Sức sống Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với ý nghĩa “mang ra tình cảm, nhận về niềm tin”, tất cả vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những chuyến công tác ra Trường Sa bao giờ cũng chứa đựng những trải nghiệm đặc biệt, những cung bậc tình cảm mạnh mẽ mà chỉ có ai trực tiếp đến với Trường Sa mới hiểu rõ...

 Giao lưu văn nghệ trên đảo An Bang
Giao lưu văn nghệ trên đảo An Bang


Rau vẫn xanh và hoa vẫn nở

Trong suốt hải trình hơn 1.000 hải lý từ đất liền ra thăm, động viên quân và dân tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, những giai điệu bài hát về Trường Sa cứ vang lên giữa biển khơi xanh thẳm. “Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”. 5 giờ sáng, Tàu KN-491 thổi 3 hồi còi lớn chào cảng Cam Ranh, rẽ sóng ra khơi, bắt đầu hải trình đặc biệt đến với Trường Sa.

Sau 1 ngày, 2 đêm vượt trùng khơi, đoàn công tác chúng tôi đã đặt chân tới khu vực Đảo Đá Lớn B - điểm đến đầu tiên của hải trình. Trong số 200 đại biểu đến với Trường Sa lần này, tuyệt đại đa số là người lần đầu đến Trường Sa. Vì vậy, dù phải trải qua quãng thời gian 36 giờ lênh đênh trên biển khơi, nhiều người chống chọi với cơn say sóng vô cùng khó chịu, nhưng khi trước mắt hiện ra đảo Đá Lớn B với hình ảnh đầu tiên là cột mốc chủ quyền, quốc kỳ bay phấp phới và hình ảnh người chiến sĩ hải quân bồng súng đứng gác thì tất cả chúng tôi đều vô cùng xúc động.

Hình ảnh hòn đảo thân thương hiên ngang, sừng sững giữa biển trời mà bao lâu nay chúng tôi chỉ nhìn thấy qua truyền hình, sách báo đã hiện diện trước mắt. Đảo chìm, đảo Đá Lớn B chỉ là vài khối nhà nhỏ được xây dựng trên nền đá san hô ngập nước, không sân, không vườn, không cả cây xanh, nhưng ở đó có màu áo trắng của hải quân, có những gương mặt rám nắng của anh em chiến sĩ Trường Sa... mỗi chúng tôi đều thấy mình đã gặp tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc.

Sau đảo Đá Lớn B, chúng tôi đã đặt chân lên 9 điểm đảo khác, trong đó có những đảo nổi xanh ngát màu xanh của cây như Sinh Tồn Đông, An Bang, Trường Sa Đông, Trường Sa… hay những đảo chìm đang còn bé nhỏ giữa đại dương như Tốc Tan C, Thuyền Chài... Ở bất cứ đâu, chúng tôi cũng thấy rõ sức sống bất diệt. Trên tất cả các đảo, dù không gian rộng rãi hay chật hẹp, các cán bộ chiến sĩ vẫn tăng gia sản xuất trồng rau, nuôi heo gà. Từng thùng đất nhỏ từ đất liền chuyển ra được nâng niu; từng ca nước ngọt được chiến sĩ sử dụng tiết kiệm để “rau vẫn xanh và hoa vẫn nở” giữa muôn trùng sóng nước. Hệ thống điện trên các đảo cũng đã đáp ứng đủ cho sinh hoạt và hoạt động tác chiến nhờ khai thác tối đa các nguồn năng lượng sạch như turbine gió và tấm pin mặt trời.

Tại đảo An Bang, một đảo nổi có diện tích khá rộng, màu xanh của cây bàng vuông phủ khắp, tạo nên sức sống tươi trẻ cho hòn đảo xinh đẹp này. Những vườn rau được chăm sóc tươi tốt, xanh mơn mởn. Hơn 6 tấn rau xanh, 1,2 tấn thịt heo, gà, hơn 1 tấn cá là con số mà đảo An Bang đạt được trong năm 2018. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, diện tích nuôi trồng nhỏ mà các cán bộ, chiến sĩ đạt được kết quả này, theo ông Nguyễn Khắc Hà (Ban Thi đua khen thưởng Trung ương) - một thành viên trong đoàn công tác số 9 của chúng tôi - thì một số vùng trong đất liền còn phải học tập.

