Tăng cường công tác thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long tại hội nghị sơ kết công tác tháng 5 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 6-2023. Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Hữu Quế, Dương Mah Tiệp.

Nhiều chỉ tiêu vượt so với cùng kỳ năm ngoái

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, do đó, tỉnh đã cơ bản thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Ở lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng trang trại; 67 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 11 ngàn tỷ đồng. Trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô trên 49 ngàn con bò, gần 202 ngàn con heo.

Trong tháng 5, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt trên 2 ngàn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt trên 12 ngàn tỷ đồng (đạt 38,8% kế hoạch, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng ước đạt hơn 38,5 ngàn tỷ đồng (đạt 35,73% kế hoạch, tăng 25,07% so với cùng kỳ năm ngoái). Cũng trong 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách ước đạt gần 2,5 ngàn tỷ đồng (đạt 46% dự toán Trung ương giao, đạt 42,3% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước); tổng chi ước trên 5,3 ngàn tỷ đồng (bằng 35% dự toán Trung ương giao, đạt 34,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Dung

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Dung

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao trên 4 ngàn tỷ đồng, tính đến ngày 25-5 đã giải ngân hơn 383 tỷ đồng, đạt 9,51% kế hoạch. Các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP tiếp tục được triển khai.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Tính chung 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 390 doanh nghiệp và 27 hợp tác xã thành lập mới; 15 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư; đã tư vấn, hướng dẫn 20 dự án đăng ký bổ sung vào danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2023-2025. Hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc, tổng lượt khách tham quan, du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 545 ngàn lượt, tăng 135%; tổng thu ước đạt 340 tỷ đồng, tăng 142%.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nghề... tiếp tục được quan tâm. Tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, giảm nghèo, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo. Tỉnh đã hoàn thành diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng, việc áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế và một số dự án triển khai chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách trên địa bàn. Để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài chính đề xuất: “Tập trung các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án và đẩy nhanh công tác quy hoạch, đền bù”.

Liên quan đến tiến độ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung cho hay: Hiện còn 8 địa phương chưa hoàn thành kế hoạch. Nguyên nhân do liên quan đến giao thông, thủy lợi và công trình quốc phòng. Sở đang hoàn thiện dự thảo văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sớm hoàn thiện kế hoạch trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Dung

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Dung

Sau khi nghe đại diện các đơn vị trao đổi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế giao Sở Xây dựng làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và nhà máy nước để đảm bảo nước sản xuất cho Khu Công nghiệp Trà Đa; phối hợp kiểm tra, rà soát và tham mưu UBND tỉnh về công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp. Ngoài triển khai tốt công tác đăng kiểm, Sở Giao thông-Vận tải cần rà soát quy trình thực hiện các quy định liên quan đến thủ tục hành chính; phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải) để kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công tuyến quốc lộ 19.

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tập trung kiểm tra, rà soát quy hoạch 3 loại rừng, kế hoạch giao đất, giao rừng và công tác trồng rừng. Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023; tăng cường kiểm tra bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua. Để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động khắc phục tồn tại, hạn chế và khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Đặc biệt, quán triệt nghiêm các chỉ thị, nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.

Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Phương Dung

Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Phương Dung

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đề xuất UBND tỉnh thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8-4-2023; chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), kết quả thực hiện các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Các sở, ngành, địa phương tăng cường theo dõi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm chi, nhất là các khoản chi thường xuyên. Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, sớm đưa vào hoạt động các dự án năng lượng tái tạo, các nhà máy chế biến. Sở Giao thông-Vận tải phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các nội dung đề xuất Dự án cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, mở rộng Cảng Hàng không Pleiku và đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án quốc lộ 19. Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình, chính sách dân tộc; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Có thể bạn quan tâm