Tan tác chim muông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều ngày đi tìm hiểu thực tế và được lắng nghe những người bảo vệ chim, yêu chim chia sẻ về thực trạng tồn vong của chim hoang dã, chúng tôi thật sự bàng hoàng.

Theo các nhà nghiên cứu điểu học, Việt Nam có gần 900 loài chim. Trong đó, khoảng 70 loài có tầm quan trọng đặc biệt. Việt Nam là một trong những quốc gia có quần thể chim đa dạng sau các quốc gia Nam Mỹ (Nam Mỹ có hơn 1.000 loài, trong đó Peru có tới 1.500 loài). Nước ta cũng từng là đất lành cho các đàn chim di cư. Trong số đó có rất nhiều loài quý hiếm như: rẽ mỏ thìa, cò mỏ thìa, rẽ lớn ngực đốm, choắt lớn mỏ vàng… Tuy nhiên, không chỉ mỗi năm mà từng ngày, từng giờ những loài chim hoang dã, trong đó có chim di cư ngày càng ít đi một cách đáng báo động.

 

Chim mắc bẫy lưới tại Cần Giờ. Ảnh: Quang Viên
Chim mắc bẫy lưới tại Cần Giờ. Ảnh: Quang Viên


Chim di cư vắng bóng dần

Tôi theo chân những nhiếp ảnh chim hoang dã và các thành viên của tổ chức điều phối dự án Mekong Shorebird của Birdlife đến bãi biển Cần Giờ (TP.HCM) để tham dự sự kiện “Tạm biệt chim di cư 2022”. Sau một ngày thực địa, chụp ảnh, ông Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên bộ môn điểu học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Giám đốc Công ty du lịch Hoang dã (Wildtour), lắc đầu trầm ngâm: “Chim di cư về đây ngày càng ít. Chẳng hạn năm 2011, mỗi loài có 4 đến 5 ngàn cá thể. Nhưng năm nay, số lượng cá thể tổng các loài đã giảm đến 50%. Một số loài giảm đến 90% cá thể”. Anh Thuần Võ, một người chụp được rất nhiều ảnh chim di cư, cho biết khoảng 10 năm trước, rẽ mỏ thìa (loài chim di cư quý hiếm được thế giới bảo vệ đặc biệt) tới mùa di cư thì nó bay về phía nam để trú đông, một trong những bến đỗ chính là Việt Nam. Từ số lượng vài ngàn con của 10 năm trước, thì đến ngày nay rẽ mỏ thìa chỉ còn khoảng 200 cá thể trên toàn thế giới. Còn tại Việt Nam, ghi nhận gần đây nhất chỉ có từ 3 đến 5 con rẽ mỏ thìa về. “Nếu như vài năm nữa không có sự bảo vệ hiệu quả, thì chúng sẽ tuyệt chủng là chuyện có thể thấy được”, anh Thuần tâm tư. Còn nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, người được mệnh danh là “vua” chụp chim hoang dã, thở dài: “Chim mò sò, loài chim bị đe dọa tuyệt chủng, vắng bóng ở Việt Nam rồi”.

Trong một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2019 - 2021, tổ chức bảo vệ chim hoang dã Birdlife đánh giá các bãi triều ở Cần Giờ (TP.HCM), Gò Công (Tiền Giang), Ba Tri và Bình Đại (Bến Tre) là những sinh cảnh đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự tồn vong của các loài chim di cư. Tuy nhiên, những vùng sinh cảnh được coi là đất lành chim đậu nay đã chuyển biến theo chiều xấu đi trông thấy. Điển hình như Cần Giờ, vùng sinh quyển lớn được thế giới thừa nhận, đang mất dần môi trường sống dành cho các loài chim, đặc biệt là chim di cư. Chỉ tay về khu vực rộng lớn đã được san lấp để bán đất làm nhà, ông Nguyễn Hoài Bảo nói: “Trước đây chỗ này là bãi kiếm ăn của nhiều loài chim di cư, nay trở thành hàng loạt nền đất để chuẩn bị xây nhà”.


 

Ảnh chụp tại một cửa hàng bán chim săn bắt được ở Đắk Nông. Ảnh: Quang Viên
Ảnh chụp tại một cửa hàng bán chim săn bắt được ở Đắk Nông. Ảnh: Quang Viên


