Săn "thần dược" biển Phú Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đời sống nâng cao, nhu cầu hưởng thụ của ngon vật lạ trong giới nhà giàu nảy sinh. Từ đó, những cuộc săn lùng "thần dược" trên rừng, dưới biển cũng bắt đầu trở thành nghề mưu sinh cho nhiều người...
1.Làng chài Hàm Ninh là làng chài cổ xưa nhất của Phú Quốc, nơi có khoảng 20 lão ngư dạn dày sương gió, mạnh mẽ trước biển cả. Như thường lệ, ngư phủ Lê Thanh Thuyền (35 tuổi) chuẩn bị tươm tất tay lưới cho chuyến vươn biển săn "thần dược" cá ngựa. 7 giờ sáng, anh Thuyền ôm đồ nghề ra cầu cảng, nơi có con tàu bé nhỏ, công suất vừa phải đang neo đậu. Chuyến biển hôm nay không có bạn đi cùng nên anh Thuyền vừa là thuyền trưởng, vừa là thủy thủ. Một mình anh chèo chống con tàu, quăng lưới, kéo vớt những mẻ chài nặng hàng tạ.
 
O
Cá ngựa khô bày bán ở chợ Hàm Ninh.
Phú Quốc được mệnh danh là vùng biển giàu có cá ngựa bậc nhất Việt Nam. Cá ngựa bây giờ khan hiếm, tàu phải đi xa vài hải lý, độ sâu dăm bảy mét nước. Trước đây chỉ cần bước chân xuống biển, nước ngang thắt lưng là bắt được cá.
Tàu chạy gần một tiếng thì tới điểm quăng lưới đánh bắt cá ngựa. Anh Thuyền giữ tàu bằng chiếc mỏ neo cũ kỹ, hoen gỉ muối biển. Giắt lưới đầu tiên bao giờ cũng mang đầy niềm tin và hy vọng. Khi lưới vào vị trí, anh Thuyền cho tàu chạy chầm chậm để lưới quét cá ngựa. Lúc này, anh có thời gian ngồi trên mạn thuyền ngắm trời xanh, biển xanh, mây bàng bạc lững lờ trên mái đầu. Tiếng sóng bủa mạn tàu, tiếng gió rít qua kẽ răng, phần phật vào khuôn mặt đen nhóng nhánh của anh Thuyền. 
Nụ cười tỏa nắng giữa biển cả, anh Thuyền cất giọng đậm đặc sóng gió: "Ngồi đây thưởng thức biển trời thú vị lắm. Cái nghề săn cá ngựa bây giờ không còn thịnh hành nữa và cũng chẳng giàu có gì nhưng chúng tôi vẫn đi, vẫn mê cánh sóng và yêu cái màu nước thanh khiết, trong ngần của biển". 
Một mình trên con tàu, đánh vật với tấm lưới nhưng anh Thuyền chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Với ngư phủ này, được ra biển, vẫy vùng chính là đam mê và sở thích. Hơn 20 năm trong nghề lưới rẽ, chịu đựng vô vàn gian truân và bất trắc, Thuyền đã già hơn tuổi đời rất nhiều.
Khi những luồng cá dần rời xa ngư trường truyền thống, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn, Thuyền chuyển sang nghề săn cá ngựa. Gần 10 năm trước, cá ngựa ở vùng biển Hàm Ninh tương đối dồi dào, đông đúc. Săn cá ngựa đỡ vất vả hơn công việc đánh cá xa bờ về sức kéo và thời gian, nhưng người săn cá ngựa vẫn phải phơi mình dưới cái nắng giòn tan của biển cả, phải gồng mình chống chọi với sóng to, gió lớn.
 
Cầu cảng làng chài Hàm Ninh, nơi có hơn 20 thợ săn biệt dược biển Phú Quốc.
Sau hơn một giờ thả lưới và cào trên chiều dài hơn 5 cây số, Thuyền dừng máy và bắt đầu kéo mẻ lưới đầu tiên. Cá ngựa có kích thước nhỏ, khả năng đổi màu linh hoạt và đeo bám rất giỏi trong cỏ và các rạn đá nên cánh thợ săn ngầm rất khó phát hiện, chỉ có những loại cào chuyên dụng mới bắt được chúng. Giàn cào là một gọng sắt rộng 7 mét, miệng cào thiết kế có 5 sợi xích kiểu răng lược đủ để đánh bật con cá ngựa bám chặt trong cỏ, đá hoặc các rạn san hô.
