Tạo đà cho doanh nghiệp dân doanh tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Doanh nghiệp (DN) dân doanh đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã rất quan tâm tạo điều kiện để hỗ trợ loại hình doanh nghiệp này phát triển bền vững.

 

Phát triển nhanh về số lượng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, trong 7 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 450 DN và 225 chi nhánh thành lập mới (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng vốn đăng ký 3.075 tỷ đồng (tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2018). Như vậy, đến cuối tháng 7-2019, trên địa bàn tỉnh có gần 5.400 DN với tổng vốn đăng ký hơn 93.000 tỷ đồng. Đồng thời, trong 7 tháng năm 2019 cũng có 29 hợp tác xã và 1 liên minh hợp tác xã được thành lập mới, qua đó, toàn tỉnh có 227 hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Các DN dân doanh có nhiều cơ hội giới thiệu sp ra thị trường. Ảnh: K.L
Các DN dân doanh có nhiều cơ hội giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Ảnh: K.L

 
So với mục tiêu có 7.000 DN hoạt động vào năm 2020, tỉnh cần phát triển thêm hơn 1.600 DN nữa. Đây là điều hoàn toàn có thể đạt được khi trên địa bàn tỉnh hiện có tới gần 37.000 hộ kinh doanh. Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký DN (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Theo kế hoạch, trong năm 2019, tỉnh phấn đấu có 900 DN đăng ký thành lập mới và 355 đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh), tăng 16,6% so với năm 2018. Để đạt được con số này, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều nhiệm vụ ngay từ đầu năm như: hỗ trợ tín dụng; đào tạo, trợ giúp phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kỹ thuật. Đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sau thành lập như xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch khu-cụm công nghiệp, xây dựng hạ tầng khu-cụm công nghiệp.

Chăm sóc “sức khỏe” doanh nghiệp

Những năm qua, tỉnh ta rất quan tâm tới việc đổi mới cơ chế, tạo môi trường thuận lợi để DN dân doanh phát triển. Trong đó, nhiều hoạt động như hỗ trợ DN dân doanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo về khởi sự DN, quản trị kinh doanh, hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, xúc tiến thương mại... đã được triển khai. Bà Võ Thị Nhược Thủy-Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín-Chi nhánh Gia Lai chia sẻ: “Tôi từng tham gia lớp đào tạo giám đốc điều hành (CEO) DN do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức. Những kiến thức tôi thu được về quản trị nguồn nhân lực, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa doanh nghiệp, vai trò của CEO trong DN... đã giúp tôi rất nhiều trong công tác quản trị kinh doanh chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu trong xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường”.

 Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng năng động và phát triển bền vững. Ảnh: K.L
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng năng động và phát triển bền vững. Ảnh: K.L



Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký Quyết định số 765/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2023 để khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Theo đề án, tỉnh phấn đấu hàng năm có khoảng 48 DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ. Đến năm 2023, có khoảng 240 DN nhỏ và vừa được hỗ trợ, phát triển. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ theo đề án là 6 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách địa phương và 1 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức.

Trước đó, để cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức của DN theo chương trình hành động của Chính phủ, tỉnh ta cũng đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND. Mục tiêu của kế hoạch này là từ nay đến năm 2020 sẽ đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, không ban hành mới các điều kiện kinh doanh ngoài quy định của pháp luật. Đồng thời, đến năm 2020 sẽ giảm một nửa tỷ lệ DN cho rằng phải trả chi phí không chính thức theo kết quả khảo sát PCI của tỉnh so với chỉ số này của năm 2017 (64%); công khai 100% hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang điện tử của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Sở sẽ đưa nội dung thực hiện các nhiệm vụ cắt giảm chi phí cho DN vào việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DCCI) để từ đó các sở, ngành và địa phương nỗ lực hơn nữa trong công tác này, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động”. Được biết, thời gian qua đã có khoảng 150 thủ tục hành chính về lĩnh vực đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư và hỗ trợ ưu đãi đầu tư được tỉnh bãi bỏ. Việc đưa các hoạt động liên quan tới thủ tục hành chính về Bưu điện tỉnh cũng là giải pháp đột phá, quyết liệt tiếp theo trong vấn đề cải cách thể chế kinh doanh, phát triển DN, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN.

Cũng liên quan đến vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, ông Phùng Văn Phước cho biết thêm: “Từ nay đến cuối năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, cắt giảm quy trình xử lý các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm tối đa thời gian đăng ký DN thành lập mới còn dưới 1 ngày, kể cả khắc dấu và đăng ký sử dụng dấu, đăng ký tài khoản. Nếu DN thay đổi nhiều nội dung hoạt động thì giải quyết trong ngày và thay đổi 1 nội dung là nửa ngày chứ không kéo dài 3 ngày như quy định”.

KIM LINH

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.