Phường Nại Hiên Đông được mệnh danh là 'phố chung cư' của Đà Nẵng đang trong những ngày khép mình với bên ngoài để cắt đứt chuỗi lây nhiễm Covid-19 nguy hiểm nhất TP.
|
Sau khi đặt mua thực phẩm giúp dân, tổ tình nguyện mang đến từng căn hộ. Ảnh: Hoàng Sơn |
Ở đó không ít khó khăn, xáo trộn nhưng cũng không thiếu những câu chuyện ấm áp nghĩa tình...
Tôi sống ở P.Nại Hiên Đông - dải đất xinh đẹp phía bờ đông cửa sông Hàn thuộc Q.Sơn Trà đang là điểm phong tỏa chặt chẽ nhất TP (từ ngày 1.8), bởi chuỗi lây nhiễm có tên “cảng cá Thọ Quang” đã vượt qua con số 500 ca.
Phong tỏa trong phong tỏa
Một ngày sau khi Đà Nẵng giãn cách theo Chỉ thị 05, ngày 1.8, toàn bộ “phố chung cư” (nhiều chung cư nhất của TP với khoảng 4.800 căn hộ) được lập chốt phong tỏa, chỉ để lại 2 lối chính cho các trường hợp khẩn cấp. Khoảng 32.000 cư dân của phường đều được xem có nguy cơ đối với cộng đồng ở vào tình cảnh “nội bất xuất”. Lần đầu tiên, Đà Nẵng áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như vậy trên quy mô toàn phường. Chính quyền khuyến cáo người dân sẽ bị phạt nặng nếu ra khỏi nhà mà không có giấy thông hành.
Chung cư nơi tôi sinh sống may mắn không có ca nhiễm Covid-19 nên không bị phong tỏa “cứng”. Nhờ vậy mà còn có cơ hội ra đường tác nghiệp và chứng kiến cảnh tất cả tuyến đường chưa bao giờ vắng vẻ đến thế. Sáng dậy, từ tầng 9 chung cư, tôi nhìn sang hàng cây bên đường rồi nghe tiếng chim sâu vọng lại. Thì ra, lũ chim vẫn ở đó. Có điều, lâu nay tiếng xe cộ trên phố đã át đi tiếng hót, khiến người ta vô tình không nhận ra sự tồn tại của chúng...
Trưa, tôi đảo một vòng xe từ chốt Trần Hưng Đạo, qua phía âu thuyền trên đường Chu Huy Mân, Vũng Thùng 9 về Lê Văn Duyệt…, tất cả đều im lìm. Khoảng 60 chung cư tại Nại Hiên Đông khóa cửa chính. Ban quản lý chung cư và tổ dân phố lập chốt trực 24/7 để đảm bảo không có người dân nào ra khỏi nhà. Đà Nẵng từng là tâm dịch Covid-19, nhưng chưa địa điểm nào tôi thấy chốt kiểm soát và dây phong tỏa được căng ra nhiều như vậy. Phương châm “khu dân cư cách ly khu dân cư” được thực hiện một cách triệt để.
Khoảng 3 tháng qua, Đà Nẵng áp dụng phiếu đi chợ theo ngày, quản lý thông qua QR code. Tuy nhiên, những ngày qua, tại khu phong tỏa Nại Hiên Đông, thẻ này không còn giá trị nữa. Đơn giản là vì phường cấm họp chợ, kể cả mở tiệm tạp hóa… Bởi vậy, chỉ cần người dân xách xe máy ra đường thì nhiều khả năng là không có lý do chính đáng.
Đúng như tôi dự đoán. Trưa 4.8, có mặt tại ngã tư Hồ Hán Thương - Khúc Hạo khoảng 10 phút, tôi chứng kiến cảnh Tổ 8394 (lực lượng tuần tra liên ngành của phường) tạm giữ 3 xe máy vì ra khỏi nhà mà không có giấy đi đường. Một thanh niên không được chấp nhận lời giải thích rằng anh đến chốt để nhận hàng người thân gửi bởi phường cấm việc này. Tương tự, một phụ nữ chở một thùng xốp bảo đi lấy cá cũng bị giữ phương tiện.