Vùng biển Thuyền hay thả cào có tảo và san hô nhiều nên cá ngựa thường về trú ngụ, số lượng đánh bắt nhiều hơn các vùng biển khác. Nói là nhiều nhưng một mẻ cào, Thuyền chỉ thu về vỏn vẹn 3 con cá ngựa bằng ngón tay cái.
Từ khi Phú Quốc thu hút du lịch thì cuộc săn tìm cá ngựa ở khắp biển Tây Nam cũng ngày càng ráo riết. Cá ngựa bị khai thác triệt để, bây giờ mỗi chuyến ra khơi, ngư dân nào "mát tay" cũng chỉ thu về 2 đến 3 lạng cá ngựa.
 
Anh Thuyền trong một chuyến đi biển săn cá ngựa.
Sau một ngày săn "thần dược", Thuyền trở về bờ, số cá ngựa đánh bắt được có lái buôn thu mua ngay. Trung bình mỗi chuyến đi săn, Thuyền kiếm được khoảng 500 ngàn. Đấy là vào những tháng gió nồm, còn vào mùa bấc, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, số ngày đi biển được một nửa trong tháng nên tiền kiếm được chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
Thuyền giải thích: "Nếu như nhân sâm được xem là báu vật của vùng đất phương Bắc thì hải mã chính là báu vật của biển phương Nam. Quý là vậy nên khan hiếm là lẽ đương nhiên. Trong số hải long, hải yến, hải xà thì hải mã bắt được bán có giá trị nhất".
Kỳ thủ săn cá ngựa trên một thập kỷ nhưng bản thân Thuyền chưa bao giờ dám dùng món thượng hạng này. Anh gãi đầu ngượng ngùng: "Vì mắc quá nên không dám nghĩ tới. Ăn mất một con là hao hụt nồi cơm bát gạo".
Cầu tàu gần chợ Hàm Ninh là nơi bày bán cá ngựa nhiều nhất, phong phú và đa dạng, cá ngựa khô, tươi, ngâm rượu... đều hội tụ ở đây. Cá ngựa Hàm Ninh có kích thước nhỏ hơn nơi khác nhưng công dụng của nó thì hiệu nghiệm hơn nhiều. Tuy nhiên, những thứ bày bán ở "chợ trời" vẫn cần phải xem xét thật kỹ trước khi mua, đặc biệt đây lại là "thần dược".   
2.Một loại thần dược không hề kém cạnh hải mã chính là hải sâm (rum biển) cũng được giới nhà giàu săn lùng tới tận hang ổ. Ở Phú Quốc, người ta gọi hải sâm là "đồn đột hay đột ngậu". Đây là món ăn trong "Tứ đại danh thái", tức bốn loại phực phẩm quý, bên cạnh óc khỉ, tay gấu, yến sào, vốn chỉ dành cho vua chúa thời xưa. 
Loại hải sản cao cấp này có giá trị dinh dưỡng cao, được dân gian truyền tụng giúp bổ thận, bổ huyết, có tác dụng hỗ trợ điều trị tim mạch, cao huyết áp, ung thư, suy nhược thần kinh… Chúng tôi có dịp tiếp chuyện với thợ săn hải sâm Nguyễn Văn Tánh (Tánh ''đen'') trong dịp hiếm hoi anh không đi biển. 
Tánh "đen" cho biết, vài năm trước, anh chỉ cần ra khu ghềnh đá là có thể bắt được hải sâm, nhưng giờ đây phải ra tận ngoài khơi xa, lặn xuống độ sâu 40-50m. Nghề này chỉ bỏ công sức chứ không cần vốn nhiều. Chỉ cần một cái dầm sắt nhọn dài khoảng 50cm và một bộ đồ lặn là có thể hành nghề. Có những lần gặp vỉa (ổ), thợ lặn kiếm vài triệu chỉ trong một ngày.
