Siết chặt kiểm soát hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là nhóm sản phẩm được sử dụng cho mục đích chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Việc sử dụng hàng không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Vì vậy, ngành chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Người sử dụng dễ dãi khiến hàng dởm có “đất sống”

Chỉ cần lên mạng internet tìm kiếm loại thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm nào đó, mọi người sẽ thấy xuất hiện hàng loạt nhãn hàng, thương hiệu với vô vàn lời quảng cáo về công dụng, cách dùng sản phẩm. Tiện lợi là vậy nhưng nhiều người lại rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” do thói quen tiêu dùng dễ dãi.

Chị Phan Thị Thắm (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: “Theo lời người quen, tôi đặt mua viên uống trắng da, giảm mờ tàn nhang của một người bán trên Facebook, được giới thiệu là hàng xách tay. Mỗi hộp 30 viên có giá 230 ngàn đồng, uống được 15 ngày. Hết hộp đầu tiên, tôi được tư vấn mua tiếp hộp thứ 2, thứ 3… với sự động viên phải uống kiên trì liên tục trong 6 tháng”. Theo chị Thắm, qua thời gian dài sử dụng nhưng không thấy tác dụng, chị đã ngưng và chuyển qua cách khác.

Hiện nay, nhiều người có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chức năng để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, thực phẩm chức năng đang được bán rất phổ biến ở hầu hết các quầy thuốc tây, những điểm bán hàng thực phẩm ngoại nhập, shop mỹ phẩm hoặc bán theo phương thức đa cấp, bán trên kênh online qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Ngoài các loại thực phẩm chức năng được phân phối bởi đơn vị uy tín, thực phẩm chức năng sản xuất trong nước được kiểm chứng về chất lượng thì trên thị trường vẫn còn có những loại “ẩn mình” dưới dạng hàng xách tay, hàng nội địa.

Có những loại được đóng gói sơ sài theo từng túi nilong với 2-3 viên thuốc khác nhau. Ảnh: V.T

Có những loại được đóng gói sơ sài theo từng túi nilong với 2-3 viên thuốc khác nhau. Ảnh: V.T

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh-cho biết: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người, cộng với việc đánh vào tâm lý và nhu cầu làm đẹp của người tiêu dùng, các đối tượng đã rao bán rất nhiều sản phẩm từ kem dưỡng da, sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm trang điểm, sơn móng tay, nước hoa… không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng với giá rẻ.

Hiện nay, mạng xã hội phát triển nhanh chóng, nhiều người tiêu dùng lại có thói quen mua hàng qua mạng và đặt niềm tin vào người bán, chứ hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm mình mua. Bên cạnh mỹ phẩm thì thực phẩm chức năng trôi nổi đang là mặt hàng cần kiểm soát chặt.

Theo ông Hà, một số đối tượng nhập hàng trôi nổi về bán, nhiều loại không có nhãn mác, được đóng dưới dạng chai lọ hoặc có nơi còn phân từng túi ni lông nhỏ với 2-3 viên thuốc khác nhau, được giới thiệu là có công dụng giảm cân, làm đẹp da.

Mặc dù đóng gói sơ sài, không nguồn gốc xuất xứ nhưng qua lời giới thiệu về công dụng như “thần dược”, không ít người vẫn tin tưởng bỏ tiền ra mua về uống. Việc này rất tai hại bởi thực phẩm chức năng giả thường chứa những chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Trong quý I-2024, Cục QLTT tỉnh đã xử phạt 3 trường hợp vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm với tổng số tiền 107 triệu đồng; tịch thu 6.784 sản phẩm mỹ phẩm các loại; buộc tiêu hủy 10 bì mascara giả mạo nhãn hiệu. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Đối với mặt hàng dược phẩm, lực lượng QLTT đã xử lý 4 vụ vi phạm, phạt tiền 16 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang-thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; không có biển hiệu tại khu vực riêng ghi rõ “sản phẩm này không phải là thuốc” đối với trường hợp có kinh doanh thêm trang-thiết bị y tế.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm đếm hàng hóa vi phạm để đưa đi tiêu hủy. Ảnh: V.T

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm đếm hàng hóa vi phạm để đưa đi tiêu hủy. Ảnh: V.T

Trước đó, năm 2023, lực lượng QLTT tỉnh cũng đã xử lý 261 vụ vi phạm trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,4 tỷ đồng; tịch thu hơn 8.600 sản phẩm mỹ phẩm các loại.

Điển hình như vào ngày 19-1, Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh của bà Kpă H’Rim (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Tại đây, đơn vị phát hiện bà H’Rim đang kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm gồm 164 chai serum 100% Natural, 4.399 chai thuốc Bắc tái tạo da và 315 gói bột rửa mặt thảo dược (tổng giá trị hàng hơn 46 triệu đồng).

Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trên sản phẩm và tài liệu kèm theo không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; trên nhãn hàng hóa không có tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không có sổ lưu hành mỹ phẩm tại Việt Nam.

Ngoài ra, bà H’Rim không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Đội QLTT số 5 đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 42,5 triệu đồng đối với bà H’Rim; đồng thời tịch thu toàn bộ số mỹ phẩm vi phạm và buộc phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Tiếp đó, vào ngày 23-1, Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế-ma túy (Công an huyện Chư Sê) tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Tất Thịnh ở thị trấn Chư Sê. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở này không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đang bày bán 1.149 đơn vị mỹ phẩm các loại (gồm 276 hộp kem chống nắng, 42 tuýp sữa rửa mặt, 600 bì mặt nạ dưỡng da, 72 gói kem ủ tóc collagen, 159 chai xịt mọc tóc) không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 21 triệu đồng.

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 24,5 triệu đồng, tịch thu toàn bộ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; buộc ông Thịnh đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết thêm: Hiện nay, tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra nhiều trên môi trường mạng, phổ biến là ở các kênh YouTube, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài hoặc mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok…

Các đối tượng thường có chiêu thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng để quảng cáo thực phẩm chức năng. Không những vậy, các đối tượng còn thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng, từ đó “thần dược hóa” thực phẩm chức năng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn các địa điểm bán hàng uy tín, khi mua hàng phải kiểm tra thông tin trên nhãn sản phẩm thật kỹ, đồng thời yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ để xác định có phải hàng chính hãng hay không. Nếu mua online phải chọn những sàn thương mại điện tử uy tín, chọn các đơn vị có kênh phân phối chính thống đăng ký với Bộ Công thương.

Có thể bạn quan tâm

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Khi biết Công ty AIC đồng ý cho Công ty Gene Việt liên danh gói thầu giai đoạn 1 dự án thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Phan Quốc Việt liền chỉ đạo giao lại Cty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay vì thấy công ty này chưa đủ năng lực.