Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là một hành trình dài ngày ăn và ngủ theo những con sóng. Đó là những lúc tay cầm bát cơm, tay bám thành tàu. Đó là khoảnh khắc nhìn ánh hoàng hôn trong cái nghiêng tới 40 độ, nhìn mặt trời “chao liệng” phía chân trời. Đó là những đêm nghe tiếng va đập loảng xoảng của bát đũa vì tàu rung lắc, nửa mê nửa tỉnh, bám chặt thành giường để khi sóng đánh mạn tàu không lăn khỏi giường.
Sóng gió là thử thách với những chuyến tàu cuối năm trên thềm lục địa phía Nam.
Sóng gió là thử thách với những chuyến tàu cuối năm trên thềm lục địa phía Nam.
Chúng tôi đã có một hành trình như thế, trong chuyến đi cuối năm tới thăm, chúc Tết các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam năm nay – hải trình sóng gió theo đúng nghĩa đen.
Nhưng chúng tôi cũng tự biết, đó cũng là một hành trình quá ngắn ngủi và giản đơn nếu so với những tháng, những năm trên đầu sóng của những người lính canh biển.
Kỳ 1: “Biển quê hương chưa tĩnh lặng bao giờ”
Cho đến khi những chuyến tàu đã cập bến an toàn, hoàn thành nhiệm vụ, Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân mới “thú thật”, ông ở nhà theo dõi hành trình của đoàn mà sốt ruột: “Chuyến này gần như khó nhất từ trước đến nay”.
Nghiêng 40 độ trên sóng
Từ lúc bắt đầu hành trình, Thượng tá Nguyễn Đình Lịch, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125, Chỉ huy trưởng hành trình ngày nào cũng cầm điện thoại theo dõi thời tiết, sốt ruột nhìn những con số đo độ cao của sóng. 5m, 6m, 7m …. Điều đó đồng nghĩa với việc con tàu sẽ như chiếc lá trên mặt biển, và việc tiếp cận các nhà giàn khó khăn hơn bội phần. Đi biển mùa cuối năm thường phải trông theo con sóng như thế. Chúng tôi khởi hành khi cơn bão Fanphone vừa tan, nhưng kéo theo vẫn là gió mùa và áp thấp. Sóng cấp 5, cấp 6, giật cấp 7 ngay từ khi tàu rời khỏi Vũng Tàu.
Đứng từ vị trí thẳng với ghế lái tàu, tôi nhìn rõ đường chân trời ngả nghiêng theo từng nhịp sóng qua cửa kính cabin lái, một góc nghiêng mà những người lính thống kê vào khoảng 40 độ. Chúng tôi học làm quen với cuộc sống gần như không thể đứng vững liên tục hơn 10 ngày liên tục. Mỗi bữa ăn, Đại uý Lê Xuân Viên, chính trị viên tàu 261 liên tục tay giữ bát, chân giữ nồi. Đại tá Đinh Văn Thắng, Phó tư lệnh vùng 2 Hải quân, trưởng đoàn hành trình nhìn tình cảnh ấy phì cười: “Này, cậu mấy năm ở tàu rồi, thế mà vẫn chưa biết cách xếp bàn ăn. Phải cài mấy cái bát lại với nhau, tách ra hở một tí là chúng nó (bát đũa -PV) trôi ngay”. Bữa ăn trên biển cần phải quen với việc khẩu phần ít đi một chút, bát nước chấm không thể xông xênh, rất khó để múc một bát canh đầy đặn. Khi đã dần quen, chúng tôi học cách chờ mỗi cơn sóng, thường là giữ chặt bát đũa, đợi 3 đến 5 nhịp sóng qua đi rồi, mới tiếp tục gắp.