Vừa cho xe máy lên xe tải thì các cán bộ trong tổ nhanh tay giữ xe máy của 2 nữ thanh niên quay đầu xe khi giật mình thấy đồng phục của tổ. Giấy đi đường chỉ được cấp cho các trường hợp như cấp cứu và đám ma.
|
“Phố chung cư” Nại Hiên Đông im lìm những ngày phong tỏa. Ảnh: Hoàng Sơn |
“Đi chợ đã có chúng tôi lo”
Tối 1.8, khi toàn phường áp dụng biện pháp phong tỏa, nhiều người dân tỏ ra lo lắng cho bữa ăn những ngày sắp đến khi chợ nghỉ bán. UBND P.Nại Hiên Đông đã lập tức thông báo sẽ có phương án cung cấp thực phẩm đến tận nhà người dân. Tôi được Tổ trưởng tổ dân phố 78 Nguyễn Thị Thu Thảo thêm vào nhóm chat để theo dõi việc “đi chợ”. “Bà con yên tâm. UBND phường sẽ đưa bảng giá lương thực, thực phẩm, nơi cung ứng xuống để chọn. Bà con nhớ cho tổ dân phố xin tiền đi chợ hỉ”, chị Thảo thông báo dí dỏm.
Vậy là từ một tổ trưởng với công việc chống dịch tại cơ sở, chị Thảo lại thêm phần trách nhiệm của một “chị nuôi” cho khoảng 80 hộ dân. Để có thêm nhân sự, Tổ Covid-19 cộng đồng Nại Hưng 2C đã tiếp nhận các tình nguyện viên là cư dân chung cư. Tình nguyện viên Lê Thị Lan Anh cho biết tranh thủ thời gian ở nhà, chị tham gia đội tình nguyện để mua thực phẩm giúp bà con yên tâm.
“Em cầm menu này, xem cần gì thì chọn. Đăng ký thì viết vào phiếu này, tính tiền rồi đến chiều chị sẽ lên thu lại để tổng hợp”, chị Lan Anh cầm 2 tờ phiếu đưa cho người hàng xóm của tôi hướng dẫn. Chị dặn thêm: “Nhớ là cộng tiền rồi gửi luôn khi đưa phiếu nhé”. Tờ danh mục với hàng chục loại thực phẩm, không thiếu thứ gì. Nhiều cư dân tổ 78 cho hay, thực phẩm có giá cả phải chăng lại không phải ra ngoài trong lúc dịch bệnh nên rất ủng hộ cách giúp dân “đi chợ qua phiếu”.
Trong khi các nữ tình nguyện viên kiểm đếm, đặt hàng thì các nam tình nguyện phụ giúp việc vận chuyển thực phẩm. Người có ô tô thì đến chỗ giao nhận hàng để chở về. Anh Huỳnh Văn Trường chia sẻ: “Mình đàn ông có sức khỏe, không rành các loại thực phẩm thì có thể giúp nhóm đi giao tận nhà cho các hộ. Để bà con không ra khỏi nhà là thiết thực lắm rồi… Việc đi chợ đã có chúng tôi lo”.
Vào các buổi chiều, sau khi các tình nguyện viên đi gom phiếu đăng ký mua thực phẩm từ các căn hộ, chị Thảo lại tỉ mẩn dò từng phiếu để thống kê rồi gửi đến nhà cung ứng. Ấy vậy mà nhiều đơn hàng vẫn bị thiếu. Người thì thiếu thịt, người thì thiếu rau. Trong nhóm chat, nhiều chị em kiểm tra hàng xong liền phản hồi. Nhận được thông tin, chị Thảo lẩm nhẩm tính toán rồi gọi điện để thúc giục nhà cung ứng đủ cho bà con. Chị lại dí dỏm, trấn an người dân: “Lần đầu tiên bị phong tỏa nên cả hai bên chưa ai có kinh nghiệm”.
Đáp lại, các cư dân cũng vui vẻ chia sẻ. Chị V. tầng 7 có con nhỏ hơn 6 tháng cần thịt bò, cá. Chị đã đặt hàng nhưng bị thiếu. Chị em tầng 8 nhắn gửi “chị cho mượn, có hàng trả lại sau”. Lát sau, chị V. chụp ảnh miếng thịt bò tươi ngon đưa lên nhóm chat cảm ơn. Chị H. tầng 9 nói thiếu rau xanh, chị Tr. nhắn xuống lấy, “đang nhiều tặng H. luôn”. Cách ly nhưng không cách lòng…
Nhường phần trợ cấp cho người khó khăn
Trong khu phong tỏa, người ta không chỉ san sẻ cho nhau từng chút thực phẩm mà còn dành tặng nhau những suất tiền được chính quyền trợ cấp. Còn nhớ hôm 4.8, cả chung cư xôn xao vì thông tin địa phương “phát tiền cho dân đi chợ” mà không phân biệt tình trạng kinh tế, cư trú… Nhiều người không tin vào tai mình cứ hỏi đi hỏi lại “có thật không”. Tôi gọi điện thoại thì được ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, khẳng định việc chi hỗ trợ cho toàn bộ người dân trong các khu phong tỏa là thật nhằm “đảm bảo người dân yên tâm ở nhà chống dịch”.
