Sâm 'quốc bảo' Việt là sâm gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sâm Việt được coi là 'quốc bảo'. Chính phủ cũng đã đưa ra chương trình, định hướng phát triển sâm Việt với nhiều kỳ vọng. Nhưng để kỳ vọng đó trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm.

Hầu hết người Việt đang mặc định loại sâm Việt tốt nhất hiện nay là sâm Ngọc Linh (SNL). Nhưng một số nhà khoa học khẳng định có một loài sâm được coi là "em sinh đôi" với SNL vì có hình thái, gen và những "phẩm chất" tương đồng. Đó là sâm Lai Châu (SLC).

Vườn sâm Lai Châu

Vườn sâm Lai Châu

Đặt vấn đề một loài sâm Việt cũng có phẩm chất ngang SNL là khá nhạy cảm, dù nhà nước đã xếp loại sâm đó vào hàng "quốc bảo" như SNL. Thực tế SNL đang được truyền thông và người tiêu dùng "ưu ái" hơn. SNL được coi là báu vật, một dược liệu quý không thể bàn cãi bởi nhiều nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định điều đó. Nhưng nếu chỉ "ưu ái" SNL hơn SLC, một loại sâm quý đã có các nghiên cứu khoa học (dù ít hơn SNL) chứng minh nó như "anh em sinh đôi", có những phẩm chất quý tương tự SNL, thì liệu có công bằng?

Quả sâm Lai Châu

Quả sâm Lai Châu

'Người em sinh đôi' của sâm Ngọc Linh thế nào?

SNL được các nhà khoa học phát hiện rất sớm. Năm 1973, dược sĩ Đào Kim Long bật khóc vì quá vui mừng khi phát hiện SNL tại dãy núi Ngọc Linh, thuộc Kon Tum và Quảng Nam, và đặt danh pháp khoa học cho loài sâm này là Panax articulatus KL Dao. Sau đó, năm 1985, loài sâm này đã có danh pháp khoa học chính thức Panax vietnamensis Ha et Grushv.

Vườn sâm Ngọc Linh

Vườn sâm Ngọc Linh

Nhưng phải đến gần 30 năm, thứ (variety) sâm được coi là "anh em sinh đôi" với SNL mới được công bố, đó là SLC. Điều bất ngờ, công bố này lại được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu nước ngoài gồm Trung Quốc và Nhật. Các bài báo của nhóm nghiên cứu này được công bố trên chuyên san uy tín Journal of Natural Products (thuộc Hiệp hội Hóa học Mỹ) vào năm 2002 với loài sâm nghiên cứu là Yesanchi có tên khoa học Panax japonicus. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, các nhà khoa học đã "đính chính" loài này là Panax vietnamensis var. fuscidiscus, một thứ mới của sâm VN trên chuyên san nội địa của xứ sở mặt trời mọc Journal of Japanese Botany. Các tác giả nước ngoài đã mô tả đó là một thứ mới của SNL (Panax vietnamensis Ha et Grushv). Vài năm sau đó, các nhà khoa học VN công bố thứ sâm này cũng mọc tự nhiên ở Lai Châu, nên gọi là SLC.

Quả sâm Ngọc Linh

Quả sâm Ngọc Linh

"Dựa vào các công trình nghiên cứu về gen, về thành phần hóa học saponin, SLC không hề thua kém SNL, được coi là anh em sinh đôi với SNL", TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu lâm sinh), người dày công nghiên cứu về SLC, cho biết.

Kết quả nghiên cứu "Bảo tồn và phát triển SLC, Tam thất hoang tại các xã vùng cao huyện Mường Tè" do TS Phạm Quang Tuyến và cộng sự thực hiện năm 2018, cũng đã chỉ ra SLC là nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với VN và thế giới. Về dược chất trong SLC thì tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hóa, an thần. Nghiên cứu định lượng saponin toàn phần bằng phương pháp cân cho thấy hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu SLC và SNL tương đương nhau (khoảng 20%), trong khi các mẫu Tam thất hoang thấp hơn nhiều (khoảng 3%)...

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu so sánh đánh giá chất lượng dược liệu cho các loài cùng chi sâm (Panax L.) tại VN ở cùng tuổi, do PGS-TS Đỗ Thị Hà (Viện Dược liệu) và TS Phạm Quang Tuyến thực hiện năm 2018, cho thấy hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu lần lượt là: SNL (22,29%); SLC (21,95%), sâm Vũ diệp (7,5%), Tam thất hoang (7,13%). Kết quả này cho thấy hàm lượng saponin toàn phần của SLC tương đương SNL và cao hơn nhiều so với các loài sâm Vũ diệp, Tam thất hoang.

