Sắt son tình quân dân - Bài 2: Chan chứa tình “cha - con” biên phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Cha nuôi biên phòng” - nghe giản dị và ấm áp nhưng cũng đầy cao cả khi những người lính ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc còn nâng cánh ước mơ cho nhiều học sinh khó khăn miền núi và ven biển xứ Quảng.

sat-son1dd-1857.jpg
Tình "cha - con" biên phòng. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Sau nhiều năm triển khai mô hình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” của lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, hàng trăm học sinh thuộc diện khó khăn được nuôi nấng, dìu dắt bước qua cuộc đời khốn khó, trở thành những người con có ích cho cộng đồng, bản làng biên giới.

Không bao giờ quên

Kể lại câu chuyện về cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), Nguyễn Ngọc Phước - chàng trai sinh viên năm thứ 2 ngành Kỹ thuật cơ điện tử của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) không giấu được cảm xúc. Suốt nhiều năm THPT, Phước là con nuôi của đồn, nhận được nhiều tình cảm không chỉ cán bộ chiến sĩ, mà cả chỉ huy đơn vị.

Năm 2019, Phước được nhận đỡ đầu, trở thành “con nuôi” của Đồn Biên phòng Tam Thanh. Từ đó đến nay, Phước luôn xem nơi này là ngôi nhà thứ hai, cán bộ chiến sĩ như những người cha nâng đỡ trên bước đường đời gian khó.

Hơn 3 năm ăn ở, sinh hoạt ở đồn, Phước nói, sự quan tâm đặc biệt của những cha nuôi càng thôi thúc cậu thêm nỗ lực rèn luyện, quyết tâm vượt qua “bóng tối”, theo đuổi ước mơ con chữ.

“Nếu không nhờ sự cưu mang, chăm sóc và hướng dẫn trong học tập của các chú ở Đồn Biên phòng Tam Thanh chắc chắn mình không thể có mặt ở giảng đường đại học như bây giờ” - Phước chia sẻ.

2satson-2237.jpg
Nguyễn Ngọc Phước thời điểm được nhận nuôi tại Đồn Biên phòng Tam Thanh. Hằng ngày, các cha nuôi hỗ trợ Phước học tập, rèn luyện. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Câu chuyện của Phước (ở xã Tam Tiến, Núi Thành) thật đặc biệt. Không chỉ là người thứ hai lành lặn, sau ông nội, trong gia đình nghèo có đến 5 thành viên bị di chứng khiếm thị, Phước cũng là “chỗ dựa” duy nhất mà cụ ông Nguyễn Duy Hùng (ông nội Phước) kỳ vọng, tin tưởng.

Nhiều năm trước, thương cảm cuộc đời của Phước, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh làm thủ tục nhận nuôi theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” - lúc ấy vừa mới triển khai. Cùng ăn ở, cùng sinh hoạt và rèn luyện ở môi trường quân đội, ngoài giờ học, Phước tham gia đầy đủ hoạt động, phụ giúp cán bộ chiến sĩ công việc vừa sức.

Các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Tam Thanh kể, hơn một năm trước, lúc Phước chuẩn bị nhập trường đại học, trong phút giây tạm biệt những cha nuôi, cậu học trò vượt khó bịn rịn bằng lời tâm sự thẳm sâu từ trái tim mình.

Phước nói: “Con sẽ không bao giờ quên từng gương mặt của các chú, không bao giờ quên ơn nghĩa những tháng năm được nuôi nấng trong môi trường quân đội. Hành trang của con mang theo, có cả sự động viên của các chú, đó là niềm tin lớn lao để con nỗ lực hơn, phấn đấu hơn trong học tập và rèn luyện”.

Để xứng đáng với niềm thương yêu của các cha nuôi biên phòng, ngoài nỗ lực học tập, Phước còn tìm kiếm việc làm, chạy dịch vụ giao hàng cho khách (shipper), kiếm thêm thu nhập trang trải chuyện học.

Thỉnh thoảng, Phước về thăm nhà cũng đều chọn Đồn Biên phòng Tam Thanh làm nơi dừng chân để ghé thăm và phụ giúp công việc hậu cần. Tinh thần đó, với Phước như trách nhiệm của một người con trước gia đình, sau những ngày xa cách.

3satson-797.jpg
Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, Phước ấp ủ dự định sẽ tiếp nối hành trình nhận "con nuôi" sau này. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Trung tá Trần Văn Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Thanh cho hay, không chỉ Phước, rất nhiều “con nuôi” trong đơn vị cũng được chăm lo bằng tất cả tình cảm đặc biệt.