Thêm thảm họa từ nạn giăng lưới bắt chim di cư. Tôi đã chứng kiến những tấm lưới giăng như thiên la địa võng tại một số khu vực chim di cư kiếm ăn ở Cần Giờ. Những chú chim trời mắc lưới giãy giụa trong tuyệt vọng. Thủ phạm tràn lan nhất, giết chóc khốc liệt nhất, hoành hành trên diện rộng nhất trong việc tận diệt chim trời hiện nay chính là bẫy lưới mờ, lưới “tàng hình”. Anh Tăng A Pẩu cho biết trước kia, các nhà khoa học dùng lưới này để bắt chim, gắn vòng theo dõi, lấy mẫu máu của chim phục vụ nghiên cứu bảo tồn. Lưới đó thường mua từ Cộng hòa Liên bang Đức, có trị giá hàng nghìn USD một chiếc và chỉ những nhà khoa học có “chứng chỉ” giăng lưới, bắt chim trời mới được thực hiện. Khoảng 5 năm nay, trên thị trường Việt Nam du nhập loại lưới tàng hình bắt chim của Trung Quốc với giá siêu rẻ. Vì thế, lưới giăng kín các cánh đồng, tầng cao tầng thấp, quây ba bề bốn bên ở cửa sông cửa biển, đầm phá ao hồ. Chim to sải cánh cả mét rưỡi, hai mét như giang sen, và các loài bé hơn như sâm cầm… đều không thể thoát. Ít thấy các loài chim di cư bị săn bắt để nuôi làm cảnh. Chúng thường trở thành “mồi bén” của dân nhậu. Có cầu, có cung. Vì thế, có nhiều lý do “góp phần” làm cho chim di cư trở nên thưa vắng dần.

 

Chim di cư về VN bị mắc bẫy. Ảnh: Du Mục
Chim di cư về VN bị mắc bẫy. Ảnh: Du Mục


Chim rừng lặng tiếng

Bây giờ, chim hoang dã tìm ở đô thị dễ hơn lên rừng. Anh Tăng A Pẩu từng đến các cánh rừng khắp Việt Nam để chụp chim. Trong những chuyến đi gian khổ, nhọc nhằn mà tìm không ra loài chim từng sinh sống ở đây, “vua chim” này bức xúc nói: “Còn quái gì chim nữa mà chụp. Khắp các cánh rừng người đi bẫy, kẻ đi bắn, tận diệt không còn mống chim. Nạn bắt chim quý hiếm bán giá “hàng độc” có khi lên đến vài chục triệu đồng một con. Điều đó làm giảm thiểu, thậm chí có thể tuyệt chủng các loài chim quý và cả chim đặc hữu Việt Nam. Các loài chim quý đang bị truy lùng ráo riết bán cho những tay chơi dẫn đến tuyệt chủng là điều hiển hiện rất gần. Đã đến lúc phải hoàn chỉnh lại các luật và nghị định để xử phạt nặng hơn nữa việc xâm hại và tổn thương các loài chim”.

 

Chim di cư về Việt Nam. Ảnh: Thuần Võ
Chim di cư về Việt Nam. Ảnh: Thuần Võ


Quả thật, vào rừng tìm chim khó hơn ở chốn đông người, thành thị. Tôi đến TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ngay bên cạnh khách sạn tôi nghỉ là cửa hàng mua bán các loại chim rừng. Sáng uống cà phê ngay tại đây, lân la hỏi nguồn chim này ở đâu, thì được biết các tay thợ săn bẫy được bán lại. Buổi chiều, ông bạn rủ đi lai rai cách đó vài cây số cũng bắt gặp một “rừng chim” hoang dã trong nhà của một người dân. Người này cho biết toàn bộ mấy chục con chim chích chòe lửa, hồng tước… đều mua từ các thợ săn trong vùng. Tuy nhiên, khi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông thì chúng tôi nhận được trả lời: “Từ năm 2021 đến nay trên địa bàn xảy ra 18 vụ liên quan đến động vật hoang dã. Tuy nhiên, tang vật vi phạm không có loài chim. Đồng thời trên địa bàn cũng không có tụ điểm buôn bán chim hoang dã” (?!). Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, một cán bộ kiểm lâm cho biết đa số những kẻ mua bán chim hoang dã, đặc biệt là chim quý hiếm thường hoạt động lén lút nên rất khó kiểm soát.

 

Một loài chim đẹp có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Thuần Võ
Một loài chim đẹp có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Thuần Võ


Còn ở Quảng Nam, trong vai một khách hàng mua chim, chúng tôi đã tiếp cận được một tay mua bán chim hoang dã chuyên nghiệp tại H.Tiên Phước. Anh này cho biết, các loài chim quý hiếm thỉnh thoảng mới mua được. Tuy nhiên, không hiếm những loại chim hoang dã mà nhiều dân chơi chim thích. Chỉ những con chích chòe lửa, anh ta ra nói: “Chim này mua của các thợ săn bẫy ở rừng gần đây hoặc bên Campuchia. Mỗi ngày một người có thể bẫy được 2 - 3 con. Mỗi con có giá từ vài triệu đến chục triệu đồng tùy thuộc vào độ dài của đuôi và tiếng hót...”.

(còn tiếp)

Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.