Chúng tôi tìm gặp TS Lê Thị Hồng Vân (Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM), nhà khoa học đam mê nghiên cứu sâm VN như SNL, SLC và sâm Langbiang (SLBA), để hỏi thêm vì sao một số nhà khoa học gọi SLC là "em sinh đôi" cùng SNL. TS Vân cho biết: Sâm VN hiện có 3 thứ đã được công bố gồm SNL (Panax vietnamensis var. vietnamensis), SLC (P. vietnamensis var. fuscidiscus), SLBA (P. vietnamensis var. langbianensis). Tuy nhiên, SLBA chưa được trồng thương mại, chỉ có trong hoang dã và sắp tuyệt chủng vì bị khai thác triệt để. So sánh hình thái của 2 thứ sâm còn lại thì TS Vân cho biết "rất khó phân biệt". Về hóa học, SNL và SLC đều khá tương đồng hàm lượng và thành phần saponin.

Danh phận 'em sinh đôi" của sâm Ngọc Linh

Ở tầm nhìn quốc gia, SLC hay SNL đều được xếp vào hàng "quốc bảo". Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 611/QĐ-TTg ban hành ngày 1.6.2023 với nội dung "Phê duyệt chương trình phát triển sâm VN đến năm 2023, định hướng đến năm 2045". Trong quyết định này chú trọng phát triển vùng nguyên liệu sâm VN quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Quyết định cũng nêu rõ hình thành các cơ sở sản xuất giống sâm VN hiện đại tại các địa phương trên cơ sở xác định cụ thể về quy mô diện tích vùng trồng sâm VN phù hợp, đảm bảo hiệu quả, trong đó ưu tiên tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu.

Đoàn công tác Hiệp hội Sâm Hàn Quốc thăm vườn sâm Lai Châu tại H.Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: TS Phạm Quang Tuyến cung cấp

Đoàn công tác Hiệp hội Sâm Hàn Quốc thăm vườn sâm Lai Châu tại H.Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: TS Phạm Quang Tuyến cung cấp

Năm 2022, Bộ NN-PTNT trao bằng Bảo hộ giống cây trồng đối với cây SLC cho tỉnh Lai Châu. Trong khi đó, Bộ KH-CN có quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận SLC cho tỉnh Lai Châu.

Hiện nay, các nhà khoa học đã thống nhất dùng tên gọi chung là sâm VN (Panax vietnamensis) như trong Dược điển VN cho 3 thứ sâm trong nước đã được công bố gồm SNL, SLC và SLBA. Tuy nhiên, trên thực tế các địa phương có SLC và SNL dường như vẫn chưa chịu gọi chung một tên là sâm VN mà vẫn gọi tên riêng SNL hoặc SLC.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại vùng trồng SNL, người trồng và ngay cả một số nhà quản lý vẫn cho rằng nói đến sâm Việt quý nhất là nói về SNL. So sánh về giá cả cũng thấy sự chênh lệch rất rõ. SLC trồng tương đồng năm tuổi, kích cỡ, có giá chỉ bằng 1/2 - 2/3 SNL.

"Tên SNL hay SLC chỉ nên dùng cho sâm VN có chỉ dẫn địa lý tại vùng Ngọc Linh hay Lai Châu. Chẳng lẽ giống SNL trồng ở Sơn La hay Tam Đảo mà vẫn cứ gọi là SNL thì không ổn. Hơn nữa, SLC cũng là một loại sâm quý được gọi quốc bảo thì gọi cả SLC và SNL là sâm VN mới đúng", một nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu về sâm VN bày tỏ quan điểm.

Với tinh thần khách quan, tôn trọng khoa học, chúng tôi tìm gặp các vị giáo sư, tiến sĩ đã có nhiều công trình nghiên cứu sâm VN để lắng nghe quan điểm của họ về SLC với góc nhìn khoa học, đa chiều hơn. (còn tiếp)

SLC là loài cây đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và giáp ranh H.Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) giáp biên giới với Trung Quốc và dãy núi Pu Sam Cáp nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cáp) và Tam Đường (Khun Há, Bản Giang, Hồ Thầu), tỉnh Lai Châu. SLC phân bố tập trung ở độ cao từ 1.400 - 2.000 m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.