Trước khi chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được triển khai, Đồn Biên phòng Tam Thanh cũng nhận nuôi, hỗ trợ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đóng chân. Hằng năm, vào dịp lễ tết, các con nuôi đều được nhận chế độ hỗ trợ, động viên theo quy định.

“Đặc biệt, những đứa con của đồn đã kết thúc chương trình như Phước và một số trường hợp khác, mỗi lần về thăm đơn vị hoặc dịp lễ tết, anh em cán bộ chiến sĩ đều góp tặng phần quà, như một sự động viên, khích lệ để các con nỗ lực hơn trong cuộc sống và học tập. Đó không khác gì tình cảm cha mẹ dành cho con” - Trung tá Trần Văn Hùng tâm sự.

Sau nhiều năm triển khai, chương trình “Nâng bước em tới trường” (thực hiện từ năm 2016) và “Con nuôi đồn biên phòng” (thực hiện từ năm 2019), lực lượng biên phòng tỉnh đã nhận đỡ đầu 227 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 6 trường hợp là con em của nước bạn Lào.

Từ nguồn đóng góp của cán bộ chiến sĩ và xã hội hóa, đến nay kinh phí thực hiện ước hơn 6,3 tỷ đồng. Trong số 15 con nuôi đã tốt nghiệp THPT, có 9 em thi đỗ vào các trường đại học, 1 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Dìu con trên bước đường đời

Khởi nguồn từ hành động chắp cánh ước mơ đến trường của trẻ miền núi, chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” được nhân rộng, trở thành mô hình nhân văn, ý nghĩa giúp ngăn dòng bỏ học của hàng nghìn trẻ em khó khăn khắp mọi miền Tổ quốc.

Tại Quảng Nam, mô hình này cũng được triển khai vào năm 2019, ghi dấu ấn đặc biệt về tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.

4satson-673.jpg
Các con nuôi trong vòng tay của chiến sĩ biên phòng. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Đại tá Nguyễn Bá Hưng - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, có 2 chương trình được thực hiện song song, cùng mục đích hỗ trợ và nhận nuôi học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh là “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng”.

Bằng tinh thần trách nhiệm, cán bộ chiến sĩ tự nguyện trích lương, phụ cấp đóng góp kinh phí và tham gia thực hiện chương trình; chia sẻ, giúp đỡ hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên hai tuyến biên giới đất liền và biển đảo của tỉnh.

Chương trình này như điểm tựa ngăn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nhiều “con nuôi của đồn biên phòng” hiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Trước mỗi đợt nhập trường, ngoài sự hỗ trợ thông qua hoạt động kết nối kêu gọi nhà hảo tâm, nhiều cha nuôi còn tình nguyện đưa con nuôi đến tận nơi nhập học. Bằng tất cả tình thương của những người cha, mỗi cán bộ chiến sĩ biên phòng đã và đang dìu các con trên bước đường đời dù phía trước còn lắm chông gai, thử thách.

5satson-4525.jpg
Đồn Biên phòng Tr'Hy (Tây Giang) làm lễ đón nhận "con nuôi biên phòng". Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Theo Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, các chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” thể hiện tình cảm và tinh thần sẻ chia nhằm động viên, góp thêm điều kiện giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường học tập.

Ngoài đóng góp chung của cán bộ chiến sĩ, mỗi thủ trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 3 con nuôi thuộc hai chương trình; đồng thời kết nối với các nhà hảo tâm tặng nhiều phần quà, học bổng, dụng cụ học tập... đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các con đến trường.

“Như hành trình tiếp sức, nuôi dưỡng ước mơ cho các thế hệ học trò nghèo vùng biên giới đất liền và biển đảo, chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” được triển khai thời gian qua đã góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ chiến sĩ biên phòng với quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, an toàn trong thời kỳ mới” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.

*

* *

Sau những nỗ lực, đặc biệt với sự chắp cánh ươm mầm từ các cha nuôi biên phòng, Nguyễn Ngọc Phước và rất nhiều con nuôi khác đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng nỗ lực phấn đấu trở thành những người con có ích cho xã hội. Ấp ủ dự định phía trước, các em sẽ góp sức cho hành trình nhận “con nuôi”, tiếp nối việc làm tử tế của những “người cha” ở các đồn biên phòng...

Theo ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG (QNO)

-----------------------

Bài cuối: Vì cuộc sống ấm no...

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.