Sự thật sau những tác phẩm để đời-Kỳ 4: Núi Đôi-sự thật đẹp như huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chuyện tình lãng mạn và bi tráng có thật của cô du kích và anh bộ đội trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao đã làm lay động hàng triệu trái tim. Khi người lính trở về, cô gái đã hi sinh và hóa thành bất tử trong những dòng thơ bi tráng Núi Đôi...
 
Phần mộ liệt sĩ Bắc giữa vạt cỏ xanh bình yên - Ảnh: VŨ TUẤN
Chiều muộn, những cơn gió dịu và nắng thu rải vàng trên đồng cỏ. Cánh cổng nghĩa trang liệt sĩ Sóc Sơn (Hà Nội) không lúc nào đóng cửa. Đám trẻ hay vào đây đạp xe, nhảy dây, chơi chuyền...
Phần mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Bắc êm đềm bên đồng đội, bên những vạt cỏ tranh đang dạt dào như sóng dưới làn gió thu.
Phần mộ chị Bắc cũng là ngôi mộ hiếm hoi trong nghĩa trang có ảnh chân dung trên bia. Nhìn chị vẫn như thủa đôi mươi "trẻ nhất làng" với khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt dịu hiền và mái tóc dày.
Ông Trần Văn Nhuận, em trai liệt sĩ Bắc, cắm những bông cúc vàng lên mộ, rồi đặt lại chiếc gương cho ngay ngắn. "Ngày xưa, tóc chị tôi đen dài lắm! Bố mẹ tôi từng bảo chị là người con gái đẹp nhất thôn Đoài".
Chuyện tình đẹp
Làng Xuân Đoài trước kia là thôn Đoài (thôn phía tây) của làng Xuân Dục. Sau này làng tách ra, người trong vùng quen gọi là thôn Xuân Đoài. Liệt sĩ Bắc chính là người con gái trong bài thơ Núi Đôi đã đi vào lòng người của tác giả Vũ Cao.
Lời thơ kể về một chuyện tình yêu lãng mạn và bi tráng của cô du kích và anh bộ đội Trịnh Khanh cùng quê.
Năm 1956, ông Vũ Cao có thời gian công tác ở sư đoàn 312, đóng quân tại huyện Sóc Sơn, bên cạnh núi Đôi. Tình cờ, ông được nghe người dân trong vùng kể về chuyện tình xúc động của cô du kích yêu người chiến sĩ, nhưng khi quê hương không còn bóng giặc, anh lính trở về thì người yêu của mình đã hi sinh rồi.
Ông Nhuận tâm sự thủa ấy làng Xuân Dục giáp ranh giữa vùng bị giặc chiếm và vùng tự do. Làng Xuân Đoài nằm bên trái con đường qua núi Đôi bị chính quyền thực dân lập "vùng trắng", bắt dân dỡ nhà, dọn về làng Lương Châu gần đó.
Giặc Pháp cũng xây hàng loạt lô cốt ở núi Đôi để kiểm soát cả đường sắt lẫn đường bộ. Liệt sĩ Bắc là chị cả trong gia đình có năm anh chị em mà ông Nhuận là con trai thứ ba. Ngày bé, bố mẹ gọi ông là Bắc để giấu tên chị hoạt động kháng chiến.
"Bố tôi bị giặc bắt lên đồn trên đỉnh núi Đôi. Chúng tra tấn, bố tôi chỉ khai con gái cả là "Gái", còn tôi là Bắc. Giặc nghi ngờ chị tôi theo cách mạng từ lâu rồi nhưng không đủ chứng cứ".
Sự thật, liệt sĩ Bắc đi kháng chiến, được cử học lớp y tá ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) rồi quen anh bộ đội Trịnh Khanh cùng quê. Tình yêu bùng cháy, họ ước hẹn sau khi chiến thắng trận Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội) sẽ cưới nhau.
Gia đình ông Nhuận sau này mới biết trước trận đánh đó, chính trị viên đại đội Trần Quốc Tuấn đã viết thư tay thay cho công văn đồng ý để anh Khanh về làm đám cưới với chị Bắc. Trong trận đánh chống địch càn quét ở Bắc Hồng, người chính trị viên này đã hi sinh.
 
