Tăng sức đề kháng để chống virus Corona

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thông tin bệnh nhân ở Trung Quốc và một số bệnh nhân trẻ tại Việt Nam nhiễm chủng mới virus Corona (nCoV) mới tự khỏi bệnh, được xuất viện có điểm chung là 'sức đề kháng' tốt. Vậy làm sao tăng sức đề kháng?
 
Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp tăng sức đề kháng. Ảnh: Ngọc Dương
Trường hợp gia đình ông L.Z (66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) và người con trai L.Z.C (28 tuổi), 2 trường hợp đầu tiên được phát hiện nhiễm nCoV tại TP.HCM, trong khi người vợ không nhiễm, được tiến sĩ - bác sĩ (TS-BS) Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) lý giải là “do vợ ông L.Z có sức đề kháng, miễn dịch tốt”.
Nhận diện người dễ mắc bệnh
Về trường hợp người con trai L.Z.C (28 tuổi) mắc bệnh 3 ngày đã có kết quả xét nghiệm âm tính (khỏi bệnh), nhưng ông L.Z có quá nhiều bệnh nền (đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý mạch vành đặt 3 stent...), cũng được TS-BS Lưu Ngân Tâm cho rằng do hệ miễn dịch - sức đề kháng thấp.
Từ đó, TS-BS Lưu Ngân Tâm cho biết người có nguy cơ nhiễm virus, vi trùng tập trung phần lớn ở những người bị miễn dịch suy yếu. Nếu so sánh giữa người trẻ và người già thì phần lớn miễn dịch ở người già bị suy giảm. Bên cạnh đó, nhóm người già có hệ miễn dịch“mong manh, dễ vỡ” là những người mắc thêm nhiều bệnh lý; người già có bệnh mạn tính càng nhiều thì hệ miễn dịch càng yếu.
Một số thực phẩm tăng cường sức đề kháng 
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cải bó xôi nằm trong danh sách các loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng bởi loại rau này không chỉ giàu vitamin C mà còn chứa rất nhiều chất chống ô xy hóa và beta carotene. Đây là những chất có tác dụng giúp tăng khả năng chống viêm cho hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bông cải xanh được đánh giá là cũng chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, bao gồm: vitamin A, C, E, chất xơ và các chất chống ô xy hóa khác. Đây là một trong những loại rau tốt cho sức khỏe, có thể đưa vào chế độ ăn mỗi ngày. Trái cây họ cam, quýt như bưởi, cam, chanh... là những nguồn giàu vitamin C. Đây là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bởi giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Ngoài ra, đu đủ là loại trái cây chứa rất nhiều vitamin C và còn là nguồn cung cấp kali, vitamin B và axit folic, là những dưỡng chất có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Một số gia vị như gừng là thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Ngoài ra, gừng giúp giảm viêm, giảm đau, giúp ngăn ngừa, điều trị các bệnh viêm nhiễm khác.

Nam Sơn

Ở người trẻ, trung niên mắc các bệnh phải ghép tạng (sau ghép tạng phải dùng thuốc ức chế miễn dịch - PV) thì cũng có hiện tượng suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, người trẻ nhưng dùng nhiều thuốc corticoid, thuốc kháng viêm, đái tháo đường… cũng bị suy giảm miễn dịch, nên nguy cơ nhiễm vi trùng, virus khá cao.
“Giữa những người tuy trẻ tuổi như nhau nhưng không hẳn ai cũng có miễn dịch tốt. Những người hay bị cúm, viêm họng khi “trái gió, trở trời”, một năm nhiều lần thì người đó có hệ miễn dịch thấp”, TS-BS Tâm nói.
 
