Đến nay Việt Nam đã ghi nhận 976.672 ca COVID-19, hơn 841.000 ca trong số này được chữa khỏi; nhiều tỉnh, thành miền Tây tiếp tục gia tăng ca mắc COVID-19; Sửa đổi điều kiện, thủ tục nhận tiền hỗ trợ COVID-19...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 976.672 ca mắc COVID-19, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.915 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 971.711 ca, trong đó có 838.658 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (439.940), Bình Dương (239.728), Đồng Nai (73.142), Long An (35.897), Tiền Giang (18.496)
|
Đến nay Việt Nam đã ghi nhận 976.672 ca COVID-19, hơn 841.000 ca trong số này được chữa khỏi |
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
Tổng số ca được điều trị khỏi: 841.475
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.390 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2.379; Thở oxy dòng cao HFNC: 573; Thở máy không xâm lấn: 119; Thở máy xâm lấn: 306; ECMO: 13
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 67 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.598 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 23.090.625 mẫu cho 62.456.898 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 90.684.561 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 61.351.433 liều, tiêm mũi 2 là 29.333.128 liều
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 250.998.604 ca, trong đó có 5.069.803 người tử vong. Các nước cũng ghi nhận trên 227 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 73.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 8/11, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh. Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày có xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch "nóng nhất" nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới cả về số ca mắc mới (xấp xỉ 40.000 ca) và ca tử vong (1.190 ca). Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 47.336.577 ca mắc và 775.218 ca tử vong. |
Sửa đổi điều kiện, thủ tục nhận tiền hỗ trợ COVID-19
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23/2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Theo đó, Quyết định 33/2021 sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau đây:
Sửa điều kiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ bảo hưu trí, tử tuất.
Cụ thể, điều kiện hỗ trợ là người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 01/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% số lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 01/2021.
Trước đây quy định người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 04/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 phải giảm từ 15% số lao động tham gia BHXH trở lên
Với hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ để nghị hỗ trợ thành các đợt khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng 01 lần theo chính sách này.
Người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương làm hồ sơ nhận hỗ trợ nếu do dịch bệnh mà không thể thỏa thuận bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác như: Qua điện thoại, tin nhắn, email...
Nhiều tỉnh, thành miền Tây tăng số ca mắc COVID-19
Ngày 8/11, An Giang ghi nhận 560 trường hợp (tăng 29 ca) so với ngày trước đó. Tổng số ca mắc COVID-19 từ ngày 15/4 đến nay của tỉnh là 14.634 trường hợp (có 19 trường hợp tái dương tính).
Đồng Tháp ghi nhận 351 ca mắc (tăng 62 ca so với ngày 7/11), gồm 20 ca về từ vùng dịch, 49 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 202 ca trong khu phong tỏa, 80 ca trong cộng đồng.
Tỉnh Tiền Giang ghi nhận 392 ca mắc COVID-19 mới (tăng 59 ca), trong đó có 55 ca trong cộng đồng, 324 ca trong khu cách ly và 13 ca trong khu phong tỏa.
Vĩnh Long ghi nhận 149 ca (tăng 21 ca so với ngày 7/11). Trong đó, 111 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại TP Vĩnh Long, 24 trường hợp qua khám và sàng lọc tại cơ sở y tế và 14 trường hợp là F1 được cách ly trước đó.
Cần Thơ ghi nhận 400 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trong ngày 8/11 tăng 30 ca so với ngày 7/11. Số ca mắc COVID-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 10.119 ca. Trong số ca mắc mới, 95 ca trong khu cách ly, số cách ly tại nhà 126 và 112 ca cộng đồng.
Ngày 8/11, Bạc Liêu ghi nhận 229 ca mắc COVID-19, chiều 8/11, lực lượng y, bác sĩ của Quân khu 9 đã được chi viện về Bạc Liêu để hỗ trợ tỉnh này phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn chi viện gồm 10 bác sĩ và 10 điều dưỡng thuộc các bệnh viện của Quân khu 9.
Tính đến ngày 8/11, tỉnh Bạc Liêu đã có 5.490 ca mắc COVID-19; đang điều trị 3.919 ca, bình phục 1.525 ca, tử vong 46 ca.
Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành hướng dẫn mới về cách ly tại nhà đối với F1
Ngày 8/11, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có văn bản mới hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc gần (F1) trong phòng, chống dịch COVID-19.
Văn bản này áp dụng cho những người là F1, người trực tiếp chăm sóc F1, người đang cách ly tập trung đủ 7 ngày và có kết quả âm tính được chuyển về cách ly tại nhà, người về từ vùng dịch có chỉ định phải cách ly y tế tập trung nếu đáp ứng đủ điều kiện cũng sẽ được xem xét. Riêng đối với những F1 nguy cơ cao không xem xét cách ly tại nhà.
Theo đó, để được cách ly tại nhà yêu cầu phải là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, chung cư. Trước cửa nhà sẽ có biển cảnh báo, có thùng đựng chất thải nguy cơ.
Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Căn phòng này phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng… Phòng cách ly phải có thùng đựng chất thải lây nhiễm và thùng đựng chất thải sinh hoạt riêng; Không được sử dụng điều hòa trung tâm, bảo đảm thông khí và thường xuyên mở cửa sổ…
Đối với F1 phải có cam kết với địa phương, không ra khỏi phòng cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như người khác, hoặc tiếp xúc với vật nuôi trong suốt thời gian thực hiện cách ly. Đồng thời phải thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, không sử dụng chung đồ dùng với các thành viên khác, thực hiện khai báo theo quy định và thực hiện lẫy mẫu ít nhất 3 lần. Sau khi hết thời gian cách ly phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Ngày 7/11, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ghi nhận 149 ca mắc mới. Những ngày gần đây, địa phương này cũng liên tục ghi nhận số ca mắc xu hướng tăng cao.
Thái Bình (suckhoedoisong.vn)