'Săn thần dược' nơi đáy sông: Trùn nước sông Thoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghề đào trùn nước nơi hạ nguồn sông Thoa bắt đầu khoảng 40 năm trước. Thuở ấy, trùn nước khá nhiều nên cư dân ven bờ chờ thủy triều xuống, phơi lòng sông cạn rồi lội bộ đào bới. 
 
Ngụp lặn đào trùn nước. Ảnh: Trang Thy
Nhiều người ngụp lặn trong nước, bổ cuốc xuống đáy sông tìm bắt trùn nước. Trông họ tựa vận động viên nhào lộn giữa dòng nước lững lờ trôi. Lát sau, họ lội vào bờ với làn da tím tái vì lạnh, nhưng nụ cười lại rạng rỡ trên gương mặt sạm đen.
Ngụp lặn mưu sinh
Chiều phai nắng, sông Thoa lững lờ trôi giữa xóm làng, bờ bãi mướt xanh cây trái. Gió từ biển qua cửa Mỹ Á (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) ngược sông tạo nên gợn sóng nhấp nhô làm lay động cỏ dại chìm nổi đôi bờ. Nhiều người mang kính lặn cùng chiếc cuốc cán ngắn trong tay ngụp lặn giữa làn nước đào trùn nước lợ (sá sùng, địa sâm...). Qua kính lặn, họ phát hiện miệng hang nơi đáy sông và bổ những nhát cuốc vội vàng xuống lớp cát pha bùn rồi chộp con trùn nước đang tìm cách trốn thoát.
 
Một "cuốc thủ" đào trùn nước vừa lên bờ
Trùn nước bắt được cho vào áo thun mặc trên người buộc sợi dây bên dưới tránh rơi rớt. Con vật lớn hơn ngón tay cái và dài chừng 30 cm với làn da nhơn nhớt ngọ nguậy trên thân thể. Chốc lát, họ ngoi lên mặt nước thở những hơi dài mệt nhọc rồi tiếp tục lặn ngụp đào bắt. Nhiều người ví von đấy là nghề "trốn đời nơi đáy sông", nghe chợt chạnh lòng. Khi trùn khá nhiều trong áo, họ lội vào bờ, sợi dây buộc cuối áo được nới lỏng, những con trùn nước rơi xuống cát ngo ngoe như muốn tìm hang trú ẩn.
Sau buổi ngụp lặn vất vả, mỗi người bắt chừng 10 kg trùn nước với giá bán khoảng 1 triệu đồng, nhiều bữa thu được gần 3 triệu đồng, khoản tiền khá lớn đối với người dân quê. "Lặn đào trùn nước thu nhập cao nhưng rất vất vả, những người khỏe mới làm nổi. Khi lặn trong nước phát hiện miệng hang thì tay phải đào mạnh và nhanh rồi lẹ tay bắt lấy chứ không trùn trốn mất. Tối về tay chân rã rời, thân thể ê ẩm. Vì phải đi chân trần nên nhiều lúc đạp phải gai hay mảnh sứ vỡ, vỏ trai... chảy máu. Tay phải cào bới nhanh nên thường bị trầy xước...", anh Võ Tấn Thâu, ở xã Phổ Quang (H.Đức Phổ) tâm sự.
Nghề đào trùn nước nơi hạ nguồn sông Thoa bắt đầu khoảng 40 năm trước. Thuở ấy, trùn nước khá nhiều nên cư dân ven bờ chờ thủy triều xuống, phơi lòng sông cạn rồi lội bộ đào bới. Nhưng lúc đó trùn nước chỉ dùng làm mồi câu cho tàu cá đánh bắt gần bờ nên giá bán chẳng đáng là bao. Số tiền kiếm được sau những giờ lao động mệt nhọc chỉ đắp đổi rau cháo qua ngày. Từ năm 2002, một số thương lái ở tỉnh Bình Định đến tận nơi thu mua với giá cao khiến nhiều người "xới tung" cả lòng sông lúc nước ròng.
 