 
Đánh giá dinh dưỡng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC
Làm gì để tăng sức đề kháng?
Theo TS-BS Tâm, một người ăn thiếu, hoặc “thừa dinh dưỡng” (nhưng chưa chắc đủ - PV) thì hệ miễn dịch sẽ không tốt. Do vậy cần phải có dinh dưỡng cân đối hằng ngày; ăn đầy đủ các nhóm chất sinh năng lượng và nhóm chất không sinh năng lượng.
Cụ thể, nhóm chất sinh năng lượng, gồm: tinh bột, đường (cơm, phở) và nhóm thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, sữa); nhóm giàu chất béo (dầu, mỡ). Nhóm không sinh năng lượng gồm: các vitamin, muối khoáng, sinh tố (rau, củ quả…).
Đặc biệt, TS-BS Tâm khuyến cáo “ăn đầy đủ nhưng không được quá nhiều đối với bất cứ một nhóm nào; ăn vừa phải và cân đối với cơ thể”.
Thêm 3 bệnh nhân nCoV tại Việt Nam đã khỏi bệnh 
Lễ tiễn 3 người khỏi nhiễm nCoV đã được tổ chức chiều 10.2 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (xã Kim Chung, H.Đông Anh, Hà Nội). Những người ra viện lần này gồm: N.T.D (nữ, 24 tuổi, xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên,Vĩnh Phúc), T.C.P (nam, 30 tuổi, xã Minh Quang, H.Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và V.H.L (nữ, 29 tuổi, xã Gia Khánh, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Đây là 3 công nhân trong đoàn gồm 8 người về từ TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hồi tháng 1.2020. Trước đó, 8 người này được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Vũ Hán trong hơn 2 tháng và về Việt Nam ngày 17.1 trên chuyến bay của Hãng hàng không China Southern Airlines, qua sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Liên Châu

“Với người bị bệnh tiểu đường, bệnh thận thì phải uống thuốc theo đúng chỉ định (liều lượng, thời gian, đúng thuốc…) và cần chế độ dinh dưỡng đúng bệnh lý thì sẽ kiểm soát được các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Nếu không thực hành đúng, đường huyết dao động thì tế bào miễn dịch sẽ bị ức chế”, TS-BS Tâm nói.
Theo TS-BS Tâm, trong giai đoạn mùa cúm này, người dân phải tự tuân thủ phòng bệnh theo các biện pháp của Bộ Y tế, vì ít ai tự biết được mình có hệ miễn dịch tốt hay không tốt. Trong ăn uống thì nhóm rau, củ, quả màu sắc rực rỡ tự nhiên như cam, dâu… là nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C giúp tăng sức đề kháng tốt nhất.
Khẩu phần ăn phải có hàm lượng đạm cao (trừ người suy thận). Ngoài ra, cần phải có nguồn thực phẩm phải an toàn. Người cúm sốt quá cao, nuốt khó thì nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, như cháo, sữa nhưng phải cân đối các chất. Đồng thời có thể uống thêm sinh tố, nước ép trái cây; nếu cần thiết bổ sung chất đạm, sữa, vi chất dinh dưỡng dạng thuốc.
 
Nguồn: Tổng hợp. Đồ họa: Hồng Sơn
Bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cũng cho rằng thực hành chế độ dinh dưỡng phù hợp có vai trò quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, giảm nguy cơ mắc các biến chứng của các bệnh lý nền có sẵn. Đặc biệt cần thiết với các đối tượng có hệ thống miễn dịch yếu, như: trẻ em, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính. Chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng tập trung vào cung cấp đủ năng lượng, đủ chất đạm, đủ chất bột, đường, kiểm soát chất béo, tăng cường vitamin A, vitamin E, vitamin D và vitamin C, tăng cường kẽm, selen và sắt, tăng cường probiotic. Cùng với chích ngừa, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, việc hạn chế bia rượu, vận động thể lực hằng ngày, ngủ đủ giấc là biện pháp phối hợp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Theo BS Diệp, ở người trưởng thành mỗi ngày cần 1.800 - 2.200 Kcalo tùy theo tuổi, theo giới và mức độ hoạt động thể lực. “Thực hành chế độ ăn với thực phẩm giàu dinh dưỡng, cân đối và đủ các nhóm thực phẩm; phân chia số bữa ăn hằng ngày có 3 bữa chính và thêm 1 bữa phụ với người trưởng thành, thêm 2 bữa phụ với người cao tuổi, thêm 2 - 3 bữa phụ với trẻ em tùy theo tuổi, sẽ đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên.
Duy Tính (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.