Sắc màu tháng ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng ba được mệnh danh là tháng đẹp nhất của Tây Nguyên, tháng được mọi người trông mong, chờ đợi.
Mấy ngày trước, lúc sớm mai hay khi đêm về, thời tiết vẫn se sắt lạnh. Vậy mà, khi chạm vào tháng ba, khí trời đã có một cuộc chuyển đổi ngoạn mục, ngày nối ngày, dần trở nên oi nóng, ghi dấu những bước chân đầu tiên của mùa khô.
Tháng ba đánh dấu sự chuyển mùa bằng nắng vàng và gió thắm. Tháng ba cũng đánh dấu mùa khô bằng màu trắng của cỏ, những đám cỏ khô quắt với màu trắng bàng bạc tạo thành một khung cảnh như được chỉnh màu photoshop. Có thể thấy, những đám cỏ lớn từ màu hồng, xanh, tím, trải qua một mùa đông dài đã chuyển qua trắng nằm rải rác khắp các triền đồi.
Nhìn cỏ, tôi lại nhớ tới bộ ảnh cưới của mình. Bộ ảnh được chụp vào tháng ba với những đồi cỏ bát ngát màu trắng, lạ lẫm và mê hoặc. Nhìn lại hình ảnh của mình trong những bức ảnh ngày xưa, thấy tháng ba dù nắng gắt cỡ nào thì miệng vẫn cười tươi hết mức.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tháng ba là thời khắc của những sắc màu. Ngoài màu trắng bàng bạc của cỏ thì phải kể đến màu trắng muốt của hoa cà phê đến thời kỳ trổ bông.
Những cành cà phê từ trên cao xuống thấp đều được phủ trắng hoa như những bông tuyết đầu mùa hạ, điểm trên những cành lá màu xanh càng làm cho màu trắng của hoa trở nên nổi bật, trong không gian bát ngát của núi rừng, với vẻ đẹp tinh khiết và sức sống mãnh liệt. Nhìn cánh đồng cà phê mà không khỏi khâm phục những người nông dân đã chăm chút cho những đứa con tinh thần của mình để tạo nên vẻ đẹp và đặc sản cho Gia Lai.
Tháng ba Tây Nguyên còn đẹp bởi màu xanh. Bầu trời xanh thẳm, cao trong vời vợi. Và khi ta dừng bước tại Biển Hồ, lại thấy, không gian như mở rộng hơn khi bầu trời xanh thẳm tựa vào màu nước thắm biếc, rồi cả hai như hòa vào làm một, tạo nên không gian rộng mở, thanh bình.
Còn thêm một màu nhắc nhớ tháng ba, đó là màu vàng của nắng. Màu nắng của tháng ba cũng thay đổi, nắng ngả qua vàng đậm chứ không còn mơ vàng như tháng mùa đông. Nắng tháng ba phủ không gian vào lúc sớm đầu ngày và khi nhiệt độ đang dần tăng lên thì không gian ướp một màu vàng sậm trải dài trên khắp các mái nhà, đường phố.
Ngoài màu nắng vàng thì một “đặc sản” không thể thiếu trong tháng ba đó là màu vàng của những cánh bướm. Những cánh bướm bay ngập phố, tạo cảm giác rợn ngợp và hấp dẫn, khiến ta quên đi cái nóng của tháng ba để hòa mình vào những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Du khách ghé thăm đúng dịp này, tưởng chừng mình đang lạc vào một xứ sở thần tiên nào đó...
Và cứ thế, tháng ba như được chắt lọc hết tất thảy những tinh túy của đất trời để tạo nên một vẻ đẹp không lẫn vào đâu của Tây Nguyên.
LÊ VI THỦY

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.