Tăng cường cán bộ về cơ sở 20 năm nhìn lại - Kỳ 2: Dấu ấn người trong cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lao vào thực tế khắc nghiệt, 33 cán bộ tăng cường đã dần vượt qua thử thách bước đầu và thích nghi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều người để lại dấu ấn sâu đậm ở nơi họ “3 cùng”, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
“Không đứng trên, không đứng ngoài hệ thống chính trị cơ sở”
Từ quan điểm chỉ đạo nêu trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 33 cán bộ tăng cường về cơ sở tháng 4-2002 đã phát huy thế mạnh về phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là ưu tiên củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-bật ra nhiều chi tiết hay về đợt tăng cường cách đây 20 năm. Là Trưởng phòng Xây dựng chính quyền thuộc Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Sở Nội vụ) trước khi tăng cường về xã Ia Drăng nên ông Mạnh biết rõ mình cần làm gì để xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị tại xã “mới toanh” này. Trong vai trò Bí thư Đảng ủy xã, ông nhanh chóng xây dựng nền nếp, nội quy, quy chế làm việc rõ ràng ngay từ đầu. “Cán bộ xã thường không chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc, họp hành. Ví dụ, theo lịch thì cuộc họp diễn ra lúc 8 giờ nhưng có khi mãi đến 9, 10 giờ mới bắt đầu được. Vì vậy, tôi luôn đến đúng giờ, thậm chí đến trước để làm gương”-ông Mạnh cho hay. Ông cũng trực tiếp xuống các làng tham gia sinh hoạt chi bộ, dự họp thôn, phát động phong trào; tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị nghiêm túc, đầy đủ. Từ đó, hệ thống chính trị cơ sở từ xã xuống làng từng bước ổn định, kiện toàn; đội ngũ cán bộ dần trở lại quy củ, tác phong, lề lối làm việc. Thực tế đó khiến những thành phần chây ỳ cũng buộc phải biến chuyển theo.
Từ đó, ông “Bí thư từ trên trời rơi xuống” dần nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên, cán bộ hưu trí của xã. Phong trào của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… ngày càng sôi nổi, thu hút mọi người tham gia hưởng ứng. Kế thừa cách làm trên, Ia Drăng sau này được huyện Chư Prông chọn làm điểm tổ chức đại hội Đảng bộ mấy nhiệm kỳ liền. 
Ông Nguyễn Hữu Quế (hàng ngồi, thứ 2 từ phải sang) cùng đội văn nghệ xã Ia Dreng tham gia một hội diễn của huyện Chư Sê (ảnh tư liệu).
Ông Nguyễn Hữu Quế (hàng ngồi, thứ 2 từ phải sang) cùng đội văn nghệ xã Ia Dreng tham gia một hội diễn của huyện Chư Sê (ảnh tư liệu).
Tháng 6-2003, ông Nguyễn Phùng Tuất-nguyên Trưởng ban Kinh tế-Xã hội (Hội Nông dân tỉnh) đang là cán bộ tăng cường xã Thăng Hưng thì được bố trí về làm Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr (huyện Chư Prông). Suốt 3 tháng đầu, ông dành toàn bộ thời gian cho việc nắm bắt, tìm hiểu địa bàn rồi bắt tay vào việc củng cố hệ thống chính trị. Đặc biệt, ông Tuất cùng tập thể Ban Thường vụ rất chú trọng việc tạo nguồn cán bộ kế cận khi phân công các thôn, làng rà soát, lập danh sách những trường hợp đã hoàn thành chương trình THCS (đối với đồng bào dân tộc thiểu số) và tốt nghiệp THPT (đối với người Kinh) để đưa đi bồi dưỡng, tạo nguồn. Đồng thời, chú trọng phát triển đoàn viên, hội viên trong các đoàn thể, tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”. Trong khoảng thời gian làm Bí thư Đảng ủy xã, ông còn vận động người dân đóng góp kinh phí làm 2 km đường nhựa theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; tham mưu, đề xuất thành lập thôn Đoàn Kết. 
Với ông Tuất, những ngày “nằm làng” còn gắn với biết bao kỷ niệm khó quên. Ông nhớ lại: Lần đó, trận mưa lớn kéo dài suốt 4 ngày khiến thôn Yên Hưng và làng Phung bị cô lập hoàn toàn với trung tâm xã. Không có phương tiện liên lạc, ông họp bàn và quyết định mượn thuyền của người dân để tiếp tế nhu yếu phẩm. Thời điểm đó, do chưa được trang bị áo phao nên mỗi người ôm theo 1 chiếc can nhựa loại 10 lít. Không ngờ, thuyền mới di chuyển được một đoạn thì đã bị dòng nước chảy xiết làm cho lật úp. May mắn không thiệt hại về người nhưng họ cũng mất 4 giờ đồng hồ mới có thể vượt qua dòng nước hung dữ.
