Sáng ngời một tấm gương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi gặp anh hùng A Xâu ngày 23/7/2023. Ông đang sống với người bạn đời là bà Y Poang tại thôn 14, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei. Người anh hùng huyền thoại này đã đi qua 83 mùa rẫy. Trí nhớ tuy suy giảm nhưng dấu ấn cuộc đời binh nghiệp của anh lính đặc công năm xưa vẫn được khắc nhớ như vừa từ những trận đánh trở về.

A Xâu sinh năm 1940 tại xã Đăk Plô. Cậu bé người Giẻ Triêng 14 tuổi gia nhập đội du kích xã, cùng bộ đội địa phương tấn công, tiêu diệt các đồn bốt của địch như đồn Đăk Tó, Đăk Pung, Đăk Rú, Đăk Pék… Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, mạnh mẽ nên năm 1963, A Xâu được tuyển vào Tiểu đoàn 406 - Đặc công Quân khu 5, rồi về Quảng Ngãi học kỹ thuật đánh đặc công. Ông bồi hồi nhớ lại những trận đánh với chiến công vang dội của ông và đồng đội.

Đó là trận đánh đồn Kon Xơ Muh tháng 8/1964. Đồn này nằm trên Quốc lộ 24 thuộc xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy ngày nay. Trận đánh bắt đầu từ 8 giờ tối diễn ra vô cùng ác liệt. Địch chống trả điên cuồng nhưng trung đội của ông đã tiêu diệt hơn 30 tên địch, phá được đồn. Đêm 15/6/1965, trung đội của ông được cử đi đánh cầu Đăk Bla. Anh em có 12 người chia làm 2 mũi. Mũi thứ nhất đánh cầu, mũi thứ hai do A Xâu dẫn đánh trạm gác đầu cầu. Mũi thứ nhất vừa nổ súng, mũi thứ hai xông vào trạm gác. Ông xộc vào cửa quăng một trái lựu đạn vào nhóm địch đang ngồi. Trung đội đã tiêu diệt hoàn toàn trạm gác của địch, mở ra cơ hội cho bộ đội đánh thẳng vào sào huyệt bên trong thị xã Kon Tum.

Vợ chồng anh hùng A Xâu (ảnh chụp cuối tháng 3 /2023). Ảnh: NVC

Vợ chồng anh hùng A Xâu (ảnh chụp cuối tháng 3 /2023). Ảnh: NVC

Với khẩu hiệu “tìm Mỹ đánh, tìm ngụy diệt”, đêm 28/4/1966, chỉ trong vòng hơn 10 phút, A Xâu cùng đồng đội đã tiêu diệt toàn bộ một trung đội công binh của địch tại cầu Đăk Cấm khi chúng đang làm cầu. Cuối tháng 2/1967, ông làm tổ trưởng đi đánh địch tại đồi Ngọc Réo thắng lợi. Tháng 3/1967, ông cùng 5 anh em phá hủy và đốt cháy toàn bộ kho xăng ở đầu cầu Đăk Bla, gây cho địch nỗi kinh hoàng khiếp đảm. Cuối năm 1967, Tiểu đội trưởng A Xâu dẫn đầu đi đánh sập cầu Đăk Cấm của địch và trở về an toàn.

Trong câu chuyện giữa những ngày đất nước chuẩn bị kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong tâm khảm người chiến sĩ đặc công A Xâu còn in sâu trận đánh lịch sử năm 1968. Đúng 12 giờ trưa ngày 30 Tết Mậu Thân (tức ngày 29/1/1968), tiểu đoàn tập trung tại xã Đăk Cấm làm lễ tuyên thệ trước trận đánh lịch sử này. Mỗi người được phát một chiếc khăn đỏ quàng vào cổ, cùng tuyên thệ “Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nhiệm vụ đặc biệt”.

Sau bữa cơm chiều, mỗi người nhận thêm một vắt cơm cho ngày hôm sau rồi cải trang, chia làm các toán nhỏ đi vào khu vực chợ thị xã Kon Tum. Khi ấy, A Xâu là Đại đội phó Đại đội 207 được giao nhiệm vụ đánh Ty Cảnh sát Kon Tum. Trước giao thừa 15 phút, mỗi người nhận một khẩu AK báng xếp, 300 viên đạn và 6 quả lựu đạn. Đại đội chia làm 4 mũi do A Xâu, A Re, A Gẫy và A Đơn làm mũi trưởng. A Xâu xông thẳng vào Ty Cảnh sát ngụy kêu cổng. Tên gác cổng ra mở, nhanh như cắt, A Xâu ghì đầu khống chế bắt dẫn vào trong sân. Lúc này là đúng 12 giờ đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Cả thị xã Kon Tum chìm trong tiếng pháo đón xuân, quyện với tiếng súng, tiếng lựu đạn của các mũi tấn công đồng loạt vào các cơ sở trọng yếu của địch. Chưa đầy 30 phút, mũi do A Xâu chỉ huy đã hoàn thành tiêu diệt mục tiêu và nhanh chóng tiến ra cầu Đăk Bla, đánh cháy kho xăng của địch. Xăng cháy, lửa sáng ngút trời. Anh em rút quân trở lại chợ Kon Tum.