Trên khuôn mặt rạn nứt bởi sóng gió, Tánh "đen" nhíu mày, thoáng chút thẫn thờ khi nhìn ra phía biển, nơi đang nuôi dưỡng ước mơ của hai đứa con anh. Nghề lặn biển bào mòn sức khỏe, lấy đi vẻ đẹp trai, thanh sắc của biết bao thợ lặn. Có lẽ điều đó không làm họ chùn chân, nhụt chí. Với Tánh "đen" thì lặn biển còn là ký ức cả một thời trai trẻ bi hùng, kiêu hãnh của cha con anh. 
Cách đây 20 năm, khi ấy, Tánh "đen" còn là một thanh niên 17 tuổi, vạm vỡ sức trai, cường tráng thể lực. Anh theo cha đi đánh cá biền biệt ở vùng biển Tây Nam, vài tháng mới trở về bờ. Tánh "đen" có khả năng bơi lội như rái cá, từng phụ trách khâu "nghe" tiếng cá "nói chuyện" ở dưới đáy biển để chỉ điểm vị trí buông lưới. 
Trong một chuyến đi trời yên bể lặng, chẳng hiểu do hà bá thủy thần xui khiến mà người đầu bếp trên tàu bị rơi xuống biển, bị chính mũi tàu cán qua tử vong. Đận đó, cha anh phải bán tàu đền tiền rồi phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ già, hai con nhỏ của người ta. Cái khí phách đại trượng phu của lão ngư khiến ông day dứt, ân hận, nuối tiếc mãi. 
Rồi tự nhiên ông bỏ biển, trở về đất liền làm rẫy. Không còn tàu ra khơi, Tánh có thời gian lên TP Hồ Chí Minh làm cho công ty bảo vệ. Được vài năm thấy không khá giả gì bèn trở về ngôi nhà nhỏ trên đảo ngọc. "Thần dược" biển lên ngôi, Tánh "đen" quay trở lại nghề lặn biển. Cái nghề vừa cho Tánh thỏa chí đam mê, vừa mang lại thu nhập cao.
Nói chuyện với chúng tôi, Tánh "đen" khoe chuyện hải sâm bị trôi dạt vào bờ tại các bãi Dinh Cậu, Cửa Lấp, Dương Tơ vào năm 2015. Nhiều gia đình bắt được cả trăm kilôgam, bán tại chỗ với giá 60.000 - 80.000 đồng mỗi kilôgam. Lần đó vợ anh làm "đầu nậu" thu mua, lời cả chục triệu đồng chỉ trong một ngày.
 
Thợ săn hải sâm chuẩn bị xuống đáy biển.
Rum biển có nhiều loại và chúng sinh trưởng ở những độ sâu khác nhau: rum trắng, rum đen, rum dừa ở mực nước từ 2m cho tới 30m. Trong đó loại rum vú trắng ở độ sâu từ 50-70m, bán với giá 3 triệu/kg. Giá hải sâm cao, nhiều ngư phủ bỏ tàu làm thợ lặn. Ở Phú Quốc có thời điểm, người người săn rum, nhà nhà bán rum. Biển cả nhộn nhịp "người cá".
Anh Tánh cùng vài thợ lặn khác tập trung săn rum vú trắng. Để bắt được loại rum này, thợ lặn phải ở đáy biển tối đa 30 phút. Đội đi săn ít nhất phải có 3 người, một người điều khiển tàu, một cầm giây và một thợ lặn. Khi thợ lặn đã xuống biển, sau 20 phút, người cầm giây phải giật dây hơi một lần, đến 30 phút dù thợ lặn có trúng ổ rum cũng phải bắt buộc kéo lên.
Biển bạc khó nuốt, vì đi lặn mà không ít người phải bỏ mạng, sống liệt giường, mang tật nguyền suốt đời. Tánh giải thích: "Ở độ sâu từ 40 mét trở lên, áp lực của nước rất lớn. Không ít người bị vỡ mạch máu, tử vong dưới đáy biển và cũng không ít thợ lặn khi ngoi lên bờ bị chảy máu tai máu mũi, ngất lịm. Sau thời gian chữa trị có thể bị liệt tay chân hoặc nửa người, phải ngồi xe lăn. Biết là vậy nhưng chẳng ai sợ, thợ lặn chúng tôi vì tiền, vì cuộc sống mà lao mình xuống biển, chấp nhận tất cả".
Ngọc Hoa (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.