Mỗi ngày của chúng tôi trôi qua trong tiếng sóng đập ầm ào bên mạn tàu, tiếng đồ đạc va vào nhau loảng xoảng. Những anh lính trẻ măng với nồi niêu xoong chảo trong bếp, chân vẫn không quên móc vào một góc tường làm điểm tựa. Đặng Thái Sơn, cậu thiếu uý chuyên nghiệp nhìn cảnh chúng tôi đi lại khó khăn vì không thể giữ thăng bằng cười to: “Nhìn chúng em đây này, chị phải học cách xuống tấn. Cứ đi đàng hoàng chứ”. Năm, sáu năm trên tàu, Sơn và đồng đội biết cách để ngay cả lúc sóng lớn nhất, vẫn lo đầy đủ ngày ba bữa cơm phong phú, và đứng thẳng trước mỗi cơn sóng để giữ chặt dây thừng mỗi khi tàu tiếp cận nhà giàn. Dễ là Sơn nói, còn tôi, chỉ một chút lơ là, đã trôi tự do từ mạn này sang mạn kia tàu khi con tàu bắt đầu nhịp 5 lần ngả nghiêng.
Phải quen!
Một người lính đã về hưu từng kể với tôi rằng, khi mới ra trường, chuyến đi biển “ra trò” đầu tiên của ông là ra đảo Song Tử Tây. Chỉ huy hành trình lúc đó là tướng Giáp Văn Cương. Tàu nhỏ, sóng lớn, những cậu lính trẻ mới ra giàn tưởng như không đứng dậy nổi, vừa làm nhiệm vụ vừa nôn oẹ. Chỉ có vị chỉ huy vẫn ngồi phía mũi tàu, bình tĩnh hút tẩu thuốc. Một chốc, sóng ào lên tát ướt mặt, tẩu thuốc tắt ngấm, ông lại quay ra gọi cậu sĩ quan bên cạnh: “Lấy tớ ít lửa”. Cái tẩu châm không biết bao nhiêu lần, mỗi lần mỗi khó hơn vì ướt. Người lính, cũng là cậu sĩ quan đi lấy lửa ngày ấy nói, đi lấy lửa đến lần thứ 10 thì không còn thấy chao đảo nữa. Bởi vì đã quen ngồi nơi đầu sóng.
Không mấy ai sinh ra đã quen với sóng, tôi tin vậy. Đại uý Hoàng Xuân Giang, thuyền trưởng tàu 996 khi vẫn còn tung hoành trên Biển Đông từng nói với tôi rằng, chẳng dễ để quen với những tháng ngày đằng đẵng trên tàu. Lúc học trong trường, thử sóng là một trong những bài học đầu tiên. “Mới đầu cũng say, cũng chóng mặt, đau đầu, có người cũng mệt. Nhưng rồi quen hết”, Giang bảo.
Thiếu tá Hoàng Thanh Hợp chắc chắn như đá tảng ở mũi tàu.
Thiếu tá Hoàng Thanh Hợp chắc chắn như đá tảng ở mũi tàu.
Quen! Như Đại uý Vũ Duy Hoàng, Chỉ huy phó nhà giàn DK1/16 Phúc Tần, năm tháng trên những con tàu đi sửa chữa các nhà giàn đã rèn cho anh đương đầu với mọi kiểu sóng gió. Hoàng ra nhận nhiệm vụ trên nhà giàn năm nay là lần đầu tiên, nhưng anh chẳng xa lạ gì mỗi chân cột ở khắp thềm lục địa phía Nam này. Hoàng có cái điềm tĩnh của một người đi biển từng trải. Từ mỗi động tác buộc dây, cách nhìn con nước, không lên gân cốt nhưng đều tạo một cảm giác an tâm cho người bên cạnh. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á bảo Hoàng có thần thái rất đàn ông, thế nên anh lên ảnh rất tự nhiên. Có lẽ Hoàng chẳng ý thức được điều đó, vì còn bận chạy đôn đáo neo dây, buộc hàng suốt chuyến đi.
Quen! Như Thiếu tá Hoàng Thanh Hợp, phó thuyền trưởng tàu 261. Anh đứng mũi tàu chỉ huy đưa nhận hàng mỗi khi đến nhà giàn. Một tay bộ đàm, tay kia chỉ đường kéo cho dây, cả người đổ về phía lan can tàu, chắc chắn như một tảng đá. Anh quen với mỗi đợt sóng, đến biết cả sẽ phải nương theo hướng nào để đứng cho vững.
Theo một cách nào đó, họ phải quen để hoàn thành nhiệm vụ, để Tổ quốc không bị bất ngờ.
Nhà giàn DK1/19 trên bãi cạn Quế Đường.