Bị tổn thất nặng, sáng mùng 1 Tết, địch huy động Tiểu đoàn biệt kích nổi tiếng “Lôi hổ” kéo vào thị xã hòng tiêu diệt quân ta. A Xâu cho biết, lúc này đại đội còn 5 người và bị bao vây chặt trong chợ. Suốt ngày và đêm mùng 1 Tết, 5 anh em chia nhau trấn ải các góc chợ, ngoan cường chiến đấu với địch. Mùng 2 Tết, địch huy động thêm quân song chúng không sao vào được trong chợ vì cứ tên nào vào là bị anh em bắn chết. Sáng mùng 3 Tết, chỉ còn 2 anh em là A Xâu và A Gom. Đến trưa mùng 3 Tết, A Gom hy sinh, chỉ còn lại A Xâu một mình cố thủ trong chợ giữa vòng vây khổng lồ của Tiểu đoàn “Lôi hổ” tinh nhuệ.

Ông tìm cách trèo lên máng thượng của chợ tiếp tục chiến đấu. Bọn địch biết lúc này chỉ còn một người nên chúng quyết bắt sống. Một mình A Xâu đeo 3 khẩu súng: 1 sau lưng, 1 trước ngực và 1 trong tay với 2 yếm đạn, mỗi yếm 3 băng cộng với trong súng 2 băng là 8 băng đạn và 12 quả lựu đạn. Chúng tấn công ào ạt, xả súng liên hồi vào chợ, bắc loa kêu gọi đầu hàng sẽ được hưởng khoan hồng… Ông tự nhủ sẽ chiến đấu đến cùng và viên đạn cuối cùng sẽ là viên giành cho mình, quyết không sa vào tay giặc. Từ trên máng thượng của chợ, A Xâu ngoan cường, mưu trí bắn, ném lựu đạn xuống phía địch khá chính xác. Bọn địch chết la liệt cùng với tiếng kêu gào, la chửi.

Khoảng 8 giờ tối mùng 3 Tết, biết không thể bắt sống được, địch phun xăng đốt chợ nhằm thiêu sống. Ông tiếp tục bắn và ném lựu đạn xuống. Phần sợ trúng đạn, phần lửa cháy nóng rát, bọn địch chạy tán loạn vào các nhà dân. Lợi dụng trời tối, ông ôm một tấm tôn từ sân thượng nhảy xuống phía ngoài chợ, đoạn đường Lê Hồng Phong bây giờ, chạy vào sân vận động. Tụi địch la hét bắn và đuổi theo. Lợi dụng đêm tối, ông vừa bắn lại bọn chúng vừa chạy trốn rồi chui xuống cống chỗ Trường THCS - TH Lý Tự Trọng (cũ), vượt qua đường Phan Đình Phùng, men theo rãnh nước đường Trương Quang Trọng, chui vào cống sau chùa Tỉnh hội và nằm im tại đó trọn 1 ngày đêm. Tối mùng 4 Tết, A Xâu lần theo mương nước đi về phía làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung rồi vòng về khu Nhà máy Đường hiện nay, thoát được vòng vây nghiệt ngã của quân thù.

Hành động dũng cảm, ngoan cường chiến đấu của người chiến sĩ đặc công A Xâu mà chúng tôi được ông kể lại như một thước phim sống động về tinh thần xả thân vì nghĩa lớn, vì tự do, hạnh phúc của cả dân tộc cùng đứng lên đánh giặc. Cuộc chiến không cân sức, đối mặt với quân thù ròng rã 4 ngày đêm đói, khát mà vẫn chiến đấu và chiến thắng. Khi thoát khỏi họng súng của địch, A Xâu đã ngất lịm, toàn thân sưng tê, đau nhức, tai điếc, lưỡi cứng lại với nhiều vết thương. Ông kể: “Với cây súng còn 5 viên đạn trên vai, tôi thất thểu bước… thình lình có người ghìm mạnh nòng súng xuống. Rồi hai, ba người nữa chạy lại. Biết đã gặp đồng đội, tôi chỉ thều thào được mấy chữ “bốn linh sáu” rồi lịm đi. Ngày hôm sau tỉnh lại, tôi mới biết anh em tìm được và cáng tôi về đơn vị ở Đăk Cấm”.

A Xâu tâm sự, khi chiến đấu cũng chẳng biết được mình đã giết bao nhiêu tên. Mãi sau này theo báo cáo của đơn vị, ông đã giết được 50 tên địch, đánh bại 16 đợt phản kích của chúng. Tháng 5/1969, ông được điều ra miền Bắc và học tại Học viện Kỹ thật quân sự. Ngày 22/12/1969, A Xâu được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Anh hùng A Xâu nghỉ hưu năm 1988 và trở về với Đăk Glei.

Đồng chí A Phương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei cho biết: “Bác A Xâu sống gương mẫu, nghĩa tình với bà con, luôn là tấm gương cho thế hệ chúng tôi”. Ông có 7 người con đều trưởng thành, nối tiếp truyền thống của gia đình, trong đó có đồng chí Y Thanh, hiện là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, một cán bộ nhiều triển vọng.

Nắm chặt tay ông lúc trở về thành phố, tôi thấy đôi mắt anh hùng A Xâu như ánh lên niềm tin, khát vọng về cuộc sống mới đang tới với đồng bào các dân tộc trên vùng đất Đăk Glei anh hùng.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.