“Hạ nhiệt”... Chư Sê
Là địa bàn “nóng” nhất tỉnh trong đợt biểu tình, gây rối năm 2001 nên huyện Chư Sê được tăng cường khá nhiều cán bộ từ tỉnh. Khác những địa phương nêu trên, Chư Sê không bố trí cán bộ tăng cường làm Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã mà thành lập Tổ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, trong đó Bí thư Đảng ủy xã là Tổ trưởng, cán bộ tăng cường là Tổ phó.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi đó là Trưởng phòng Kế hoạch-Đào tạo Công ty Vận tải hàng hóa Gia Lai thuộc trường hợp đặc biệt trong số này. Không nằm trong diện tăng cường nhưng ông Quế lại xung phong vào xã trọng điểm. Xã Ia Dreng (huyện Chư Sê, nay thuộc huyện Chư Pưh), nơi ông được bố trí về công tác lúc bấy giờ có rất nhiều cái không: không điện, không sóng điện thoại, không chợ. Trụ sở UBND xã chỉ là một khu nhà cấp 4 tuềnh toàng, không hàng rào bao quanh. Ông ghi vào nhật ký ngày đầu xuống xã những dòng đầy tâm tư: “Cùng với anh Pan (khi đó là Trưởng Công an xã-P.V) thăm nhà của một người bỏ đi Campuchia. Không hiểu mùa màng đến rồi, ruộng vườn không ai cuốc làm sao đủ sống? Lại bắt đầu một vòng quay nghèo đói. Ai rủ họ đi? Tại sao bọn chúng thuyết phục được?”.
Ia Dreng là xã mới thành lập, công tác quản lý, điều hành còn yếu nên ông Quế tham dự tất cả các cuộc họp của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các hội đoàn thể của xã để tham gia góp ý, hướng dẫn cụ thể cách thức hoạt động. Người dân nơi đây cũng dần quen với hình ảnh cán bộ Quế cùng chiếc xe máy chở theo lỉnh kỉnh đồ đạc, từ máy đánh chữ, bình ắc quy, bóng điện… cho đến chiếc cặp to kè kè bên mình, bên trong chứa đủ thứ đồ dùng. Mỗi khi xuống làng, vào nhà dân thấy cửa nẻo xộc xệch là ông liền lấy búa, đinh ra sửa giúp. Ban đêm, ông còn tổ chức lớp dạy xóa mù chữ ở làng Tung Chế. Nhận thấy đường qua làng chỉ 3 km nhưng rất dốc, mùa mưa nước tràn qua cầu cống cắt đứt lưu thông, ông Quế tham mưu xã vận động người dân ra cuốc đất làm đường, hạ độ dốc, đắp cống… Điều ông nhận về không gì khác hơn sự quý mến, tin tưởng rất mực của bà con. 
Cán bộ tăng cường xã Ia Dreng cùng người dân địa phương làm đường qua làng Tung Chế (ảnh tư liệu).
Cán bộ tăng cường xã Ia Dreng cùng người dân địa phương làm đường qua làng Tung Chế (ảnh tư liệu).
Cũng trong tháng 4-2002, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, khi ấy là Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học-Công nghệ được điều về tăng cường ở xã Ia Tiêm. Với chuyên môn của mình, ông Hải nhanh chóng xác định được những điều cần triển khai để tham mưu, hỗ trợ xã. Thấy vùng này cây chuối phát triển tốt nhưng bà con chỉ hoàn toàn trông chờ vào tự nhiên, ông đã hướng dẫn chọn lọc giống đầu dòng tốt, hỗ trợ kỹ thuật để giúp bà con tăng thu nhập từ loại cây này. Đặc biệt, ông Hải còn tham mưu cấp ủy khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất trên địa bàn, qua đó đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai dự án chuyển giao khoa học công nghệ “Xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế-xã hội xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) năm 2003-2004 với các mô hình: 8 ha chuối, 20 con bò lai, 13 ha lúa nước, mở 2 lớp đào tạo kỹ thuật viên cơ sở, làm tiền đề cho việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi trên địa bàn. Chừng ấy việc trong thời gian tăng cường đã giúp ông Hải nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm, quý mến của cán bộ và người dân trong xã.