Liệt sĩ Nguyễn Thị Bắc là cô gái đẹp nhất làng - Ảnh VŨ TUẤN chụp lại
Giường cưới là ổ rơm
"Ngày cưới chị, bố tôi đi dân công mở đường ở Tây Bắc. Mẹ cho tôi vào thúng, gánh lên vùng tự do để dự cưới chị. Tôi nhớ "phòng hạnh phúc" của chị với anh Khanh không có giường mà chỉ là một ổ rơm. Cưới xong được hai hôm thì tôi theo mẹ và chị về quê, còn anh Khanh chuyển căn cứ" - ông rưng rưng nhớ lại.
Chị Bắc về quê được giao nhiệm vụ làm quân bưu và địch vận. Cô du kích có mái tóc dài đen bóng từng vận động được hai đồn trưởng mang cả súng về phe kháng chiến. Giặc nghi ngờ nhưng không đủ bằng chứng.
Đêm 21-3-1954, chị Bắc được giao nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ ra vùng tự do để chuẩn bị trận đánh lớn. Qua núi Đôi, đến ngòi Đầm Sen thì họ gặp phục kích. Giặc bắt được chị Bắc. Vừa hô to, chị vừa chống trả để đồng đội phía sau kịp lánh. Giặc bắn một tràng tiểu liên vào ngực chị...
Đêm bi thương ấy, đồng đội đưa chị lên chôn dưới chân gò Cầu Cồn mà nay thuộc xã Minh Tân, Sóc Sơn. Sau này, chính những đồng đội ấy cũng trở thành anh em một nhà với liệt sĩ Bắc.
Ông Nguyễn Văn Hội về sau là bố vợ ông Nhuận. Những người cùng đi có cả cậu, chú, em họ của bà Nguyễn Thị Kim Hòe - vợ ông Nhuận.
Đến giờ, bà Hoè vẫn còn nhớ như in buổi sáng sau đêm chị Bắc hi sinh: "Quân Pháp bắt hết dân làng Lương Châu ra điểm danh. Nhiều người bị chúng bắt giải lên đồn. Dân làng thương chị Bắc lắm nhưng không ai dám khóc, cũng không khai gì về chị và đồng đội".
Hòa bình lập lại, anh Trịnh Khanh mới về được quê nhà. Bà Hòe nhớ người lính ấy không về nhà mà lên ngay gò Cầu Cồn để viếng mộ vợ.
Ở chiến trường, anh Khanh đã nhận được hai bức thư. Một bức thư của vợ kèm theo một chiếc đồng hồ và một chiếc khăn len kỷ vật. Một bức thư khác là của gia đình báo tin vợ anh đã hi sinh!
Tình yêu của người chiến sĩ với cô du kích nảy nở đúng thời gian chiến tranh khốc liệt. Sau các chiến dịch chống càn, mở rộng vùng địch hậu lại đến chiến dịch Biên giới rồi Điện Biên Phủ. Người lính vệ quốc nén nỗi đau của mình vào nòng súng. Anh đi hết chiến trường này đến chiến trường khác.
Hòa bình lập lại, anh trở về quê hương thì người yêu đã mãi mãi hòa xác thân vào lòng đất quê hương.
Sau 20 năm kể từ khi bài thơ Núi Đôi được viết, tác giả Vũ Cao mới gặp người chiến sĩ trong chuyện thơ của mình. Ông từng bộc bạch không hiểu sao lại có sự đồng cảm với người lính Trịnh Khanh đến vậy.
"Anh ngước nhìn lên hai dốc núi,
Hàng thông bờ có con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói.
Núi vẫn đôi mà anh mất em!".
Ông Nhuận run run chòm râu bạc: "Anh Khanh là anh rể cả của gia đình nhưng cũng là anh trai tôi. Hòa bình lập lại, chính mẹ tôi là người đã mai mối và hỏi vợ cho anh Khanh".
Từ con rể, anh Khanh trở thành anh cả trong gia đình người vợ đã mất. Mọi người tin rằng đó cũng là ước nguyện của hương hồn chị Bắc, chị vẫn mong anh thanh thản tâm hồn và gắn bó với gia đình mình...
Hàn Mặc Tử qua đời để lại bài thơ bất hủ Đây thôn Vĩ Dạ làm người đời sau phải đắm mê và đặt bao câu hỏi, đặc biệt là chuyện tình thi nhân và cô gái Huế. Sự thật thế nào?
"Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi…".
(Trích đoạn bài thơ Núi Đôi)
Tác giả Vũ Cao (1922 - 2007) tên thật là Vũ Hữu Chỉnh. Độc giả biết đến ông là một tác giả với nhiều tác phẩm văn xuôi. Trước khi sáng tác bài thơ này, ông dự định viết truyện ngắn. Nhưng khi nghe chuyện thật, cảm xúc ông dâng trào thành thơ.
Khi sáng tác, ông chưa từng gặp người lính trong câu chuyện, cũng không biết cô du kích ở núi Đôi đã kết hôn với người lính. Đám cưới của họ diễn ra ở vùng tự do, gia đình lại phải giấu kín vì chiến tranh.

Gần 20 năm sau, ông gặp người lính Trịnh Khanh trong một buổi hội thảo. Thế nhưng tâm trạng của nhân vật thật và tâm trạng tác giả trong bài thơ đồng điệu đến mức phần lớn bạn đọc đều nhầm tác giả chính là người lính trong chuyện thơ.

Vũ Tuấn (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.