Tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Theo báo cáo của Sở Y tế về kết quả triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh thì công tác tiêm mũi nhắc lại lần 1 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt tỷ lệ còn thấp. Một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt dẫn đến chưa đạt tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh. Hiện toàn tỉnh còn tồn 20.920 liều vắc xin PfiZer tiêm cho trẻ em hạn sử dụng đến 31-12-2022.

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân. Ảnh nguồn internet
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân. Ảnh nguồn internet



Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, tránh tình trạng phải hủy vắc xin, trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại một số huyện, thị xã đạt thấp; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế và của UBND tỉnh trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh; tăng tốc độ triển khai tiêm mũi nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn.

Ngoài ra, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời vắc xin phòng Covid-19 cho các địa phương; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về lợi ích của vắc xin phòng Covid-19 nhằm tạo đồng thuận trong công tác tiêm chủng cho trẻ em, nhất là tiêm nhắc lại lần 1 cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Rà soát, lập danh sách học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ và phối hợp với cơ quan y tế, các địa phương tổ chức tiêm chủng phù hợp, đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh đến trường. Những trường học có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 thấp thì lãnh đạo ngành Phòng Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Trung tâm Y tế chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND cấp huyện.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với ngành Y tế và các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin để khuyến khích và hướng dẫn người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Đối với Ủy ban nhân dân-Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo huy động đối tượng để ngành y tế triển khai tiêm; tổ chức các đội tuyên truyền vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư. Căn cứ chỉ tiêu tiêm chủng do Sở Y tế giao, có tránh nhiệm triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, sớm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch giao, tránh gây lãng phí hoặc phải hủy vắc xin. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về kết quả tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn phụ trách.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, học sinh và nhân dân tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, nhất là tiêm mũi nhắc lại lần 1 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

 

LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?