Đề cập đến những việc đã làm được trong 2 năm tăng cường tại xã Bờ Ngoong, ông Phạm Hồng Phong-nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng không khỏi bồi hồi. Ngoài việc chung tay hỗ trợ, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, hướng dẫn và bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước, ông gây ấn tượng sâu đậm khi trực tiếp đứng ra tổ chức các hoạt động thể dục thể thao. Chỉ trong 2 năm, xã tổ chức 4 giải bóng chuyền, 7 giải bóng đá, xây dựng được đội tuyển bóng chuyền dự giải đấu của huyện và may mắn đoạt luôn cúp vô địch. Ông Phong cũng là người vận động trang bị cho xã một số dụng cụ thể dục thể thao, mang lại luồng sinh khí mới cho hoạt động phong trào của các đoàn thể, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Cùng cơ sở “vượt khó”
Tại các xã trọng điểm khác trong tỉnh, tình hình bất ổn sau sự kiện năm 2001 cũng dần lắng xuống nhờ sự có mặt của lực lượng vũ trang và cán bộ về tăng cường. Một trong những người có khá nhiều thuận lợi khi tiếp cận thực tế là ông Nay Kỳ Hiệp-nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch với lợi thế cùng ngôn ngữ, có hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của người Jrai.
Nhằm tạo dựng sự gắn kết, Bí thư Đảng ủy xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) đề xuất phân công mỗi đảng viên kết nghĩa với 1-2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc có người tham gia “Tin lành Đê ga”. Các đảng viên này mỗi tuần 2 lần xuống thăm gia đình kết nghĩa, thi thoảng hỗ trợ gạo, mắm, thịt cá. “Có hôm tôi xuống nhà họ, vừa ăn chung vừa trò chuyện, tự nhiên thành ra gần gũi”-ông Hiệp vui vẻ trò chuyện.
Từ trăn trở về việc giúp bà con nơi đây giảm nghèo, cứ mở ti vi lên là ông lại chăm chú tìm xem các chương trình về nông nghiệp, rồi lại băn khoăn tìm cách đưa lúa từ 1 vụ lên 2 vụ, trồng cây gì, nuôi con gì. Dấu ấn rõ nét nhất mà ông để lại chính là vận động xã đào mương dẫn nước ra cánh đồng 50 ha khiến người dân vô cùng phấn khởi. Sau 2 năm, đời sống của bà con trong xã dần được nâng lên; một số luật tục truyền thống được duy trì hài hòa với quy định của pháp luật. Đến giờ, ông vẫn nhớ mãi lần phân xử vụ ẩu đả phát sinh do trai làng này đi… tán gái làng kia. Nhờ hiểu rõ luật tục, Bí thư Đảng ủy xã đã giúp đôi bên hòa giải bằng cách cúng 1 con heo lớn và làm bữa tiệc chung vui. Từ chỗ tin quý, một số người đã lén bỏ “mật thư” vào túi áo ông để tố cáo những thành phần đang theo “Tin lành Đê ga”.
Cùng với củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ tăng cường còn thổi luồng sinh khí mới vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương (ảnh tư liệu).
Cùng với củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ tăng cường còn thổi luồng sinh khí mới vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương (ảnh tư liệu).
Với ông Nguyễn Thanh Bình-nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khoảng thời gian tăng cường về cơ sở cũng để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhất là cái tên Ma Tâm (bố của Tâm) mà người dân địa phương đặt cho, thể hiện sự thương quý như người con của làng. Nhưng để được như vậy không dễ dàng. Ông chia sẻ bí quyết: Ban ngày làm việc tại trụ sở UBND xã, chiều đến ông lang thang xuống làng chơi bóng chuyền, bóng đá cùng thanh niên; trò chuyện với già làng đến tận khuya mới về ngủ. Trong xã có 2 buôn Ama Uook và Ama Hoét thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở vào mùa mưa. Ông xắn quần lội bộ xuống tận nơi kiểm tra tình hình, vận động và hỗ trợ người dân di dời lên cao. Với những thanh niên đi nghĩa vụ quân sự về, ông tham mưu xã rà soát, nếu có trình độ THCS sẽ tạo điều kiện vào làm việc tại xã rồi cử đi học tiếp. Ông cũng đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ bê tông hóa kênh mương thủy lợi ở cánh đồng buôn Tul, buôn Broăi nhằm đảm bảo tưới tiêu thuận lợi, giúp bà con sản xuất lúa nước 2 vụ; tham mưu đầu tư kinh phí mở rộng tuyến đường dài 1 km từ trung tâm xã xuống 2 buôn Ama Hoét và Jữ. 
Đến giờ, ông Bình vẫn chưa thôi xúc động khi kể lại thời điểm chuẩn bị quay về khi kết thúc đợt tăng cường. Các làng mang ra đến 18 ghè rượu để chia tay. Có những ghè rượu được ủ nhiều năm rồi, quý lắm mà bà con mang ra đãi khách. 
PHƯƠNG DUYÊN - PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.