Nhà giàn DK1/19 trên bãi cạn Quế Đường.
Chuyện nghìn xưa vọng về
Thềm lục địa phía Nam của Việt Nam có bãi Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Tư Chính, Cà Mau. Không biết từ bao giờ, những cái tên đặt cho các bãi cạn đa phần có ý nghĩa đặc biệt.
Bãi cạn Huyền Trân có tên nàng công chúa nhà Trần năm 1306, một mình vào đất Chiêm Thành. Sự hy sinh của nàng đổi lại hai châu Ô, Lý (vùng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay). Hành trình mở cõi, hành trình hướng về phía biển của Việt Nam, có dấu ấn của nàng công chúa năm xưa “nước non ngàn dặm ra đi”.
Bãi cạn Quế Đường mang tên hiệu của nhà bác học Lê Quý Đôn, tác giả của cuốn Phủ biên tạp lục, một trong những khảo cứu đầu tiên về chính trị địa lý các vùng biên thùy nước Việt. Cuốn sách có ghi chép rất chi tiết về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như cách thức tổ chức của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải – dấu ấn cho thấy Nhà nước Việt Nam đã sớm khẳng định chủ quyền về mặt hành chính trên hai quần đảo này từ nhiều thế kỷ trước.
Nhà giàn DK1/7 trên bãi cạn mang tên công chúa Huyền Trân.
Nhà giàn DK1/7 trên bãi cạn mang tên công chúa Huyền Trân.
Bãi cạn Phúc Nguyên, lấy tên của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi lại: “Ất Dậu, năm thứ 28 (1585), mùa xuân, tháng 3, bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan hai chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy”. Hoàng tử thứ sáu chính là chúa Sãi, năm đó mới 22 tuổi. Chúa Sãi còn là người có công lớn trong việc tạo dựng thương cảng Hội An, mở đường cho kinh tế biển thời kỳ này.
Bãi cạn Phúc Tần, đặt theo tên của chúa Nguyễn Phúc Tần. Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1644, “Bấy giờ, giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử (tức Nguyễn Phúc Tần) tức thì mật báo với chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử tự đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra biển”. Đoàn thuyền do Nguyễn Phúc Tần, khi đó còn là Thế tử, đã giành thắng lợi trước đoàn thuyền chiến Hà Lan, tướng địch bỏ mạng trên tàu. Chiến thắng mà sau đó, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan phải nhận định: “Trước kia, tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa…”. Cũng theo Đại Nam thực lục tiền biên, thời chúa Nguyễn Phúc Tần rất chú trọng phát triển lực lượng thuỷ binh. Đội thuyền Đàng Trong lên tới hơn 20 ngàn quân, hơn 200 thuyền.
Ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nói về việc cử dân Tứ Chính thôn, tỉnh Bình Thuận tham gia hải đội Bắc Hải. Chữ “Tứ” theo nghĩa là (số) 4.
Ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nói về việc cử dân Tứ Chính thôn, tỉnh Bình Thuận tham gia hải đội Bắc Hải. Chữ “Tứ” theo nghĩa là (số) 4.
Bãi cạn Tư Chính, dường như được đặt theo thôn Tứ Chính phủ Bình Thuận được nhắc đến trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Theo đó, nhằm thực thi chủ quyền và khai thác nguồn lợi kinh tế ở Bãi Cát Vàng và Bãi Cát Dài, ngoài Hải đội Hoàng Sa với thành viên chủ yếu của xã An Vĩnh, Cù Lao Ré (Lý Sơn ngày này), “Họ Nguyễn đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi”. Địa bàn hoạt động của đội Bắc Hải là các vùng biển đảo phía nam, kéo dài tới tận Hà Tiên. Cai đội Hoàng Sa kiêm quan Bắc Hải.
Bởi vậy, suốt hành trình trên thềm lục địa phía Nam, qua cụm dịch vụ kinh tế - khoa học – kỹ thuật được xây dựng như những pháo đài giữa biển, bỗng nhiên tôi nhớ tới câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong lòng người có ngọn sóng nào không?”.
Có điều cái dữ dội nhất, hoá ra không nằm ở những con sóng lắc lư của mùa biển động.
Theo MAI NGUYÊN (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.