Ngày 23.12, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam), cho biết buổi tọa đàm tham vấn về công tác tu bổ chùa Cầu do UBND TP.Hội An vừa tổ chức đã đi đến quyết định tạm dừng tu bổ phần sàn của di tích chùa Cầu (lối đi qua cầu của chùa Cầu) do có nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, biểu tượng đặc trưng của di sản văn hóa thế giới Hội An, trải qua 4 thế kỷ và đã qua 7 lần sửa chữa lớn nhỏ.
Chưa thể xác định sàn chùa Cầu cong hay thẳng
Theo ông Ngọc, tại buổi tham vấn tổ chức hôm qua 23.12, các phương án tu bổ chùa Cầu theo các thời kỳ đều được đưa ra để phân tích. "Việc trùng tu dự án chùa Cầu thì vẫn triển khai bình thường. Riêng về phần sàn cầu do có nhiều ý kiến, nhiều luồng thông tin nên chưa thể thống nhất để chốt phương án tu bổ ra sao", ông Ngọc nói.
Chùa Cầu trước khi được hạ giải để trùng tu |
Ông Ngọc cho biết sàn chùa Cầu là cong hay thẳng vẫn chưa thể xác định được và đang có nhiều tranh cãi. Trong các phương án đưa ra, chưa có phương án nào có chứng cứ xác thực nên buộc phải tạm dừng để "đào bới" tư liệu, lấy ý kiến nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tu bổ.
Cũng theo ông Ngọc, báo cáo trùng tu năm 1986 nhận định sàn cầu được hạ bằng vào thời Pháp để phục vụ giao thông, tuy nhiên báo cáo chưa phân tích cơ sở khoa học và không tìm thấy các tài liệu liên quan. Kết quả điều tra, nghiên cứu các tư liệu lịch sử cũng cho thấy không có cơ sở xác định sàn cầu thời điểm đó là "cong hay thẳng".
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng từ năm 1915 đến năm 1986, sàn chùa Cầu thẳng, nhưng sau cuộc tu bổ từ năm 1986 thì sàn chùa Cầu lại có hình dáng cong.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích danh thắng tỉnh Quảng Nam, cho rằng nếu hồ sơ trùng tu năm 1986 không rõ ràng, thì sao phải bám theo đó để trùng tu sàn cầu cong?
Theo ông Hỷ, ngoại trừ việc tu bổ nâng từ sàn bằng thành sàn cong vào lần tu bổ năm 1986, không ghi nhận thông tin nào (bao gồm cả tư liệu ghi chép và hình ảnh) về việc thay đổi cốt sàn qua các lần tu bổ, sửa chữa trước đó. Ngoài ra, hồ sơ thiết kế và báo cáo kết quả trùng tu năm 1986 cũng không thể hiện rõ lý do, mục đích của việc nâng sàn cầu.
Chùa Cầu được hạ giải để trùng tu |
Vì vậy, ông Hỷ cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lại hồ sơ, hiện trạng, quá trình trùng tu nên chọn phương án nào có thể làm giá trị di tích được tỏa sáng nhất, đảm bảo chùa Cầu đáp ứng được 3 chức năng (đi lại, tín ngưỡng, thư giãn vãn cảnh) để tiệm cận với bản gốc.
Ngoài ra, bia trùng tu Lai Viễn kiều (chùa Cầu) lập năm 1817 mô tả "…cầu có mái, dưới lát ván bình thản như đi trên đất bằng", không có cơ sở để xác định sàn cầu thời điểm đó cong hay thẳng, nhưng nếu sàn cong thì có thể độ cong không lớn, không gây trở ngại lớn cho việc lưu thông qua cầu.
Ông Hỷ chia sẻ thêm, nếu chọn phương án phục hồi như hiện trạng hay phương án trung dung (chỉ giảm độ cao của sàn thấp hơn một chút, khoảng 25 cm) thì lại không đủ để nói cái hay, cái đẹp của thiết kế trước năm 1986, nếu không muốn nói là tu bổ tùy tiện, không khoa học và chẳng làm tăng sự nghiêm trang cho phần chùa ở trên cầu.