Ông Trà nói thêm, người nào có điều kiện hơn có thể không nhận tiền mà chuyển cho người khó khăn hơn hoặc hỗ trợ tuyến đầu chống dịch… Khi công bố thông tin chính thức, UBND P.Nại Hiên Đông cũng ghi chú “người dân có thể nhận hoặc không nhận tiền hỗ trợ”. Không chờ đến khi đọc được những dòng này, anh Nguyễn Hữu Quý, một cán bộ trú tại địa phương, đã xin không nhận 800.000 đồng ngay từ đầu.
“Mình nghĩ Đà Nẵng đã rất cố gắng và cân nhắc khi đưa ra quyết định này. Nhiều gia đình có điều kiện cũng rất trân trọng dù chỉ 40.000 đồng/khẩu/ngày. Gia đình tôi tuy không phải có điều kiện kinh tế tốt nhưng xung quanh mình còn nhiều trường hợp khó khăn hơn nên xin nhường lại phần trợ cấp cho những người khó khăn hơn…”, anh Quý trải lòng.
Hộ gia đình chị T.H trú tại chung cư Blue House thì chọn cách nhận “tiền tươi” rồi mang số tiền đó gửi tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong chung cư. Nhận được số tiền 300.000 đồng từ gia đình chị H., ông Trần Chí Bình (hộ nghèo tại tổ 77) cho biết, dịch Covid-19 kéo dài nên 3 tháng qua vợ chồng ông không thể kiếm ra tiền. “Đứa con trai khuyết tật cùng vợ con nó sống chung với vợ chồng chúng tôi. Cả 5 người đều sống dựa vào quán cà phê vỉa hè. Quán đóng do dịch bệnh nên cả nhà bó gối nhìn nhau thấp thỏm. Tôi cũng được nhận trợ cấp 1 triệu đồng, lại được gia đình chị H. tặng thêm 300.000 đồng để mua thực phẩm dự trữ. Quý lắm…”, ông Bình xúc động.
Nhiều cán bộ, công chức trú tại chung cư C2 như hộ nhà anh T.V.Q (làm việc ở Trường Chính trị Đà Nẵng) chọn cách chia sẻ 800.000 đồng tiền trợ cấp bằng cách nhận rồi ủng hộ ngay cho Tổ phòng chống Covid-19. Chị V.V.A cũng gửi tặng 400.000 đồng cho một hộ dân khó khăn trong chung cư ngay sau khi nhận được tiền.
Sáng 6.8, chung cư nơi tôi sống chộn rộn bởi tiếng nói trước bậc cửa mỗi căn hộ. Người bàn cách hỏi tổ trưởng tổ dân phố hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, người tính lập thùng quyên góp vào quỹ phòng chống Covid-19 của chung cư…
Cảm tưởng ngày nhận được tiền trợ cấp cứ như “ngày hội” thiện nguyện…
Tấm lòng của những người làm báo Với khoảng 30 nhà báo cư trú, P.Nại Hiên Đông lâu nay được mệnh danh là nơi đông nhà báo nhất Đà Nẵng. Những ngày phong tỏa, gia đình của các nhà báo cũng được hỗ trợ theo chính sách chung. Bên cạnh những nhà báo trao ngay tiền hỗ trợ cho hộ khó khăn, trên nhóm chat, các anh chị bàn bạc cách thức hỗ trợ cho quỹ phòng chống dịch tại phường. Trong 2 ngày (4 - 5.8), các thành viên thuộc CLB bóng đá phóng viên Đà Nẵng vừa tác nghiệp vừa tranh thủ tặng 350 thùng nước tăng lực cho các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn các quận, huyện. |
Theo Hoàng Sơn (TNO)