Sáng 30/1: Bệnh nhân COVID-19 nặng giảm mạnh, còn 3.869 ca; Tăng chuyến bay quốc tế đáp ứng nhu cầu về nước dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có hơn 1,96 triệu ca COVID-19 ở nước ta khỏi bệnh; số bệnh nhân nặng đang điều trị giảm mạnh; Bộ Y tế đề nghị cơ sở khám chữa bệnh bộ ngành tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19; Tăng chuyến bay quốc tế đáp ứng nhu cầu về nước dịp Tết...

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.233.287 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.628 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.226.343 ca, trong đó có 1.959.780 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (513.578), Bình Dương (292.823), Hà Nội (125.866), Đồng Nai (99.859), Tây Ninh (87.962).

 

 Theo thống kê của Bộ Y tế số bệnh nhân COVID-19 nặng đang giảm
Theo thống kê của Bộ Y tế số bệnh nhân COVID-19 nặng đang giảm


Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.962.597 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.869 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.650 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 551 ca; Thở máy không xâm lấn: 144 ca; Thở máy xâm lấn: 505 ca; ECMO: 19 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 136 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.547 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.160.720 mẫu tương đương 77.143.753 lượt người, tăng 55.881 mẫu so với ngày trước đó.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 180.876.701 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.041.734 liều, tiêm mũi 2 là 74.099.772 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 27.735.195 liều.

 

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 7.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 372,7 triệu ca, trong đó trên 5,67 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (332.398 ca), Ấn Độ (229.576 ca) và Brazil (174.461 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.070 ca), Ấn Độ (892 ca) và Nga (668 ca).

Ngoài ra, còn 4 quốc gia nữa ghi nhận trêm 100.000 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua: Mỹ, Nga, Italy, Đức. Trong đó, Nga lần đầu vượt mốc 100.000 ca mắc mới/ngày.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với trên 75,4 triệu ca, trong đó trên 906.000 ca tử vong.

Ngày 29/1, giới chức y tế Nhật Bản ghi nhận hơn 84.000 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát và cũng là ngày thứ 5 liên tiếp lập mốc mới.

Ngày 29/1, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết cả nước đã ghi nhận 17.542 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 17.349 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc lên 811.122 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày cao kỷ lục, tăng vọt so với mức 8.570 ca được ghi nhận ngày 25/1.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24h qua, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 64.642 ca mắc COVID-19 và 236 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 16.517.152 ca, trong đó 313.617 người tử vong.

Tăng chuyến bay quốc tế đáp ứng nhu cầu về nước dịp Tết Nguyên đán, nhập cảnh không cần test nhanh

Sẽ tăng tần suất chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), mở rộng thí điểm tới châu Âu và Úc để đáp ứng nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết như trên.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp xét nghiệm, phòng chống dịch với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế và thông lệ quốc tế: như khai báo y tế trước khi nhập cảnh; sau khi nhập cảnh Việt Nam phải cài đặt và sử dụng PC COVID để khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ...

Người nhập cảnh không cần xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay.

Công văn này cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước thúc đẩy các đối tác sớm trả lời đề nghị nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ và để người Việt Nam không bị yêu cầu cách ly khi đến các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đồng thời, các Cơ quan đại diện của Việt Nam cũng có hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh với người Việt Nam bị các nước từ chối nhập cảnh. Bộ Y tế có hướng dẫn phòng chống biến chủng Omicron với người nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không, đường bộ và đường thuỷ.
Y tế bộ ngành tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 được phát hiện khi đến khám bệnh hoặc đang điều trị tại Bệnh viện

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi lãnh đạo y tế các bộ, ngành về việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo Bộ Y tế, căn cứ Công điện số 1695/CĐ-BYT của Bộ Y tế về việc đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các Đồng chí Lãnh đạo trực thuộc Bộ, ngành xem xét giao nhiệm vụ cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 được phát hiện khi đến khám bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị tại Bệnh viện.

Đồng thời hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19 cho địa phương khi có đề nghị, bảo đảm phù hợp với khả năng tiếp nhận và năng lực chuyên môn của Bệnh viện.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản giao 37 bệnh viện, viện tuyến trung ương có trách nhiệm tiếp nhận thăm khám, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).

Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.


Ca COVID-19 ở miền Tây giảm mạnh

Cà Mau ghi nhận 126 ca COVID-19, trong đó có 116 ca cộng đồng; có 397 người điều trị khỏi, một trường hợp tử vong.

Hậu Giang ghi nhận 111 ca mắc COVID-19, trong đó 105 ca cộng đồng, điều trị khỏi 267 ca, 3 trường hợp tử vong.

Bến Tre có thêm 109 ca mắc COVID-19 mới, tất cả đều F0 cộng đồng, có 193 người điều trị khỏi, trong ngày thêm 2 bệnh nhân tử vong.

 

 Các y bác sĩ Bệnh viện Nhi TW cùng đồng nghiệp Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long trao đổi phương án điều trị người bệnh COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực tỉnh Vĩnh Long Ảnh: BSCC
Các y bác sĩ Bệnh viện Nhi TW cùng đồng nghiệp Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long trao đổi phương án điều trị người bệnh COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: BSCC


Vĩnh Long thêm 105 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 60 ca cộng đồng, điều trị khỏi 58 ca; một trường hợp tử vong.

Tiền Giang có 62 ca dương tính, trong đó có 6 ca bằng phương pháp PCR và 56 ca test nhanh kháng nguyên, 52 ca điều trị khỏi và thêm 7 bệnh nhân tử vong.

Trà Vinh phát hiện 59 ca mắc COVID-19, trong đó 50 ca cộng đồng, 357 trường hợp khỏi bệnh, 2 bệnh nhân tử vong.

Bạc Liêu có thêm 35 ca COVID-19, trong đó có 31 F0 cộng đồng, 155 ca được xuất viện và 4 ca tử vong.

TP Cần Thơ có thêm 29 ca COVID-19, 63 người điều trị khỏi, 8 ca tử vong. Địa phương này hiện có 3.489 F0 đang điều trị tại nhà, 392 ca đang điều trị tại cơ sở y tế.

An Giang thêm 13 ca mắc COVID-19; 61 F0 điều trị khỏi được xuất viện; 4 bệnh nhân tử vong.

Sóc Trăng ghi nhận 9 ca nhiễm SARS-CoV-2; 127 ca điều trị khỏi bệnh được xuất viện và 9 bệnh nhân tử vong.


https://suckhoedoisong.vn/sang-30-1-benh-nhan-covid-19-nang-giam-manh-con-3869-ca-tang-chuyen-bay-quoc-te-dap-ung-nhu-cau-ve-nuoc-dip-tet-169220130082358121.htm

Theo THÁI BÌNH (suckhoedoisong)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.