Tận dụng thời cơ để phục hồi ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, 35 địa phương trong nước có các điểm đến du lịch quan trọng đã đón 6,2 triệu lượt khách. 

 
Trên hồ Xuân Hương-Đà Lạt. Ảnh: Mai Văn Bảo
Trên hồ Xuân Hương-Đà Lạt. Ảnh: Mai Văn Bảo
Những trung tâm du lịch như: Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)... đều thu hút đông khách, có những thời điểm “cháy” phòng. Các cơ sở kinh doanh du lịch khu vực phía nam như tại Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang)... đều hoạt động với công suất cao. Kỳ nghỉ Tết kết thúc, các hoạt động du lịch vẫn tiếp tục sôi động.
Tại Hà Nội - một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, thành phố đã ban hành Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022-2023. Hà Nội mở cửa nhiều dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng... Đây là động lực quan trọng để thúc đẩy phục hồi du lịch cả nước.
Đối với du lịch quốc tế, ngày 8/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với Chính phủ về lộ trình mở cửa mới. Từ nay đến ngày 30/3, tiếp tục triển khai thí điểm đón khách quốc tế tới Việt Nam giai đoạn 2, mở rộng thêm các địa phương đón khách nếu bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch; linh hoạt hơn các quy định y tế; mở rộng thêm các điểm đến du lịch... Từ ngày 31/3, mở hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách từ tất cả các thị trường; khách Việt Nam có thể đi du lịch qua các cửa khẩu quốc tế.
Việt Nam là một trong những nước có độ phủ về vaccine phòng Covid-19 cao trên thế giới. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, để “phủ sóng” vaccine cho tất cả các đối tượng có chỉ định, đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường. Dù những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 vẫn cao, nhưng tỷ lệ ca tăng nặng, tử vong đã giảm sâu. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta hướng tới việc khôi phục kinh tế du lịch. Trên thực tế, sau một thời gian dài bị “dồn nén”, nhu cầu đi du lịch của người dân là rất lớn. Mặt khác, các nước Đông Nam Á đang chạy đua mở cửa du lịch quốc tế. Mới đây, Philippines chính thức mở cửa đón khách du lịch. Nếu chậm mở cửa, du lịch Việt Nam sẽ lỡ thời cơ vàng trong việc khôi phục thị trường du lịch. 
Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra những thách thức. Hiện Việt Nam chưa tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Thời điểm du lịch từng bước mở cửa trùng với thời điểm học sinh nhiều cấp học trở lại trường. Nếu không kiểm soát tốt, số ca bệnh, số ca nặng và tử vong sẽ tăng cao. Do đó, để tận dụng thời cơ, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi kinh tế du lịch, từ điểm đến, cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành... cần thực hiện tốt công tác phòng dịch theo đúng quy định.
Các ngành, các đơn vị liên quan phải quán triệt tinh thần “nới lỏng nhưng không thả lỏng”. Đặc biệt chú ý đến các biện pháp ngăn ngừa, để hạn chế tình trạng “ngoài lây vào, trong lây ra” khi đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch cần bảo đảm chất lượng tốt, để du khách cảm nhận được sự an toàn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chỉ như vậy, chúng ta mới là điểm đến an toàn, tạo cơ sở vững chắc để khôi phục kinh tế du lịch.
GIANG NAM (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.