Trường Sa ngày càng vững mạnh

Đảo Trường Sa là đảo cuối cùng của mọi chuyến công tác ra Trường Sa - nơi được xem là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa. Những năm gần đây, đảo Trường Sa - thị trấn Trường Sa của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ngày càng được đầu tư mạnh mẽ hơn về hạ tầng. Trường Sa cũng là 1 trong 3 đảo có cư dân sinh sống hiện nay. Chị Lê Thị Tùng (Tòa án tỉnh Đắk Lắk) nói, chị vô cùng xúc động khi thấy cuộc sống trên đảo Trường Sa đầm ấm, tươi vui như ở bất cứ đâu trên đất liền. “Thương lắm, yêu lắm và cũng tự hào lắm khi thấy Trường Sa vững mạnh như thế này”, chị Tùng chia sẻ.

Có mặt trong chuyến công tác, Thượng tá Lương Quốc Anh - Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cho biết, sau 11 năm công tác ở các đảo của Trường Sa, về lại bờ công tác, anh thường xuyên tham gia các đoàn ra Trường Sa, vì vậy mà có cơ hội để thăm lại cả 4 đảo, nơi anh đã từng công tác. “So với những năm tôi ở đây, đảo Trường Sa ngày càng được Đảng, Nhà nước đầu tư mạnh mẽ. Cùng với đó là sự quan tâm, chung sức chung lòng, sự chia sẻ cả về vật chất và tinh thần của nhân dân trong và ngoài nước, các cơ quan, đơn vị, ban ngành nên các đảo đều đã mang một diện mạo mới”, Thượng tá Lương Quốc Anh nói.

Đặc biệt, hiện nay sóng điện thoại đã được phủ hết các đảo, giúp cho khoảng cách đảo xa - đất liền được nối lại gần hơn, làm cho tinh thần cán bộ, chiến sĩ trên đảo vững vàng hơn rất nhiều. Với những đảo đã có cư dân sinh sống, có chính quyền, trường học, có chùa, đó là một điểm tựa vững chắc cho mỗi người lính đảo. “Trên đảo Trường Sa, mỗi buổi sáng ra nghe tiếng chùa giữa biển trời mênh mông, lính đảo chúng tôi cảm thấy vững tâm hơn rất nhiều”, Thượng tá Quốc Anh chia sẻ.

Theo nhận xét của Thượng tá Quốc Anh, điều kiện của anh em lính đảo hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với trước kia, nhưng vẫn còn nhiều thiếu thốn. Để xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng lớn mạnh, ngoài đầu tư của Đảng, Nhà nước, quốc phòng, cần sự chung tay góp sức của mọi người, dù là đóng góp về vật chất hay tinh thần thì đều quý giá. Nó thể hiện lòng yêu nước sâu sắc của người Việt Nam chúng ta. Mỗi chúng ta đều mong muốn các đảo ngày càng được xây dựng khang trang, hiện đại hơn.

Được đến Trường Sa, chúng tôi đều đã hiểu hơn rất nhiều về vai trò, vị trí của biển đảo, thềm lục địa - lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi người như càng thấy yêu hơn quê hương đất nước, tự hào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng và cảm nhận được cần sống thế nào để có trách nhiệm hơn, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và vững mạnh, để Trường Sa thân yêu mãi bình yên. Đồng chí Nguyễn Hồng Tiến, Chính trị viên đảo An Bang cho biết, mỗi lần có khách từ đất liền ra thăm, anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều rất xúc động trước hơi ấm, phần quà ý nghĩa, thiết thực từ đất liền mà đoàn công tác mang đến. Càng cảm nhận được tình cảm thắm thiết của đất liền anh em càng quyết tâm giữ chắc tay súng, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo quê hương.

Chia tay Trường Sa, lời thề của các chiến sĩ hải quân cứ văng vẳng bên tai: “Trường Sa vì Tổ quốc”. Những tiếng hô vang của các đại biểu trên tàu “Tất cả vì Trường sa thân yêu” cùng tiếng hát đứt quãng vì nghẹn ngào, lưu luyến của người đi, người ở lại... đã làm tăng thêm nhớ nhung.

PHAN THẢO (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.