Tận dụng '90 ngày vàng', doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tận dụng thời gian Mỹ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày, nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn này.

Chia sẻ với PV Báo điện tử VTC News, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết ngay sau khi Mỹ công bố tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với các nước từ ngày 9/4, nhiều doanh nghiệp đã lập tức lên kế hoạch tận dụng "cơ hội vàng" này để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex (TP.HCM) - thông tin, doanh nghiệp của ông đã họp ngay hôm đó để triển khai thu mua nguyên liệu, phục vụ tăng cường sản xuất.

“Để gấp rút hoàn thành đơn hàng, từ thời điểm đó đến nay, nhà máy luôn vận hành hết công suất, trên tinh thần "làm ngày, làm đêm" để đáp ứng các đơn hàng đã ký và những hợp đồng được nối lại sau khi bị trì hoãn giao hàng trong thời gian Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng.

Chúng tôi xác định trước mắt sẽ tập trung giải quyết nhanh gọn các hợp đồng này. Nếu có thêm hợp đồng mới thì cũng sẽ phải bảo đảm tiến độ giao hàng sớm trong giai đoạn 90 ngày. Sau đó là tiếp tục chờ những quyết định cuối cùng”, ông Kịch nói.

dndd.png
Các doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ (ảnh minh họa).

Tương tự, trong thời gian này, bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cũng cho biết các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nói chung đã có kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy vậy, bà Hằng khuyến nghị doanh nghiệp không được quên tính đến phương án chuyển hướng và đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua các hiệp định thương mại tự do…để giảm phụ thuộc lớn vào một thị trường.

Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến Vũ Đức Giang cũng chia sẻ, 90 ngày Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng là thời gian doanh nghiệp này đẩy tiến độ sản xuất, hoàn tất đơn hàng đã ký trong quý II và giao hàng đến đối tác.

“Tuy vậy, chúng tôi vẫn chủ động xây dựng giải pháp ứng phó với mọi tình huống, tập trung vào việc đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ, ngoài ra là tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất...”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng nhấn mạnh, trong năm 2025, trước các rủi ro về thuế quan, HĐQT doanh nghiệp vẫn định hướng không thay đổi mục tiêu kinh doanh, theo đó tiếp tục thúc đẩy sự ứng phó linh hoạt, bên cạnh đó là triển khai khánh thành chi nhánh và trung tâm kho ở Hà Nội.

“Chuyện gì diễn ra sau này chúng ta không thể đoán trước được nhưng thời điểm này, tôi cho rằng doanh nghiệp đang đứng trước một khoảng lặng quý giá. Đây không chỉ là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mà còn là cơ hội để khẳng định năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Để nắm bắt cơ hội này, điều kiện tiên quyết không phải là giá lao động rẻ mà là khả năng tư duy chiến lược, quản trị rủi ro và nâng cấp vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.Vì thế, tại thời điểm này, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh ký kết các hợp đồng với các đối tác truyền thống, đồng thời tiếp tục tìm kiếm đối tác mới để mở rộng các đơn hàng từ này đến hết tháng 6”, ông Giang nhấn mạnh.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phẩn dệt may Thành Công (TP.HCM) chia sẻ, trước đó việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã khiến nhiều đối tác yêu cầu hủy đơn hàng. Tuy nhiên, sau khi Mỹ công bố tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, các yêu cầu này đã được rút lại, phản ánh tâm lý tích cực hơn từ phía các đối tác.

"Do đó, kỳ vọng trong 90 ngày tới sẽ xuất hiện hiện tượng “dồn đơn hàng”, khi các đơn ban đầu dự kiến giao vào tháng 8 được đẩy sớm lên tháng 6”, vị lãnh đạo dệt may Thành Công nói.

Về tác động của thuế Mỹ lên ngành dệt may Việt Nam và Thành Công, vị này cho rằng Mỹ sẽ ngày càng siết chặt yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. "Chúng tôi tin rằng Thành Công đang có lợi thế nhờ chuỗi cung ứng khép kín - chỉ nhập bông thô (chủ yếu từ Mỹ và Tây Phi), còn lại toàn bộ quy trình sản xuất đều được công ty thực hiện.

Điều này giúp Thành Công tránh được rủi ro về truy xuất nguồn gốc hàng hóa và duy trì điều kiện thuế thuận lợi. Chúng tôi cũng kỳ vọng nhu cầu nội địa đối với sợi và vải sẽ gia tăng, khi các doanh nghiệp trong nước có xu hướng chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa nhằm đáp ứng các quy định mới từ các FTA và thị trường xuất khẩu”, vị này nói.

Theo PHẠM DUY (vtcnews.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bất thường cổ phiếu LDG

Bất thường cổ phiếu LDG

Dù đang có tổng nợ vay lên tới 893 tỷ đồng, ghi nhận lỗ luỹ kế hơn 1.375 tỷ đồng và từng bị nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục nhưng cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư LDG vẫn tăng trần 5 phiên liên tiếp, từ 2.500 đồng lên 3.470 đồng/cổ phiếu.

Sáng tạo bắt đầu từ mỗi chi tiết máy

Sáng tạo bắt đầu từ mỗi chi tiết máy

(GLO)- Giữa công xưởng sản xuất Công ty TNHH Mountech-Chi nhánh Bình Định (hoạt động trên lĩnh vực may mặc ở phường Bình Định, tỉnh Gia Lai), những công nhân kỹ thuật như anh Võ Sỹ Hậu và anh Lê Xuân Cảnh đã lặng lẽ cống hiến bằng những sáng kiến nhỏ mà hiệu quả lớn.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Doanh nghiệp kỳ vọng cuộc 'cách mạng hành chính'

Doanh nghiệp kỳ vọng cuộc 'cách mạng hành chính'

Chỉ còn 2 tuần nữa, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức vận hành trên cả nước. Một cuộc "cách mạng" tái cấu trúc toàn diện từ không gian địa lý đến bộ máy, con người... đang thổi một làn gió mới đầy hào hứng tới cộng đồng doanh nghiệp.

null