Sống sót đã là kỳ tích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi tham quan “lò sát sinh” S21 (tức nhà tù Tuol Sleng) và “Cánh đồng chết” Choeung Ek ở Campuchia, chúng tôi bị ám ảnh khôn nguôi và không khỏi băn khoăn: Những người từng bị tra tấn dã man và bị đối xử như súc vật làm thế nào để hàn gắn vết thương thể xác và sang chấn khủng khiếp về tâm lý?

Trong số các bộ phim được đề cử giải Oscar những năm gần đây, tôi rất ấn tượng với “The Missing Picture” của đạo diễn Rithy Panh vì đây là phim đầu tiên của Campuchia được đề cử giải thưởng Oscar danh giá và vì nó tái hiện nỗi kinh hoàng về nạn diệt chủng xảy ra ở đất nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Bộ phim khiến nhiều người phải rơi nước mắt bởi hàng loạt cảnh chết chóc đớn đau của những người vô tội.

 

Vann Nath tự họa chân dung mình trong phòng biệt giam.
Vann Nath tự họa chân dung mình trong phòng biệt giam.

Cỗ máy giết người

Trước đó, bộ phim tài liệu “S21, cỗ máy giết chóc của Khmer Đỏ” của Rithy Panh khi công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Cannes năm 2003 đã đoạt ngay giải Prix Francois Chalais, sau đó còn đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế khác.

Phim của Rithy Panh sống động và thành công đến thế bởi bản thân ông từng có những trải nghiệm vô cùng đau thương: mất cha mẹ, chị gái và 10 người thân dưới chế độ Khmer Đỏ; luôn bị giày vò bởi những cơn đói và nỗi sợ hãi. Khi mới 15 tuổi đã phải một thân một mình mạo hiểm trốn chạy khỏi trại lao động khổ sai của Khmer Đỏ để đến Thái Lan rồi sau đó được sang tị nạn tại Pháp.

Ngay trong ngày đầu tiên đến Campuchia, tôi đã có mặt tại nhà ngục khét tiếng S21 ở phía nam thủ đô Phnom Penh và may mắn gặp được cụ Chum Mey, một trong những tù nhân hiếm hoi sống sót và là nhân vật chính trong phim “S21, cỗ máy giết chóc của Khmer Đỏ”. Cụ đang bán sách tại nhà tù này, trong đó có cuốn “Survivor” (Người sống sót) do chính cụ chấp bút.

Năm nay đã 87 tuổi, tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu, cụ chỉ vào bìa sách có in ảnh một người đứng sau song sắt và nói: “Đó là tôi, người sống sót từ địa ngục Tuol Sleng”. Khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, cụ tiếp chuyện rất niềm nở. Cụ bảo đã được bộ đội Việt Nam cứu mạng: “Khoảng 7 giờ sáng 7/1/1979, nghe tin Phnom Penh giải phóng, bọn cai ngục hoảng sợ bắt những tù nhân còn lại tháo chạy theo chúng. Khi đến gần cổng, thấy bộ đội Việt Nam xuất hiện bên kia đường, chúng đè nghiến 14 người nằm sấp xuống đất để cắt cổ. Khi nghe tiếng súng từ bên ngoài vang lên, chúng hoảng hốt bỏ chạy, không kịp cắt cổ 4 người còn lại, trong đó có tôi”.

 

Mười mấy ngàn tù nhân ở S21 bị chuyển đến thủ tiêu ở Choeung Ek, xương sọ chất chồng.
Mười mấy ngàn tù nhân ở S21 bị chuyển đến thủ tiêu ở Choeung Ek, xương sọ chất chồng.

Phá cửa ập vào nhà tù, bộ đội Việt Nam phát hiện giữa đống quần áo cũ là 4 đứa trẻ từ 5-9 tuổi, trần truồng, đói lả, toàn thân tím bầm, bên cạnh là xác một em bé chừng 2-3 tuổi. Cảnh tượng ở các phòng giam vô cùng khủng khiếp: Trên chiếc giường sắt ở mỗi phòng có một hoặc hai xác chết, chân tay còn bị xiềng vào giường. Bên cạnh là những dụng cụ tra tấn và giết người như búa, xẻng, gậy gộc. Một số mảnh da thịt, quần áo còn vướng lại trên chiếc giường sắt cáu gỉ. Những vết máu của nạn nhân tóe lên tường, dây trên sàn nhà hôi hám, tanh lợm. Khai quật hố chôn các tù nhân bị giết hại ở trong sân nhà tù đã phát hiện nhiều thi thể đầu không dính thân hoặc bụng bị mổ để lôi ruột gan…  hệt như cảnh giết người thời trung cổ.

Cụ Chum Mey cho biết nơi này vốn là trường học. Bọn Pol Pot đã giăng dây thép gai rào kín lại rồi cải tạo các lớp học thành phòng giam, phòng hỏi cung, tra tấn… Được ví như cỗ máy giết người bởi trong số 17.000 tù nhân bị đưa vào đây, chỉ có vài người sống sót. Các kiểu tra tấn của chúng vô cùng dã man như dùng roi, búa, rìu đánh đập, đổ a xít vào mặt, khoét ngực để thả rết vào, lấy kìm rứt da thịt hoặc rút móng tay móng chân…

“Chúng thẩm vấn, đánh đập hơn một tuần để ép tôi nhận tội làm gián điệp. Khi đó tôi nào có biết CIA và KGB nghĩa là gì, tuy nhiên sau bị gí điện vào người và dùng kìm rút các móng chân, tôi đành phải nhận bừa là đã gia nhập các tổ chức này”, cụ kể rồi cho chúng tôi xem các ngón chân đã bị dị dạng.

