Từ nhiều năm nay, sản phẩm chả cá thát lát của Cơ sở chế biến thủy sản Cô Sáu (thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) được người tiêu dùng đánh giá cao. Ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu cá thát lát có nguồn gốc từ tự nhiên khai thác từ lòng hồ Ayun Hạ, sản phẩm còn được chế biến theo phương thức truyền thống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Ngô Viết Giỏi-Chủ cơ sở chế biến thủy sản Cô Sáu-cho hay: Chả cá thát lát của cơ sở đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Đến nay, sản phẩm không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh mà còn xuất bán ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2024, cơ sở đã chế biến gần 1 tấn chả cá thát lát và giữ nguyên giá bán 260 ngàn đồng/kg.
Đến thời điểm này, khách hàng đã đặt mua gần 3 tạ làm quà biếu người thân và sử dụng trong gia đình. Dự kiến từ nay đến 26 tháng Chạp âm lịch, cơ sở sẽ không đủ nguồn hàng để cung cấp vì ngư dân đánh bắt cá từ các tỉnh miền Trung đã bắt đầu về quê đón Tết.
“Ngoài sản phẩm chủ lực là chả cá thát lát tự nhiên, trong dịp Tết năm nay, cơ sở còn đưa ra thị trường sản phẩm mới là cá rô phi Na Uy phi lê đông lạnh. Qua đó, cơ sở mong muốn tìm hiểu nhu cầu thị trường để từng bước nâng tầm các sản phẩm thủy sản trên địa bàn huyện Phú Thiện”-ông Giỏi thông tin thêm.
Ông Hoàng Ngọc Khương (thôn 6, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) nuôi cá lồng để phục vụ thị trường Tết. Ảnh: N.D |
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Khương (thôn 6, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) thì cho hay: “Tôi nuôi cá trong hồ tự nhiên và nuôi cá lồng từ nhiều năm nay. Để có nguồn cá phục vụ trong dịp Tết, từ tháng 3, tôi đã thả cá giống. Giờ chuẩn bị thu hoạch, cá đạt trọng lượng khoảng 3 kg/con. Hiện nay, tôi đã phân loại gần 4 tạ cá trắm cỏ từ 3 kg/con trở lên để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong những ngày Tết”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Gia Lai có diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản 15.350 ha, trong đó, diện tích nuôi 1.050 ha, diện tích khai thác 14.300 ha. Toàn tỉnh hiện có 590 ô lồng nuôi cá đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống hàng ngày của người dân địa phương.
Ông Hồ Quang-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-cho hay: Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn huyện là 2.000 ha, trong đó, diện tích nuôi trồng 159 ha, diện tích khai thác 1.841 ha.
Hiện 16 hộ dân tại các xã Ia Nhin, Ia Kreng, Ia Phí, Hà Tây… nuôi cá lồng, bè trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi với 76 lồng nuôi các loài cá truyền thống như: cá lăng, trê, lóc, diêu hồng, trắm cỏ… khai thác nhiều đợt trong năm. Dự kiến trong tháng 1-2024, tổng sản lượng thủy sản bán ra thị trường đạt 59 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng 31 tấn và sản lượng khai thác 28 tấn.
Người dân xã Ia Phí (huyện Chư Păh) nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-thông tin: Những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng bền vững. Người dân không còn đầu tư nuôi cá theo hình thức quảng canh mà chuyển sang nuôi bán thâm canh, thâm canh trong ao hồ tự nhiên và nuôi lồng bè trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp cùng các địa phương xây dựng nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân nuôi trồng thủy sản. Ngoài nuôi các loài cá truyền thống, một số địa phương đã triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản mới như: mô hình nuôi cá chình hoa thương phẩm (huyện Kbang); nuôi tôm càng xanh thâm canh trong ao đất và cá rô phi Na Uy (huyện Phú Thiện); nuôi cá thát lát cườm (huyện Đak Đoa); nuôi cá lăng nha trong lồng (huyện Chư Păh)...
Bước đầu, các loài thủy sản mới đang thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, đem lại thu nhập khá cho người dân. Điều này mở ra hướng đi mới để đánh thức tiềm năng nuôi trồng thủy sản của các địa phương.