Trùn nước được xem là "thần dược" với cánh mày râu
Ông Đoàn Văn Giáp hồi tưởng quãng thời gian nhiều người dân quê "đổi đời" nhờ nghề đào trùn nước nơi đáy sông. Lúc ấy, trùn nước khá nhiều với miệng hang xuất hiện dày đặc mỗi khi thủy triều rút. Cư dân trong làng í ới gọi nhau mang cuốc và thùng nhựa ra sông hì hụi đào xới giữa trưa nắng ngày hè hay rét buốt chiều đông. Mỗi bữa như thế, ông bắt được cả tạ trùn nước với giá bán mỗi ký 10.000 đồng, mua được 2,5 chỉ vàng lấp lánh trong mắt bao người dân quê lam lũ.
"Mới đầu đi đào vất vả lắm, mình mẩy mỏi nhừ, sáng dậy không nổi. Sau đó quen dần, đào cả ngày lẫn đêm. Nghề này không phải dễ đâu, bảy ngày đầu tôi chẳng bắt được con nào cả. Lúc ấy trùn nước còn nhiều lắm nên chỉ lội bộ đào bắt chứ không ai ngụp lặn như bây giờ. Khi nước rút nhìn thấy hang trùn dày đặc. Nhiều con nặng 1 - 1,5 lạng nên đào mau nặng ký lắm. Giờ giá bán khá cao nên có nhiều người đào bắt. Vì thế, lượng trùn nước sụt giảm so với trước", ông Giáp nói.
Những năm trước, anh Thâu cùng nhiều thanh niên trong làng vượt hàng trăm cây số vào tận H.Tuy Phước (Bình Định) ngụp lặn đào trùn nước nơi hạ nguồn sông Côn. Các anh được thương lái địa phương lo nơi trú ngụ, ăn uống và thu mua trùn nước đào bắt với giá thấp hơn thị trường. Chừng nửa tháng nhọc nhằn sông nước miền xa, họ về thăm nhà và mang tiền cho gia đình.
"Thần dược" nơi đáy sông
Xa xưa, trùn nước được xem là loại thực phẩm bổ dưỡng, dùng để dâng cho vua chúa. Quan lại hay người giàu có mới có đủ tiền thưởng thức những món cao lương mỹ vị chế biến từ loài hải sản "lánh đời trong hang" nơi đáy sông. Theo đông y, trùn nước có tác dụng tráng dương, bổ khí huyết, giúp giải nhiệt, làm mát phổi và cải thiện công năng tỳ vị, bồi bổ cơ thể, giúp các cơ quan tiêu hóa tốt, tránh các chứng bệnh như nóng sốt về chiều, đổ mồ hôi bất thường. Loài này còn dùng hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi, đau nhức xương khớp, lồng ngực bứt rứt khó chịu, ho khạc đờm nhiều do phế hư, răng lợi sưng đau...
 
Hạ nguồn sông Thoa, nơi mưu sinh của nhiều người dân quê
Nhưng cư dân đôi bờ hạ nguồn sông Thoa thuở trước "không thèm ăn con trùn to nhơn nhớt" vì tôm cá dồi dào đánh bắt từ sông quê và biển cả bao la. Khi tư thương nơi khác đến thu mua với giá cao thì họ mới biết được giá trị dinh dưỡng của loài hải sản quý giá. Cánh mày râu rỉ tai nhau: "Rượu ngâm trùn nước ông uống bà khen, mồi trùn nước ông ăn bà khoái" và xem đấy là thần dược. "Những món ăn chế biến từ trùn nước bổ dưỡng lắm. Người bị đau cảm, cơ thể mệt mỏi, ăn cháo trùn nước nấu với gạo và nén là khỏe liền...", ông Giáp cho biết.
Bên cạnh việc đào bắt, anh Thâu mua trùn của người trong làng mang về sơ chế rồi bán cho khách hàng có nhu cầu. Trùn nước được anh rửa sạch, lộn ruột bên trong ra ngoài rồi tiếp tục rửa qua nước sạch, phơi khô dưới ánh nắng chói chang miền cát trắng. Mỗi ký trùn khô anh bán với giá 2,5 triệu đồng nhưng vẫn có nhiều người hỏi mua. Vợ chồng anh còn ướp lạnh trùn tươi làm thỏa lòng những thực khách sành ăn. "Nhiều người vào quán vợ chồng tôi kêu món trùn nước xào để nhâm nhi. Họ bảo ăn thứ đó sung mãn lắm nên giá có hơi cao vẫn mua...", anh Thâu cho biết.

Sông Thoa là chi lưu của dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức (Quảng Ngãi). Khi vào địa phận Đức Phổ, dòng sông này góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó nên lượng hải sản nơi hạ nguồn dồi dào và phong phú. "Hiện có hơn 70 người mưu sinh nơi hạ nguồn sông Thoa với nghề buông lưới, cào trai, hến và chem chép... chưa kể nhiều người như tôi thả lưới bắt tôm, cá cải thiện bữa cơm gia đình. Nghề đào trùn nước đem lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều người dân ở địa phương. Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt theo kiểu hủy diệt để bảo vệ nguồn lợi hải sản...", ông Phạm Văn Mịnh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phổ Quang, cho biết.

Trang Thy (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.