tây Nguyên mùa này chúng tôi cũng chứng kiến nhiều cánh đồng khô khốc. Đi dọc theo tỉnh lộ 1, đoạn qua xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), hai bên đường phủ một màu vàng xám, những cánh đồng hoang hóa, nứt nẻ, trơ trụi trải dài ngút tầm nhìn. Trời đứng bóng, cánh đồng 65ha ở buôn Trí A như một chảo lửa, không thấy màu xanh.
Ông Khăm Tây Lào (xã Krông Na) cho hay, 2ha đất của gia đình ông được khai hoang từ nhiều năm trước, những năm đầu cây bắp, cây sắn phát triển rất tốt, cho năng suất cao, nhưng gần đây tình trạng nắng hạn diễn ra thường xuyên, đất dần khô cằn, bạc màu nên gieo trồng cây gì lên cũng không mấy năng suất. 
Ông Khăm Phon Lào, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, cho biết, toàn huyện có 24.000ha diện tích cây trồng, trong đó, có 15.000ha cây trồng hàng năm, cây ngắn ngày, còn lại là cây trồng lâu năm. Trong 15.000ha cây hàng năm và cây ngắn ngày thì có đến 11.000ha cây trồng chỉ canh tác được 1 vụ hè thu vì không có nguồn nước ổn định.
“Cánh đồng 65ha ở buôn Trí A hiện nay đang có nguy cơ bị sa mạc hóa. Vì khí hậu những năm gần đây khắc nghiệt, mùa mưa thường xuyên ngập nước, mùa khô thì thiếu nước nên nhiều diện tích hầu như không canh tác được, phải bỏ hoang. Hiện nay, chúng tôi cũng tham mưu cho UBND huyện có hướng kêu gọi đầu tư kênh thủy lợi dẫn nước về cánh đồng này để phục vụ sản xuất cho bà con ở buôn Trí A”, ông Khăm Phon Lào nói.
Đến làng Tung Ke, xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), cảnh tượng hiện ra trước mắt chúng tôi là cánh đồng bạt ngàn đang bỏ hoang, đất đai nứt nẻ do không có nước.
Chị Đinh Lan, ở làng Tung Ke, cho hay: “Mình có khoảng 3 sào ruộng nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ hè thu vì lúc đó có nước trời, còn vụ đông xuân như bây giờ đành phải bỏ hoang do không có nước tưới. Hiện mình đang cải tạo đám ruộng để chờ đến cuối tháng 5, khi mưa xuống thì mới gieo sạ lúa vụ hè thu”.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Ayun, khu ruộng lúa ở làng Tung Ke nói trên có diện tích khoảng 100ha. Do không có nước nên bà con chỉ sản xuất vào mùa mưa, thời gian còn lại bỏ hoang. Bà con muốn sản xuất lúa vụ 2 để tăng thu nhập nhưng cũng chịu vì không có nước.
Thiệt hại nặng
 Theo thống kê, chỉ tính riêng từ năm 2014 - 2016, tình trạng thiếu hụt nguồn nước đã gây thiệt hại cho toàn tỉnh Ninh Thuận khoảng 6.200ha cây trồng, gần 37.000ha cây trồng khác phải dừng sản xuất. Đợt hạn hán này, những loài gia súc vốn có sức chịu đựng với khô nóng như cừu, dê,… cũng không thể chịu đựng được nên gần 8.400 con gia súc đã chết. Mới đây nhất, trong năm 2020, hạn hán tiếp tục diễn ra khốc liệt khiến hàng trăm hécta diện tích hoa màu bị mất trắng, gia súc tiếp tục chết khát và hơn 16.000ha cây trồng khác buộc phải dừng sản xuất. 
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, hàng năm, toàn tỉnh có hơn 2.000 hộ với gần 10.000 người ở một số thôn, xã thuộc các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân, lượng mưa ngày càng ít, mực nước ngầm ở một số địa phương gần biển tụt sâu, nhưng người dân buộc phải khai thác thường xuyên khiến tình trạng nhiễm mặn ngày càng lan rộng. Trong khi đó, cho đến nay, chỉ có khoảng 35% diện tích đất nông nghiệp (khoảng 26.000ha) trong toàn tỉnh có đủ nguồn nước tưới.  
Tình trạng biến đổi khí hậu, sa mạc hóa mỗi năm gây thiệt hại cho tỉnh Bình Thuận lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, giai đoạn 2014-2015, tổng diện tích bị thiệt hại do hạn hán gây ra ở tỉnh Bình Thuận là hơn 12.100ha, trong đó 2.541ha cây trồng bị thiệt hại nặng và có khoảng 9.561ha thanh long khô héo do thiếu nước tưới. Uớc tính thiệt hại khoảng 380 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 15.423ha lúa đông xuân không bố trí sản xuất làm ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, kinh tế của trên 200.000 hộ gia đình ở các địa phương.
Đợt hạn hán này còn khiến trên 135.000 người bị thiếu nước sinh hoạt. “Trong vòng 5 năm qua, do thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, UBND tỉnh Bình Thuận đã phải hai lần ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 xảy ra trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, thông tin.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, so với mốc thời điểm 10 năm về trước thì diện tích đất có nguy cơ sa mạc hóa trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng. Hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 200-300ha đất thường xuyên thiếu nước sản xuất và có nguy cơ sa mạc hóa. Tình trạng này diễn ra tại khu vực phía Bắc tỉnh như các huyện: Cư Jút, Krông Nô và Đắk Mil.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), loại cây trồng chính ở địa phương là hồ tiêu, cà phê. Những năm qua, do khô hạn, thiếu nước, làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sản lượng các loại cây này sụt giảm. Nặng nhất là năm 2015-2016, ước tính có khoảng 1.000ha cà phê, tiêu bị giảm sản lượng do thiếu nước…Trong khi đó, báo cáo của ngành chức năng cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Chư Sê đã xảy ra hạn hán làm thiệt hại 556ha lúa nước vụ đông xuân thuộc 12 xã, thị trấn.
Theo ông Phan Đình Thịnh, Trưởng Phòng Khoa học - Công nghệ, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, đã hơn 6 tháng qua, địa phương chưa có mưa, nhiệt độ lại đang ở mức cao. Nếu thời gian tới trời tiếp tục không có mưa, tình hình khô hạn có khả năng diễn ra càng khốc liệt hơn.
NGUYỄN TIẾN - ĐÔNG NGUYÊN - HỮU PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.