“Khi sắp bị đưa đi thủ tiêu ở “cánh đồng chết”, tôi nghe bọn chúng bảo nhau: Máy đánh chữ hỏng rồi nên không làm hồ sơ được nữa, phải tìm người sửa gấp. Tôi liền hét to: Tôi biết sửa. Chúng tháo cùm rồi đưa tôi tới chỗ đặt máy. Đã từng sửa chữa ô tô trong nhiều năm nên tôi nhanh chóng khắc phục được sự cố. Chúng lại giao cho tôi sửa chữa các loại máy móc khác. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội tiếp tục sống và chứng kiến thêm nhiều chuyện độc ác, phi nhân tính của bọn chúng”, cụ hồi tưởng lại khoảnh khắc thoát chết kỳ lạ.

Chum Mey thoát khỏi cảnh tù tội nhưng vợ con ông đã bị Khmer Đỏ giết hại. “Năm 1975, gia đình tôi bị buộc phải rời Phnom Penh và trở thành tù nhân lao động khổ sai của Pol Pot. Sau đó vợ con tôi bị tách riêng ra rồi bị giết. Cứ khi nào nghe nói tới Khmer Đỏ là tôi lại nhớ vợ con”, ông đau xót nói.

Bền bỉ tố cáo tội ác của Khmer Đỏ

Cụ Chum Mey đã viết lại những chuyện khủng khiếp xảy ra trong nhà ngục S21 để vơi bớt nỗi ám ảnh chất chứa trong lòng, để thế hệ trẻ Campuchia và các nước khác hiểu được sự thật lịch sử đen tối dưới thời Pol Pot. Trong suốt 7 năm Tòa án Quốc tế tiến hành xét xử các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ, cụ ra làm nhân chứng ở hầu hết các phiên  tòa. “Chỉ trong chưa đầy 4 năm (1975-1979) đã có ít nhất 1,7 triệu người, tức 1/4 dân số Campuchia chết dưới bàn tay đồ tể của bọn Pol Pot. Chúng phải bị trừng trị thích đáng”, cụ Chum Mey phẫn uất.

 

Chum Mey (trái) và Vann Nath sống sót ở nhà ngục Tuol Sleng.
Chum Mey (trái) và Vann Nath sống sót ở nhà ngục Tuol Sleng.

Một nhân vật khác trong phim tài liệu của đạo diễn Rithy Panh cũng gây ấn tượng đặc biệt đối với tôi là họa sĩ Vann Nath (sinh năm 1946).

Những năm 2009-2010, tôi từng được xem video và một số bản tin về việc họa sĩ Vann Nath ra làm chứng tại phiên tòa xét xử Kaing Guek Eav (biệt danh là Duch), kẻ cai quản nhà tù Tuol Sleng. Ông cay đắng nói: “Tôi vẽ Pol Pot để đổi lấy mạng sống của mình. Tôi vẽ dưới sự giám sát hàng ngày của Duch”.

Họa sĩ kể: “Mỗi bữa chỉ được 3 thìa bột nên phải bắt côn trùng ăn cho đỡ đói. Chúng tôi vơ vội những con côn trùng bởi sợ lính gác nhìn thấy. Có lần chúng phát hiện và đánh cho đến khi tôi nhổ con châu chấu ra khỏi miệng. Chúng tôi thậm chí phải ăn bên cạnh những xác chết… Nhiều tù nhân không chịu nổi đã chết trong khi đang bị xiềng chân.  Nhiều người không thể chợp mắt vì không biết đến lượt ai bị đưa đến chỗ chết”.

Không còn cơ hội gặp họa sĩ Vann Nath vì ông đã mất vào năm 2011, tuy nhiên chúng tôi được xem tranh của ông tại nhà tù Tuol Sleng và một số nơi khác. Này đây là bức tù nhân trần truồng, thân thể đầy vết thương, bị Khmer Đỏ bịt mắt, trói chân trói tay rồi dùng đòn xóc khiêng đi như khiêng lợn. Kia là bức tác giả tự họa bản thân mình với cơ thể gầy nhom vàng vọt như xác chết, chỉ mặc độc chiếc quần đùi rách, chân bị xiềng…

Vann Nath còn có nhiều bức tranh mô tả hành động tàn ác, phi nhân tính của Khmer Đỏ như bức bọn đồ tể xiềng cứng chân tay tù nhân vào giường rồi dùng kìm rứt từng miếng da thịt trên người họ. Ghê rợn hơn, tên Khmer Đỏ giằng lấy đứa bé trên tay người mẹ rồi túm lấy hai chân của cháu quật vào thân cây, trong khi tên khác giữ chặt người mẹ đang gào khóc, vùng vẫy trong tuyệt vọng.

Tranh của Vann Nath gây ấn tượng dữ dội và ông đã được trao giải thưởng của một tổ chức quốc tế. Những bức tranh hiện thực tố cáo tội ác diệt chủng mà ông sáng tác hàng chục năm trời đã góp phần bóc trần bộ mặt thật của Khmer Đỏ.

Năm 2012, Duch lãnh án chung thân vì những tội ác tày đình đã gây ra ở nhà ngục khét tiếng Tuol Sleng. Bản án quá muộn màng bởi tội lỗi của hắn đã gây ra cách đây hơn 30 năm. Bản ác cũng quá nhẹ so với tội ác của Duch nhưng chẳng thể nào khác được vì Campuchia không có án tử hình.

Kim Anh/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.