Hồ sơ lưu quá ít, yếu tố gốc bị thay đổi
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hiện nay không có căn cứ nào để khẳng định lòng chùa Cầu cong hay thẳng, nhưng lại triển khai trùng tu trước khi hạ giải là chưa đảm bảo cơ sở khoa học. Nguyên tắc quan trọng, lớn nhất của việc trùng tu là làm sao phải tiệm cận đến "phiên bản gốc".
Ông Trần Bá Tú, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho hay hồ sơ trùng tu một công trình đặc biệt nhạy cảm như chùa Cầu thì cần hết sức thận trọng, nếu lập luận mà mang tính phỏng đoán thì phải tạm dừng lại.
Ông Tú nhận định, các lập luận bảo vệ phương án làm lòng cầu cong của đơn vị chủ trì dự án là không đủ cơ sở về khoa học, yếu tố nguyên gốc… và hơi khiên cưỡng.
Di tích được tu bổ ở dạng "giải phẫu mở", không đóng kín, trong quá trình tu bổ du khách vẫn tham quan được chùa Cầu |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay chùa Cầu di tích quốc gia đặc biệt nên việc trùng tu thời gian qua hết sức thận trọng. Việc chưa có đủ tư liệu để xác định sàn cầu trước đây cong hay phẳng thì cần thiết phải tổ chức các hội nghị tham vấn.
Theo ông Sơn, qua các thời kỳ trùng tu, mố đá chùa Cầu không bao giờ thay đổi. Vì vậy, cần nghiên cứu phương án gạt phần đắp thêm trên mố đá này mà trong quá trình trùng tu từ năm 1986 đã thực hiện, từ đó kết nối dầm theo cốt của các trụ đá thì sẽ ra sàn.
Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, điều gây tranh cãi hiện nay là mặt cầu "cong hay thẳng" và những kiến trúc liên quan đến mặt cầu (như dầm, dàn…) nên buộc phải tạm thời cho dừng tu bổ để nghiên cứu kỹ.
Sàn chùa Cầu đã được hạ giải |
"Để việc trùng tu thuận lợi, trước mắt thành phố sẽ cho tạm dừng trùng tu lòng cầu theo phương án được duyệt để khảo sát thật kỹ mố trụ, dầm, đà… nhằm đánh giá cẩn trọng, đảm bảo tính chân xác nhất. Riêng các công việc và các hạng mục khác không gây tranh cãi, đảm bảo hồ sơ thì vẫn triển khai làm. Cố gắng làm sao để xong trong quý 1 năm 2024. Phải xong hết các vấn đề tranh cãi để thống nhất phương án, quan điểm trùng tu", ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cũng cho hay, chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu, do đó các yếu tố gốc đã bị thay đổi rất nhiều, trong khi hồ sơ lưu lại quá ít. Vì vậy, song song với việc triển khai tu bổ là phải xây dựng hồ sơ khoa học cho di tích; mục đích để lại cho hậu thế là bản thân di tích đã được tu bổ và hồ sơ về quá trình tu bổ, can thiệp vào nó để các lần trùng tu tiếp theo dễ dàng hơn.
Dự án tu bổ chùa Cầu có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng, thời gian thi công 360 ngày. Dự án khởi công từ ngày 28.12.2022, đến nay đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích, hạ giải hệ mái ngói âm dương, hạ giải hệ khung gỗ. Đồng thời, đã gia cố hệ móng, mố, trụ, tu bổ hệ đà sàn, khung và mái; gia cố hệ móng, mố, trụ (phần còn lại); các hạng mục phụ trợ, tôn tạo cảnh quan...
Quá trình khảo sát, đào thám sát, khảo cổ dự án tu bổ di tích chùa Cầu đã ghi nhận nhiều phát hiện có giá trị. Trong đó, phát hiện nhiều vỏ hến tại vị trí hố đào phần sau chùa và miếu Ngũ Hành; nhiều đá tại các vị trí giữa móng cầu và đường kiệt; có một khối lớn vữa vôi, đất sét, gạch xây tại đầu cầu phía đường Trần Phú.
Tại phần móng còn phát hiện 3 viên đá nghi là những viên đá chọn để đặt đầu tiên trong lễ trí thạch (làm phép) của người Hoa khi xây dựng phần chùa trên cầu…